Phát biểu chỉ Hội nghị toàn quốc Tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2017 và triển khai nhiệm nhiệm vụ năm 2018 sáng 19-1, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, bên cạnh những thành tích đã đạt được rất đáng ghi nhận trong năm 2017, công tác tổ chức xây dựng Đảng còn có những hạn chế, khuyết điểm cần phải khắc phục.
Cụ thể, vẫn còn một số cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp uỷ chưa thực sự coi trọng công tác xây dựng Đảng; vai trò nêu gương, phê bình và tự phê bình còn chưa cao, cá biệt có nơi vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, vi phạm các nguyên tắc bảo vệ chính trị nội bộ... Chính vì những khuyết điểm này nên tình hình vi phạm kỷ luật của cán bộ, đảng viên còn diễn biến phức tạp, đáng báo động.
Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ của một số cơ quan, tổ chức chưa thật rõ, còn chồng chéo, trùng lắp giữa các bộ, ngành. Cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn bất cập. Số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách Nhà nước rất lớn; dẫn đến chi thường xuyên ngày càng tăng, chiếm tỉ trọng cao trong tổng chi ngân sách Nhà nước.
Công tác cán bộ còn nhiều khe hở, lỗ hổng, tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém; chưa có cơ chế để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền một cách hiệu quả.
“Tại sao có hiện tượng đề bạt, cất nhắc nhiều người nhà, người thân quen mặc dù không đủ tiêu chuẩn? Vì sao cứ nói bổ nhiệm đúng quy trình nhưng kết quả thực tế bố trí cán bộ lại là sai?... Vậy vai trò, trách nhiệm và sự đóng góp của ngành Tổ chức xây dựng Đảng trong việc này thế nào?” -Tổng Bí thư nêu vấn đề.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị toàn quốc Tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng. Ảnh: TRẦN BÌNH Đề cập đến nhiệm vụ 2018 của ngành Tổ chức xây dựng Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, tư tưởng chỉ đạo chung là phải tiếp tục cụ thể hoá Cương lĩnh, Nghị quyết Đại hội XII, các nghị quyết của Trung ương về xây dựng Đảng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết Trung ương đã ban hành từ đầu khoá XII đến nay. Ngành Tổ chức xây dựng Đảng tích cực, chủ động chuẩn bị nội dung trình các Hội nghị Trung ương sắp tới, mà trước mắt là Đề án “Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” trình Hội nghị Trung ương 7. Đề án này phải kế thừa, bổ sung, đổi mới và phát triển trên cơ sở tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khoá VIII về Chiến lược cán bộ; thể chế hoá, cụ thể hoá Cương lĩnh 2011, Nghị quyết Đại hội XI, XII của Đảng.
Tinh thần là chuẩn hoá và siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị và tình hình mới đặt ra, giải phóng được nguồn lực, phát huy tiềm năng, trí tuệ và sức sáng tạo của đội ngũ cán bộ ở mọi ngành, mọi cấp, mọi lĩnh vực. Ngoài nhiệm vụ trọng tâm này, ngành Tổ chức xây dựng Đảng cần bắt tay vào chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 với quan điểm kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển. Khắc phục những hạn chế, bất cập và phù hợp với dự báo phát triển trong tương lai của công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.
Phải chú trọng đến công tác cán bộ thường xuyên; đồng thời tiếp tục hoàn thiện các quy trình, quy định, quy chế liên quan đến công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ một cách dân chủ, công khai, minh bạch. Tăng cường phân cấp gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực chặt chẽ, hiệu quả trong công tác tổ chức, cán bộ. Thực tế hiện nay, cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả chưa cao; việc công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình còn hạn chế; hiện tượng chạy chức, chạy quyền còn diễn biến tinh vi, phức tạp.
Quang cảnh hội nghị sáng 19-1. Ảnh: TRẦN BÌNH Theo Tổng Bí thư, nhiệm vụ công tác tổ chức xây dựng Đảng trong thời gian tới hết sức nặng nề. Đường lối có đúng hay sai, tổ chức thực hiện có tốt hay không đều phụ thuộc vào cán bộ. Cần phải nắm vững nguyên tắc, cơ chế, chính sách, các quy định của Đảng, Nhà nước; có bản lĩnh chính trị vững vàng, dám hy sinh vì lợi ích chung, có đạo đức cách mạng trong sáng, gương mẫu; tinh thông nghiệp vụ, phương pháp công tác khoa học, nói đi đôi với làm. Đặc biệt là phải hết sức công tâm, khách quan, tận tuỵ với công việc; không chịu bất cứ sức ép, sự tác động không lành mạnh nào.
“Chúng ta phải có dũng khí, dám thẳng thắn bảo vệ cái đúng, kiên quyết can ngăn những việc làm không đúng, chống cho được tệ bè phái, cục bộ, cá nhân chủ nghĩa, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ và cũng không để bị lợi ích nào cám dỗ, không để bị chi phối bởi quan hệ cá nhân, thân quen không trong sáng. Kiên quyết chống tham nhũng trong công tác cán bộ” - Tống Bí thư nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TRẦN BÌNH Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết vừa qua, TPHCM đã ban hành quy trình giải quyết thông tin phản ánh các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng, chính trị đạo đức lối sống, vi phạm pháp luật.
Theo đó, người đứng đầu các cơ quan có người bị phản ánh phải báo cáo cấp uỷ cùng cấp biết sự việc, báo cáo để thường vụ cấp uỷ chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiện, từ thực tế của quy trình phòng chống tham nhũng có thể thấy gồm 8 bước, ở mỗi bước vẫn còn có những bất cập. Đơn cử như quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị, đảng viên… giám sát việc xử lý chế tài các kết luận đối với các cá nhân, tập thể, cá nhân sai phạm. Nhưng, sau khi cơ quan Đảng, Nhà nước có chế tài xử lý thì khâu giám sát các chế tài chưa được thực hiện đầy đủ, hiệu quả chưa cao. Nhiều kết luận thanh tra, kiểm toán không được công bố, các tổ chức mặt trận không biết mà giám sát, vì vậy tác dụng răn đe, điều chỉnh hành vi còn hạn chế. Vì vậy để khắc phục tình trạng này, cần giám sát việc công bố việc thực thi các chế tài của Đảng, nhà nước với các tổ chức, cá nhân có sai phạm.
Hiện chưa có quy định các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận phối hợp thực hiện công bố và giám sát thực hiện chế tài. Tương tự là bước 8 về phòng chống suy thoái, tham nhũng, còn hạn chế ở khâu rút kinh nghiệm, cũng như hoàn chỉnh, ban hành quy chế quản lý ở nhiều địa phương. Định kỳ hàng năm đánh giá một cách toàn diện chưa được nên sai phạm cũ chưa được khắc phục đã xuất hiện sai phạm, suy thoái, tham nhũng mới...
“Đây là nguyên nhân của tình trạng ở cấp trên đốt lửa to, cấp dưới chậm đốt lửa hoặc đốt lửa nhỏ trong khi suy thoái, tham nhũng hàng ngày, hàng giờ huỷ hoại niềm tin của nhân dân, tài sản của nhà nước, sức chiến đấu của Đảng và sức mạnh tổng hợp của đất nước”- đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
TRẦN BÌNH