Tôn vinh văn hóa phi vật thể

Sau vụ động đất, sóng thần ngày 11-3 vừa qua ở Nhật Bản, giới truyền thông thế giới ca ngợi nền văn hóa Nhật đã tạo nên ý chí, nghị lực và đặc biệt là tinh thần gắn kết cộng đồng của người Nhật. Một lần nữa, người ta lại nói đến sức mạnh to lớn của văn hóa; trong đó nổi bật nhất là văn hóa phi vật thể.

Văn hóa là một thực thể sống mãi với thời gian. Con người tạo ra văn hóa. Văn hóa tạo nên con người. Đây là mối quan hệ hữu cơ, mật thiết không thể chia tách được, trong thực thể văn hóa có văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Sự phân chia này cũng chỉ là tương đối. Bởi lẽ, văn hóa là một thể thống nhất hài hòa. Trong văn hóa vật thể có phi vật thể, trong văn hóa phi vật thể có vật thể. Giá trị của văn hóa vật thể hay phi vật thể tùy thuộc vào sự tỏa sáng, sự sống động trong đời sống xã hội. Giá trị đặc trưng của văn hóa phi vật thể là sự gắn kết cộng đồng xã hội.

Những năm qua, vị thế của Việt Nam không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế. Thế giới biết nhiều đến Việt Nam qua văn hóa. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa lớn đã khẳng định, văn hóa Việt Nam là một nền văn hóa đặc sắc, độc đáo, có sức tỏa sáng mạnh mẽ. Thế giới đã tôn vinh văn hóa Việt Nam thông qua việc công nhận hàng loạt những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của Việt Nam.

Giá trị văn hóa phi vật thể của nhã nhạc cung đình Huế, quan họ Bắc Ninh, ca trù đã là di sản văn hóa thế giới.

Tuy nhiên, trong đời sống xã hội hiện nay, vẫn còn không ít những giá trị văn hóa phi vật thể chưa được tôn vinh xứng đáng. Riêng ở vùng đất phương Nam của Tổ quốc, khi nói đến văn hóa người ta không thể không nói đến “đờn ca tài tử”. Trong công cuộc khai phá đất mới, người Việt ở phương Nam đã tạo nên một loại hình văn hóa đặc thù để gắn kết cộng đồng, duy trì và phát huy những giá trị cao đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc. Sức sống sâu rộng của “đờn ca tài tử” là thực tế hiển nhiên. Giá trị nghệ thuật của “đờn ca tài tử” cũng không có gì phải bàn cãi. “Đờn ca tài tử” đã sống mạnh mẽ trong dân chúng, được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Loại hình văn hóa độc đáo này là một đặc trưng văn hóa Việt Nam của vùng đất Nam bộ. Giá trị ấy nhất thiết phải được tôn vinh ở tầm mức thế giới. Chúng ta xây dựng và hoàn tất hồ sơ để UNESCO công nhận “đờn ca tài tử” là  di sản văn hóa phi vật thể của thế giới là điều cần thiết, là việc cần làm.

Tất nhiên, để thế giới công nhận và cao hơn hết, để “đờn ca tài tử” tỏa sáng trong xã hội, chúng ta cần phải có một chiến lược văn hóa có quy mô lớn để phát huy giá trị văn hóa đẳng cấp quốc tế này. Trước hết, các cấp chính quyền và toàn xã hội phải có chung nhận thức: Sức sống của “đờn ca tài tử” thuộc về nhân dân. Các câu lạc bộ “đờn ca tài tử” cần phải được đầu tư toàn diện, lâu dài để giá trị văn hóa phi vật thể luôn tỏa sáng trong cộng đồng xã hội. Giá trị nào cũng phải được nuôi dưỡng.

TR.VĂN

Tin cùng chuyên mục