Ngày 14-12, Lễ trao giải thưởng Doanh nghiệp xanh năm 2012 đã diễn ra tại Nhà hát TPHCM. Hơn 50 doanh nghiệp xanh, được chọn ra từ hơn 100 doanh nghiệp đăng ký tham gia, đã được tôn vinh. Giải thưởng Doanh nghiệp xanh ra đời từ ý tưởng của Báo Sài Gòn Giải Phóng, được phối hợp thực hiện bởi Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) và do UBND TPHCM cùng Bộ TN-MT chủ trì, nhằm tôn vinh những doanh nghiệp đã có nhiều hành động thiết thực trong công tác bảo vệ môi trường, đồng thời có những động thái tích cực hỗ trợ cộng đồng cùng nâng cao nhận thức, cải thiện chất lượng môi trường sống…
Nền tảng phát triển bền vững
Ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM cho biết, tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa nhanh đã khiến chất lượng môi trường sống ngày càng suy giảm nghiêm trọng. Hiện nay, sự suy giảm chất lượng môi trường đang tác động nguy hại đến chất lượng cuộc sống của cộng đồng dân cư.
Thời gian qua, các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư đã có những bước chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động nhằm bảo vệ môi trường. Do đó, chất lượng môi trường sống của nhân dân TP từng bước được cải thiện, hạn chế nguy cơ suy thoái môi trường. Tuy nhiên, nguy cơ tái ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng sống của cộng đồng dân cư tại một số nơi, một số khu vực vẫn còn tồn tại.
Không dừng lại ở đó, việc áp dụng nghiêm ngặt các tiêu chuẩn môi trường đối với những hàng hóa nhập khẩu mà các quốc gia phát triển trên thế giới đang thực hiện đã hạn chế rất lớn lợi thế cạnh tranh của sản phẩm trong nước. Xuất phát từ thực tế đó, TP đã quyết tâm chỉ đạo việc thực chương trình giảm thiểu ô nhiễm môi trường, được xem là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm, và cấp bách từ nay đến 2015.
Đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh, muốn làm được điều này, vai trò của doanh nghiệp góp phần hết sức quan trọng. Việc ý thức, đầu tư xây dựng hệ thống xử lý, cải thiện ô nhiễm môi trường ngay từ mỗi doanh nghiệp sẽ góp phần rất lớn trong việc chặn đứng nguồn thải gây ô nhiễm môi trường. Do vậy, sự ra đời giải thưởng Doanh nghiệp xanh được xem như giải pháp khuyến khích doanh nghiệp nỗ lực chấp hành nghiêm Luật Bảo vệ môi trường, giảm thiểu rủi ro do rào cản xanh gây ra, từng bước tiến tới phát triển bền vững, đóng góp tích cực vào phong trào bảo vệ môi trường cùng cộng đồng.
Khuyến khích sử dụng sản phẩm “xanh”
Không dừng lại đó, đồng chí Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh thêm, hiện UBND TPHCM đã chỉ đạo Báo Sài Gòn Giải Phóng, Sở TN-MT phối hợp thông qua giải thưởng này, thực hiện xác lập và chứng nhận nhãn hiệu xanh cho các doanh nghiệp đạt chứng nhận Doanh nghiệp xanh. Từ đó, làm cơ sở để nhân rộng mô hình sản xuất cho doanh nghiệp khác trên địa bàn TP và toàn quốc. Đồng thời, tạo nên hạt nhân cho cuộc vận động toàn dân sử dụng sản phẩm Doanh nghiệp xanh - sản phẩm có lợi cho môi trường. Chính vì lý do này nên những doanh nghiệp được chọn phải trải qua những tiêu chí rất ngặt nghèo. Cụ thể, với doanh nghiệp có quy mô sản xuất vừa và nhỏ phải đáp ứng yêu cầu toàn bộ chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất được xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường; không bị cộng đồng dân cư khiếu kiện và phải có bộ phận chuyên trách về môi trường. Riêng với những doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn và có vốn đầu tư nước ngoài thì đòi hỏi cao hơn. Ngoài những tiêu chí như doanh nghiệp vừa và nhỏ, họ còn phải đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất hiện đại, áp dụng giải pháp sản xuất sạch hơn và đặc biệt có nhiều đóng góp, hỗ trợ cộng đồng cùng nâng cao nhận thức gìn giữ môi trường sống xanh, sạch.
Đại diện Ban tổ chức giải thưởng cho biết, dựa trên những tiêu chí trên, đã có 50 doanh nghiệp được chọn trao chứng nhận Doanh nghiệp xanh năm 2012. Mặt khác, với các Công ty TNHH Product Intel, Nhà máy sữa Trường Thọ, Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương 25 hay Công ty cổ phần Kido, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Tân Quang Minh… ban tổ chức còn chọn trao giải thưởng Doanh nghiệp xanh ở những thứ hạng cao hơn. Bởi lẽ, họ ngoài việc đáp ứng yêu cầu của ban tổ chức giải thưởng đặt ra, họ còn xuất sắc hơn khi đầu tư và áp dụng nhiều giải pháp sản xuất có lợi cho môi trường.
Điển hình như đầu tư đưa vào hoạt động hệ thống sử dụng điện mặt trời, xây dựng quỹ đầu tư cải thiện chất lượng môi trường sống, tận thu tái sử dụng chất thải phát sinh, sử dụng nguồn năng lượng thân thiện môi trường thay cho nguồn năng lượng hóa thạch…
Có thể nói, ngay sau khi doanh nghiệp đạt chứng nhận này, ban tổ chức sẽ tiếp tục phối hợp cùng doanh nghiệp xanh để thực hiện cuộc vận động cộng đồng ưu tiên tiêu dùng sản phẩm có lợi cho môi trường. Có như vậy mới tạo nên hiệu quả kép, tạo động lực để các doanh nghiệp - nền tảng sự phát triển bền vững ngày càng thực hiện tốt hơn Luật Bảo vệ môi trường, góp phần cải thiện chất lượng môi trường sống vốn đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.
|
ÁI VÂN – MINH HẢI