Tôn vinh những báu vật nhân văn

TPHCM vừa triển khai thực hiện việc xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể cho các nghệ nhân trên địa bàn thành phố. Như vậy là năm 2015, cùng với cả nước, lần đầu tiên hàng chục nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể của TPHCM được chính thức tôn vinh bằng một danh hiệu từ nhà nước. Một tin vui không nhỏ, một sự khích lệ tinh thần vô cùng lớn cho những người bao năm qua đã không ngừng đóng góp, cống hiến trong công tác gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của đất nước.

Trong những năm gần đây, Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã lần lượt công nhận không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, nhã nhạc cung đình Huế, hát ca trù, dân ca quan họ Bắc Ninh và mới đây nhất là đờn ca tài tử Nam bộ là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại thì việc tôn vinh các nghệ nhân dân gian là hết sức cấp thiết.

Cái cấp thiết ở đây còn do phần đông các nghệ nhân dân gian đều đã lớn tuổi, ngày càng mai một theo quy luật thời gian, không tôn vinh kịp thời thì sẽ đáng tiếc biết bao! Thật ra gần 15 năm qua, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã tổ chức vinh danh các nghệ nhân và nghệ nhân dân gian đã trở nên gần gũi với mọi người.

Cũng từng ấy năm, đã có gần 400 nghệ nhân dân gian trên các lĩnh vực trong cả nước được công nhận đúng nghĩa chỉ là một sự khích lệ tinh thần. Bởi hầu hết họ chỉ được công nhận bằng danh hiệu chứ tuyệt nhiên chưa có một khoản hỗ trợ vật chất nào để cuộc sống bớt khó khăn, để họ có thể yên tâm sống hết mình với nghề và truyền nghề cho các thế hệ trẻ. Trong khi ở nhiều nước trong khu vực và thế giới, vấn đề này đã được làm từ lâu, làm bài bản và rất được chính phủ quan tâm đầu tư.

Theo Nghị định 62/2014-NĐ-CP, một số tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu nghệ nhân đang tồn tại nhiều bất cập so với hoạt động thực tiễn của di sản văn hóa nghệ thuật Việt Nam như: các nghệ nhân có thành tích, giải thưởng, có các tài liệu chứng minh tri thức, kỹ năng như ghi băng, ghi đĩa, hình ảnh… Vì trên thực tế, không ít nghệ nhân dân gian chỉ tham gia sinh hoạt, truyền nghề trong cộng đồng, thầm lặng đóng góp trong phong trào của địa phương chứ ít khi tham gia vào các liên hoan chuyên nghiệp nên yêu cầu họ phải có danh hiệu, huy chương là điều bất khả.

Một số nghệ nhân ở những vùng sâu vùng xa, vùng thôn quê hẻo lánh, điều kiện kinh tế khó khăn thì việc truyền dạy chủ yếu là truyền miệng, thậm chí không đủ tư liệu để tích lũy nói gì tới việc quay phim, băng đĩa như yêu cầu.

Cũng theo Nghị định 62, các nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú sẽ được nhận một khoản tiền thưởng theo quy định. Ngoài ra, những Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn sẽ được hưởng một khoản trợ cấp sinh hoạt hàng tháng theo quy định của Chính phủ. Một nhu cầu thiết thực là chế độ ưu đãi bảo hiểm y tế để chăm lo cho các nghệ nhân lúc tuổi già, bệnh tật cũng rất cần các ngành, các cấp địa phương quan tâm suy tính…

Thế nên, dù quy trình thủ tục xét tặng nhìn chung đã có đơn giản hơn nhưng cũng rất cần hướng tham mưu chủ động, tích cực và linh hoạt của các ban ngành liên quan, nhất là ngành văn hóa.

Giờ đây, những người góp sức rất lớn trong việc giữ gìn, trao truyền lại những tinh hoa của văn hóa dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau được tôn vinh đúng mực. Những báu vật nhân văn sống - theo cách gọi của UNESCO, được tiếp thêm sức mạnh tinh thần, được tiếp thêm động lực để truyền lửa văn hóa truyền thống cho những người đi sau.

MINH AN

Tin cùng chuyên mục