Tội phạm xuyên quốc gia mở rộng ở Đông Nam Á

Theo một báo cáo mới nhất của Liên hiệp quốc (LHQ), các mạng lưới tội phạm xuyên biên giới ngày càng được kết nối chặt chẽ hơn và hoạt động mạnh mẽ hơn tại khu vực Đông Nam Á - nơi tiến trình hội nhập kinh tế khu vực đang tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia tăng các vụ phạm tội.
Tội phạm xuyên quốc gia mở rộng ở Đông Nam Á

Theo một báo cáo mới nhất của Liên hiệp quốc (LHQ), các mạng lưới tội phạm xuyên biên giới ngày càng được kết nối chặt chẽ hơn và hoạt động mạnh mẽ hơn tại khu vực Đông Nam Á - nơi tiến trình hội nhập kinh tế khu vực đang tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia tăng các vụ phạm tội.

100 tỷ USD/năm từ hoạt động phi pháp

Cơ quan LHQ về chống ma túy và tội phạm (UNODC) nhận định rằng, trong những năm gần đây, mạng lưới tội phạm xuyên quốc gia đã tăng nhanh trong vùng, với nhiều hình thức khác nhau như buôn người, ma túy, làm hàng giả, buôn lậu gỗ, động vật… Mới nhất, ngày 1-3 vừa qua, cơ quan chức năng Malaysia đã thu giữ gần 160kg ngà voi trị giá 400.000 USD tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur trong 2 vụ khác nhau.

Bản báo cáo của LHQ cho hay lợi nhuận thu được từ các vụ buôn bán bất hợp pháp như kể trên còn cao hơn cả thu nhập quốc dân của 3 nước Lào, Myanmar và Campuchia cộng lại. Theo ước tính, “doanh thu” từ các hoạt động buôn bán phạm pháp lên đến 100 tỷ USD/năm. Điều này đã gây nên tình trạng bất ổn định cho các quốc gia và nền kinh tế của họ. Đồng thời cũng là nguồn khiến nạn tham nhũng tràn lan.

Hải quan Thái Lan trong một vụ bắt giữ đường dây buôn lậu ngà voi

Ngày 31-12-2015, 10 nước trong khu vực Đông Nam Á bao gồm Brunei, Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Việt Nam, Myanmar, Lào và Campuchia với tổng số dân gần 600 triệu người, bao đã nhất trí thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), với mục tiêu là tiến đến một thị trường duy nhất tương tự mô hình của Liên minh châu Âu (EU). Theo ông Jeremy Douglas, đại điện của LHQ tại Đông Nam Á, đã đến lúc lãnh đạo các quốc gia thành viên ASEAN phải gắn liền vấn đề hội nhập kinh tế với các vấn đề an ninh.

Tăng cường kiểm tra an ninh

Buôn bán ma túy tại khu vực Đông Nam Á hiện đang phát triển mạnh. LHQ nhận định rằng việc giảm bớt các trạm kiểm tra ở biên giới và cải thiện cơ sở hạ tầng đã tạo ra nhiều cơ hội thuận lợi cho bọn buôn lậu. Về khai thác gỗ lậu, cơ chế quản lý yếu kém đã tạo cơ hội cho bọn tội phạm có thể kiếm được rất nhiều lợi nhuận mà lại ít gặp rủi ro. Ước tính 30% - 40% gỗ xuất khẩu của Đông Nam Á đến từ nguồn khai thác bất hợp pháp. Đường biển cũng là một cách rất đơn giản để vận chuyển kim loại bất hợp pháp và thuốc men. Báo cáo LHQ chỉ rõ mỗi năm có đến hơn 500 triệu container được vận chuyển trong vùng, nhưng chỉ có 2% trong số đó là bị kiểm tra.

Trong khi đó, nạn buôn người ở Đông Nam Á cũng diễn biến rất phức tạp. Hàng ngàn người di cư, chủ yếu từ phía Tây Myanmar và Bangladesh, ước mơ tìm được công ăn việc làm ở các quốc gia giàu có hơn ở Đông Nam Á đã trở thành nạn nhân của các tổ chức buôn người. Họ bị đường dây buôn người giam giữ nhiều tháng, có khi hàng năm, trong những lán trại thô sơ, bị đánh đập, bị bỏ đói cho đến khi thân nhân nộp đủ tiền chuộc mạng. Theo tổ chức nhân quyền Freeland, mỗi chiếc tàu chở 400 người mang về cho đường dây tội phạm 800.000 USD. Tổ chức phi chính phủ Fortify thì cho hay chỉ trong giai đoạn từ 2013-2015, số tiền từ hoạt động buôn người của các tổ chức tội phạm tại Đông Nam Á đã lên đến 250 triệu USD.

Ông Douglas nhận định các nước trong khu vực đang cho xây dựng những con đường hoành tráng, lắp đặt các cơ sở hạ tầng mới và nhận thấy rằng các hoạt động giao thương của họ đang tăng 10% - 20%/năm nhưng lại không có các giải pháp để bảo vệ. Theo đại diện của LHQ, nếu các nước không bắt đầu ngay từ bây giờ thiết lập các trạm kiểm tra hải quan và các hệ thống cảnh sát thì các nước nghèo trong khu vực sẽ phải gánh chịu các hậu quả vô cùng nặng nề hơn cả.

ĐỖ CAO (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục