Tội phạm tham nhũng thường tẩu tán hết tài sản

Thu hồi tài sản do tham nhũng chỉ mới đạt trên 20%

(SGGPO)- Sáng nay 26-11, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ (TTCP), Bộ Tư pháp phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Anh đã tổ chức Đối thoại về phòng, chống tham nhũng (PCTN) lần thứ 13 giữa Chính phủ Việt Nam và cộng đồng các nhà tài trợ, các đối tác phát triển quốc tế.

Đây là đối thoại PCTN thường niên, năm nay có chủ đề "các giải pháp phòng ngừa tham nhũng (PNTN) và thu hồi tài sản tham nhũng". Tới dự có  Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN Nguyễn Xuân Phúc.

Thu hồi tài sản do tham nhũng chỉ mới đạt trên 20%

TTCP cho rằng, tuy có nhiều nỗ lực nhưng việc thực hiện một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng thời gian qua hiệu quả còn thấp. Đơn cử như tình trạng thiếu chủ động trong việc xác minh các bản kê khai tài sản, thu nhập, nên ít phát hiện những trường hợp vi phạm; quy định về việc nộp lại quà tặng còn hình thức, khó phát hiện, xử lý vi phạm; thanh toán bằng tiền mặt còn phổ biến; việc mua bán tài sản có giá trị lớn vẫn chưa được thanh toán qua tài khoản; chưa kiểm soát được thu nhập, tiêu dùng của người có chức vụ, quyền hạn.

Nhiều vụ việc không thể thu hồi tài sản do không phát hiện, truy tìm được tài sản đã được các đối tượng phạm tội chuyển hóa tinh vi dưới nhiều cách thức khác nhau, trong đó có việc chuyển ra nước ngoài. Quá trình phát hiện, điều tra, xử lý một vụ việc tham nhũng ở Việt Nam diễn ra tương đối dài, bị cắt khúc qua nhiều cơ quan xử lý khác nhau, trong khi đó các cơ quan có thẩm quyền thường chưa kịp thời áp dụng các biện pháp nghiệp vụ (kê biên tài sản người phạm tội), dẫn đến tình trạng người phạm tội tẩu tán hết tài sản.

Quá trình xét xử thường chú trọng nhiều phần trách nhiệm hình sự của bị cáo mà chưa quan tâm đúng mức đến phần trách nhiệm dân sự và việc xử lý tang, tài vật. Đối tượng phải thi hành án trong các vụ án tham nhũng chủ yếu phải chấp hành hình phạt tù, trong khi phần dân sự có thể có giá trị lớn nhưng không có tài sản, không có điều kiện thi hành. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng chỉ khoảng trên đạt 22%. Trong khi đó, hiện tội phạm kinh tế, tham nhũng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tín dụng, chứng khoán, quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản tiếp tục diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn…

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, phòng ngừa là giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất trong PCTN, vì phòng ngừa sẽ ngăn chặn ngay từ đầu các điều kiện, cơ hội để hành vi tham nhũng có thể hình thành, phát sinh và gây ra hậu quả cho xã hội. Trong khi đó, thu hồi tài sản tham nhũng là nhằm khắc phục hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi tham nhũng, trả lại nguồn lực cho Nhà nước, xã hội, triệt tiêu động cơ của tội phạm tham nhũng; là một trong các thước đo hiệu quả của công tác PCTN. PCTN và thu hồi tài sản tham nhũng đóng vai trò quan trọng, là các yếu tố chính của một chiến lược PCTN toàn diện của bất kỳ quốc gia nào.

Phát biểu tại Đối thoại, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam trong công tác PCTN là rất rõ ràng. Ngay trong Hiến pháp 2013 cũng quy định rất rõ về việc này. Chính phủ cũng đã ban hành chiến lược về PCTN. Hơn nữa, Việt Nam có thành lập cả Ban Chỉ đạo Trung ương PCTN do Tổng Bí thư Trung ương Đảng làm Trưởng ban. Đồng thời, có nhiều việc Việt Nam đã và đang làm như hoàn thiện hệ thống thể chế, với việc ban hành một loạt các luật liên quan để góp phần PCTN…

Phó Thủ tướng cũng thừa nhận, công tác PCTN ở Việt Nam dù có tiến bộ, nhưng chưa đạt yêu cầu đặt ra, đặc biệt là thu hồi tài sản do tham nhũng gây ra còn thấp (mới chỉ đạt 22,3%). Phó Thủ tướng cho rằng, cùng với những bài học của quốc tế về PCTN và thu hồi tài sản, với việc hoàn thiện thể chế, Việt Nam sẽ thực hiện ngày càng tốt hơn nữa Công ước Liên hợp quốc về PCTN.

"Việt Nam cũng cần có những con mèo để diệt chuột"

Đánh giá cao Việt Nam đã thể hiện quyết tâm chính trị rất cao trong PCTN, nhưng Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Giles Lever chỉ ra rằng, qua chỉ số đánh giá hiệu quả trong lĩnh vực hành chính công năm 2013 cho thấy, tình hình tham nhũng và nhận hối lộ trong khu vực công vẫn đang là vấn đề nổi cộm tại Việt Nam. Từ nhiều khảo sát cho thấy, người dân và cộng đồng quốc tế vẫn thấy tham nhũng đang tràn lan ở Việt Nam. Điều này cho thấy, những chủ trương, quy định… đưa ra vẫn chưa được vận dụng hiệu quả trong thực tiễn.

Để PCTN thành công, Đại sứ Vương quốc Anh cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong nước, đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các cơ quan, tổ chức quốc tế. Ngài Đại sứ nhấn mạnh, trong PCTN, cần chú ý đến đội ngũ doanh nghiệp, vì doanh nghiệp vừa là nạn nhân của nạn tham nhũng, doanh nghiệp còn vừa là đối tác quan trọng trong PCTN. Hơn nữa, trong môi trường hội nhập, việc PCTN còn có ý nghĩa quan trọng trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư. Bởi nếu tham nhũng còn tồn tại trong môi trường kinh doanh thì hiệu quả hội nhập, hợp tác quốc tế và thu hút đầu tư sẽ giảm. “

Việt Nam có câu “Đánh chuột đừng để vỡ bình". Tôi tin là Việt Nam tìm được cách để đánh chuột mà không vỡ bình. Bởi ở nhiều nơi trên thế giới đã cho thấy, nếu cứ để chuột có cơ hội lớn lên, nó sẽ làm vỡ bình. Cho nên, Việt Nam cũng cần có những con mèo để diệt chuột, hoặc ít ra phải có thuốc chuột, có bẫy chuột… Và dù cách nào, mục đích chính là phải diệt được chuột, nếu không, sẽ đến lúc chuột đuổi chủ ra khỏi nhà - Đại sứ Vương quốc Anh ví von một cách đầy hình ảnh.

Tại Đối thoại, đại diện các nhà tài trợ và các đối tác phát triển tiếp tục khẳng định cam kết ủng hộ, hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong công tác PCTN.

Theo báo cáo về công tác PCTN năm 2014 của Chính phủ, qua thanh tra, các cơ quan có thẩm quyền đã phát hiện 54 vụ tham nhũng với số tiền 68,5 tỷ đồng, thu hồi 46,9 tỷ đồng (đạt 68,5%, tăng 18,3% so với năm 2013), xử lý 87 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng, kiến nghị xử lý hành chính hàng nghìn tập thể, cá nhân. Lực lượng cảnh sát điều tra các cấp đã thụ lý 415 vụ án về tham nhũng với số tiền thiệt hại trên 6.740 tỷ đồng, đã thu hồi nộp ngân sách Nhà nước trên 1.500 tỷ đồng (đạt 22,3%, tăng 14,1% so với năm 2013).

PHAN THẢO

--------------------

Việc thu hồi tài sản của ông Trần Văn Truyền sẽ được thực hiện đầy đủ và đúng quy định

Bên lề Đối thoại về phòng, chống tham nhũng (PCTN) lần thứ 13 tại Hà Nội, Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Huỳnh Phong Tranh đã trả lời báo chí liên quan đến việc thu hồi tài sản do tham nhũng nói chung, vụ việc của ông Trần Văn Truyền nói riêng.

* Phóng viên: Thưa Tổng Thanh tra, hiện chúng ta đã có nhiều quy định về thu hồi tài sản tham nhũng. Nhưng như báo cáo, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng rất thấp, chỉ trên 20%. Tại sao lại thấp vậy, khó ở chỗ nào?

Ông Huỳnh Phong Tranh: Đối thoại PCTN 13 có 2 nội dung chính: Vai trò của doanh nghiệp trong PCTN và thu hồi tài sản tham nhũng. Có thể nói trong thời gian qua, vấn đề thu hồi tài sản từ tham nhũng đã được Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng rất quan tâm. Khi phát hiện và xử lý tham nhũng cũng đã quan tâm đến việc thu hồi tài sản tham nhũng. 

Nhưng đúng là việc này tiến triển chưa tốt. Năm 2013 chỉ đạt trên 10%, năm 2014 đạt trên 22%. Đó là một sự tiến bộ rõ nét, nhưng theo yêu cầu thực tế, tỉ lệ này còn thấp. Đối thoại lần này phải tìm giải pháp làm sao để thu hồi tài sản tham nhũng phải phải đạt tỉ lệ cao hơn. Ví dụ năm 2014 riêng TTCP đã phát hiện trên 68 tỷ đồng tham nhũng, đã thu hồi khá cao, trên 60%. Cho thấy nếu tập trung cao, có chế tài mạnh mẽ, thu hồi tài sản có kết quả tốt hơn, đặc biệt với các vụ án đã xét xử và các bản án đã có hiệu lực.

* Nguyên nhân của việc phát hiện tham nhũng nhiều mà thu hồi tài sản lại ít là do đâu?

Có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, một số vụ án kéo dài thời gian nên tài sản bị tẩu tán. Thứ hai, khâu giám định mất thời gian, tài sản bị hư hao, mất mát. Thứ ba, chế tài chưa mạnh nên việc thu hồi tài sản chưa hiệu quả. Nhưng năm 2014 đã có tiến bộ tích cực. Hy vọng cuộc đối thoại này sẽ kiến nghị các giải pháp để hoạch định chủ trương thực hiện thu hồi tài sản hiệu quả hơn trong thời gian tới.

* Liên quan vụ việc nguyên Tổng TTCP Trần Văn Truyền. Vừa qua Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có kết luận rõ ràng. Tới đây, việc thu hồi tài sản của ông Truyền có nằm trong việc đẩy mạnh thu hồi tài sản sau tham nhũng không?

Nguyên Tổng TTCP  Trần Văn Truyền là cán bộ thuộc diện Ban Bí thư quản lý. Sau khi Ban Bí thư chỉ đạo và Uỷ ban Kiểm tra Trung ương có kết luận,  việc thu hồi tài sản của ông Truyền đã được các cơ quan chức năng tích cực thực hiện kịp thời. Trong thời gian tới, chúng tôi tin tưởng việc này sẽ được thực hiện có kết quả tốt.

* Vậy sau thu hồi tài sản thì các bước tiếp theo sẽ như thế nào đối với một cán bộ như ông Truyền?

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã giao Tỉnh ủy Bến Tre tiến hành kiểm điểm trách nhiệm và xử lý theo các quy định của Đảng và Nhà nước. Chúng tôi là cơ quan cũ của nguyên Tổng TTCP Trần Văn Truyền sẽ theo dõi để thông tin kịp thời cho báo chí, cũng như có sự phối hợp với các cơ quan chức năng.

* Theo ông, vụ ông Trần Văn Truyền có dấu hiệu tham nhũng không?

Việc này theo đúng kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương thôi, chúng tôi không nói được gì khác hơn. Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận có dấu hiệu vi phạm về tài sản, về chế độ chính sách của nhà nước thôi.

* Xin cảm ơn ông!

Phan Thảo ghi

Tin cùng chuyên mục