TP Hồ Chí Minh: Báo động ô nhiễm bụi từ các công trường

Khi thành phố là “đại công trường”
TP Hồ Chí Minh: Báo động ô nhiễm bụi từ các công trường

Cùng với tốc độ đô thị hóa, các cao ốc, chung cư, tòa nhà cao tầng… mọc lên san sát, các công trường nhộn nhịp ngày đêm. Có lẽ vì vậy mà thành phố Hồ Chí Minh giờ tan tầm, dòng người ngược xuôi đông đúc ai nấy đều đeo khẩu trang nhằm chống chọi với bầu không khí ngập đầy bụi!

Khi thành phố là “đại công trường”

TP Hồ Chí Minh: Báo động ô nhiễm bụi từ các công trường ảnh 1

Bùn đất từ những công trình đang thi công tại phường 22 quận Bình Thạnh, nguồn gốc gây ô nhiễm bụi!

Trên đường Nguyễn Hữu Cảnh quận Bình Thạnh, có rất nhiều công trường quy mô lớn: dự án cầu Thủ Thiêm, công trình Saigon Pearl, dự án quy hoạch chỉnh trang tái định cư khu vực phường 22… ngày ngày thải ra môi trường một lượng bụi khổng lồ.

Các công trường ở đây lại cao hơn mặt đường, sau mỗi trận mưa lớn, bùn đất, xà bần bị cuốn trôi ra vỉa hè, tràn ra đường. Trời nắng, bùn khô lại, xe cộ chạy qua cuốn bay tứ tung… Những lúc như vậy đi qua đây, mọi người đều mắt nhắm, mắt mở!

Trên nhiều công trình cống thoát nước đang thi công tại quận 2, quận 9, xa lộ Hà Nội cũng xảy ra tình trạng tương tự: không có rào chắn, phần đường dành cho xe 2, 3 bánh bị đất cát lấn chiếm gần một nửa, gây bụi cho người đi mô tô, xe máy vào ngày nắng, trơn trượt vào ngày mưa, khổ sở trăm bề! Đường Nguyễn Thị Định (quận 2) nằm lọt thỏm giữa những núi đất, cát, đá khổng lồ của các công trình nhà cửa, cơ sở kinh doanh… đang thi công.

Mỗi trận gió hay khi các xe container chạy qua là bụi bay mù mịt, bầu không khí chuyển màu vàng, đỏ vì bụi! Con đường nối xa lộ Hà Nội với cảng Cát Lái nhầy nhụa, mỗi xe chở vật liệu xây dựng để lại một phần đất, cát khi đi qua những ổ gà rộng hàng mét, xe nảy tưng lên… Cuối đường Tôn Đức Thắng (quận 1), đường Huỳnh Tấn Phát, Lê Văn Lương, Nguyễn Văn Linh… (quận 7), nơi có rất nhiều công trình xây dựng cũng không khá hơn: Bụi bay mù mịt, người dân kêu trời (!).

Hậu quả khôn lường

Một nghiên cứu của ông Lưu Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Quy hoạch môi trường đô thị - nông thôn thuộc Bộ Xây dựng, chỉ ra: Các nút giao thông, công trường, khu công nghiệp trên cả nước đều bị ô nhiễm bụi trầm trọng! Trong khi tiêu chuẩn chất lượng không khí xung quanh theo tiêu chuẩn Việt Nam, giá trị giới hạn đối với bụi, đặc biệt là bụi lơ lửng (kích thước trên 10 micrômet) trung bình 1 giờ là 0,3mg/m³, trung bình 24 giờ là 0,2mg/m³, thì ở TPHCM, chỉ số nồng độ bụi lên tới 0,57mg/m³, chủ yếu là bụi lơ lửng (!).

Ông Nguyễn Đình Tuấn, Giám đốc Chi cục Bảo vệ Môi trường TPHCM cho biết: “Tại 6 vị trí quan trắc trên địa bàn thành phố, nồng độ bụi đo được gần đây có giảm nhưng vẫn vượt quá tiêu chuẩn cho phép từ 2 đến 2,5 lần!”. Ở TPHCM các trạm quan trắc đo nồng độ bụi chỉ được đặt ở các nút giao thông (Hàng Xanh, Phú Lâm, An Sương…), trong khi các công trường xây dựng – nguồn gốc chủ yếu của bụi lơ lửng lại không được đo đạc (?).

Theo tính toán của Viện Y tế Lao động, ô nhiễm bụi làm TPHCM tổn thất khoảng 50 triệu USD mỗi năm, để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng, gây tác hại trực tiếp và lâu dài đến môi trường sống và sức khỏe con người! Người dân thường bị các chứng bệnh: viêm giác mạc, viêm phổi… khi tiếp xúc với không khí ô nhiễm bụi.

Không chỉ là tác nhân gây bệnh tật, bụi còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự an toàn của người tham gia giao thông! Bác Nguyễn Minh Chiến, phường 22 quận Bình Thạnh phản ánh: “Bụi bặm ở đây ghê người! Trên đường Nguyễn Hữu Cảnh này, trưa và chiều bụi đầy trời, nhiều người không nhìn thấy đường, người thì cố phóng xe thật nhanh tránh bụi… nên trượt té, tông xe thường xuyên xảy ra!”.

Trước tình trạng ô nhiễm bụi từ các công trường, các cơ quan chức năng cần tiến hành đo nồng độ, phân tích các thành phần bụi tại các “điểm nóng” nêu trên. Qua đó đưa ra những quy định bắt buộc chủ đầu tư, đơn vị giám sát, thi công phải lắp đặt các rào chắn, xe chở vật liệu phải được che phủ kỹ lưỡng, trước khi ra khỏi công trường phải được rửa sạch, tránh tình trạng kéo bùn đất ra đường… Ngay từ bây giờ, sự quản lý chặt chẽ của các ngành chức năng, ý thức trách nhiệm của các chủ công trình cần được đặt lên hàng đầu, vì an toàn đối với cuộc sống của cả cộng đồng.

Mạnh KIên

Tin cùng chuyên mục