Đường Vành đai 2 có ý nghĩa hết sức to lớn trong công tác chống ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông của TPHCM. Thế nhưng, hiện nay trục đường quan trọng này vẫn còn nhiều đoạn chưa được xây dựng.
Mới xây xong 54km/69km
Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải (GTVT) TPHCM đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, đường Vành đai 2 có tổng chiều dài hơn 69km với nhiều đoạn có lộ giới lên tới 120m. Tuy nhiên, Sở GTVT TPHCM cho biết, hiện mới có 54km được xây dựng với nhiều đoạn chưa được mở rộng ra đúng với lộ giới.
Vành đai 2 bao gồm các tuyến đường: Quốc lộ 1 đoạn từ nút giao thông Gò Dưa chạy qua các nút giao thông An Sương, An Lạc đến khu vực đường Hồ Ngọc Lãm rồi tiếp tục với đường Nguyễn Văn Linh, cầu Phú Mỹ và cuối cùng là đường mới nối với nút giao thông Gò Dưa. Trong tất cả các tuyến đường khép lại thành Vành đai 2 nêu trên, chỉ có đường Nguyễn Văn Linh được xây đúng theo lộ giới là 120m và cầu Phú Mỹ cùng đoạn đường trên cao nối từ nút giao thông khu A của đô thị mới Phú Mỹ Hưng đến cầu Phú Mỹ đảm bảo yêu cầu giao thông. Tất cả các đường còn lại, đường thì chưa đảm bảo lộ giới, đường thì quá tải. Quốc lộ 1 đoạn An Sương - An Lạc hiện nay mới rộng khoảng 30m trong khi lộ giới là 120m.
Các đoạn đường chưa được xây dựng trên Vành đai 2, trước hết là đoạn qua khu vực đường Hồ Ngọc Lãm, tiếp theo là tuyến đường mới nối từ cầu Phú Mỹ tới nút giao thông Gò Dưa trên quốc lộ 1. Hiện nay ở khu vực đường Hồ Ngọc Lãm, nhà đầu tư Petro Land đang nghiên cứu để đầu tư. Petro Land đã hoàn thành thiết kế cơ sở, đang chuẩn bị trình ngành chức năng xem xét. Theo Sở GTVT TPHCM, đoạn đường mà Petro Land đề nghị xây dài 5,3km lộ giới 60m.
Đoạn đường mới nối từ cầu Phú Mỹ tới nút giao thông Gò Dưa được chia thành hai phần để kêu gọi đầu tư. Phần thứ nhất từ cầu Phú Mỹ tới cầu Rạch Chiếc (không phải cầu Rạch Chiếc trên Xa lộ Hà Nội mà là cầu cũng tên Rạch Chiếc nhưng nằm trên đoạn đường nối từ cầu Phú Mỹ ra nút giao thông Gò Dưa) được giao cho Công ty cổ phần Phú Mỹ xây dựng. Hiện nay đơn vị này đã xây dựng được khoảng 4,5km trong tổng số 9km đường. UBND TPHCM đã giao nhiệm vụ cho Sở GTVT hỗ trợ doanh nghiệp để cuối năm 2012 toàn tuyến đường có thể hoàn thành. Đoạn từ cầu Rạch Chiếc đến nút giao thông Gò Dưa đang được Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 nghiên cứu, lập đề án đầu tư. Với ba gói nghiên cứu. Gói thứ nhất: cầu Rạch Chiếc, gói thứ 2 đoạn từ cầu Rạch Chiếc đến Xa lộ Hà Nội và gói thứ 3 từ Xa lộ Hà Nội đến nút giao thông Gò Dưa.
2015: Hoàn thiện toàn bộ Vành đai 2
Ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết, theo kế hoạch phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật GTVT TPHCM đến năm 2015, toàn tuyến Vành đai 2 phải được khép kín và hoàn thiện. Đây là một trong những mục tiêu quan trọng của ngành giao thông nói riêng và TPHCM nói chung trong việc thực hiện chương trình chống ùn tắc giao thông mà nghị quyết của Đại hội Đảng bộ TPHCM (giai đoạn 2011 - 2015) đã đề ra. Vành đai 2 hoàn thành sẽ là cơ sở quan trọng để thành phố tổ chức lại giao thông theo hướng hạn chế xe ô tô, đặc biệt là ô tô tải vào nội thành và buộc phải đi theo Vành đai 2.
Tuy nhiên, thách thức của TPHCM trước công tác này là kinh phí để thực hiện. Theo ước tính của Sở GTVT TPHCM, để hoàn thiện Vành đai 2 thành phố phải đầu tư thêm 14.000 tỷ đồng. Đây là số tiền không nhỏ trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Nhiều phương án xã hội hóa, kêu gọi đầu tư từ các thành phần kinh tế đã được TPHCM thực hiện, song vẫn chưa có nhiều nhà đầu tư mặn mà. Sở GTVT đang tính đến phương án phân kỳ đầu tư theo hướng làm từng phần. Bước đầu có thể làm hai làn xe cho hai chiều xe xuôi ngược. Khi có nhu cầu và bố trí được vốn sẽ mở rộng dần ra.
AN NHIÊN