Theo quy hoạch của UBND TPHCM, hiện nay trên địa bàn thành phố các bến xe khách liên tỉnh có chức năng vận chuyển hành khách và hàng hóa vận tải là Bến xe miền Đông, Bến xe miền Tây, Bến xe Ngã tư Ga… Thế nhưng, thời gian gần đây ở khu vực trung tâm thành phố đã xuất hiện nhiều “bến cóc”, gây mất trật tự an toàn giao thông.
Biến đường thành... bến xe
Dạo quanh các tuyến đường trung tâm thành phố như: Lê Thị Hồng Gấm, Nguyễn Thái Bình, Phạm Ngũ Lão (quận 1), Lê Hồng Phong (quận 5 và 10)… nhiều “bến cóc” do các doanh nghiệp vận tải lập nên hoạt động khá tập nập, nhất là tuyến đường Lê Hồng Phong (quận 5 và 10), với sự xuất hiện của nhiều bến vận chuyển hành khách và hàng hóa của các doanh nghiệp vận tải như Thành Bưởi, Phương Trang, Hoàng Anh... Trong đó, bám trụ lâu nhất có lẽ là Công ty TNHH Thành Bưởi chạy tuyến TPHCM - Đà Lạt, với phạm vi hoạt động của bến từ ngã tư Trần Phú đến đường Hùng Vương.
Theo ghi nhận, trên đoạn đường này, mỗi ngày có tới hàng chục xe loại 45 chỗ ngồi đón, trả khách và bốc xếp hàng hóa diễn ra 24/24 giờ giống như một bến xe khách thực thụ. Việc các hãng xe tốc hành dồn về đây khiến đường Lê Hồng Phong luôn bị quá tải. Do lượng hành khách tập trung tại khu vực này để đi lại đông, trong khi cơ sở hạ tầng của doanh nghiệp hạn chế nên nhiều hành khách phóng uế, xả rác bừa bãi ra đường gây mất mỹ quan đô thị của thành phố.
Tương tự, tại tuyến đường Phạm Ngũ Lão (quận 1), từng được mệnh danh là khu phố Tây, thu hút không ít du khách nước ngoài tìm đến lưu trú mỗi khi đến TPHCM. Tận dụng lợi thế là nơi có lượng du khách qua lại đông và là điểm trung chuyển khách quốc tế đến du lịch ở TPHCM, những năm gần đây, nhiều công ty lữ hành chọn nơi đây đặt văn phòng giao dịch cũng như vận chuyển hành khách và hàng hóa nên đã vô tình biến đường này thành bến xe khách liên tỉnh. Điển hình là Công ty Phương Trang chạy các tuyến Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Đà Lạt, Mũi Né… mỗi ngày hàng chục chuyến xuất, cập bến. Thời gian hoạt động của các tuyến xe này từ 6 giờ sáng đến 24 giờ đêm. Theo ghi nhận, hàng ngày tại tuyến đường này vào buổi sáng và chiều tối, hàng chục xe ô tô loại lớn đậu thành hàng dài trên đường để đón và trả khách khiến cả đoạn đường kẹt cứng.
Cách đó không xa, đường Lê Thị Hồng Gấm, Nguyễn Thái Bình (quận 1), với sự góp mặt của các doanh nghiệp vận tải hành khách chạy tuyến TPHCM - Vũng Tàu như Hoa Mai, Minh Thắng và Thiên Phú… cũng đã biến các tuyến đường này thành những “bến cóc” vận chuyển hành khách và hàng hóa diễn ra hàng ngày.
Theo tìm hiểu, các doanh nghiệp này hoạt động từ sáng sớm cho đến tối, cứ khoảng 30 phút mỗi hãng có một xe xuất hoặc cập bến. Do các tuyến đường này rất hẹp, lại là khu vực tập trung nhiều trụ sở chính và chi nhánh của các ngân hàng, chứng khoán nên lượng người, phương tiện dồn về rất đông. Trong khi đó, lòng đường trở thành bãi đỗ xe khách và tập kết hàng hóa của hành khách làm tình hình an ninh trật tự thêm phức tạp và gây ra ùn tắc giao thông trên đường.
Sẽ chấn chỉnh hoạt động của các “bến cóc”
Trao đổi với PV Báo SGGP về tình trạng các “bến cóc” tự phát xuất hiện trên tuyến đường Lê Hồng Phong, một cán bộ UBND phường 4, quận 5 thừa nhận: Đúng là sự xuất hiện của một số bến xe vận chuyển hành khách trên tuyến đường này đã gây mất trật tự an ninh, an toàn giao thông và mỹ quan đô thị cho tuyến đường.
Trước tình trạng này, thời gian qua, phường cũng đã bố trí lực lượng thanh tra xây dựng tiến hành kiểm tra, xử lý để lập lại trật tự đô thị trên tuyến đường. Tuy nhiên, do hiện nay lực lượng thanh tra xây dựng quá mỏng nên làm không xuể. Hiện nay, Thanh tra Sở GTVT TPHCM đã có kế hoạch phối hợp với quận và phường ra quân chấn chỉnh hoạt động các bến xe tự phát để lập lại trật tự đô thị trên tuyến đường này.
Việc các “bến cóc” xuất hiện trên các tuyến đường trung tâm thành phố đã khiến cho tình hình trật tự an toàn giao thông và mỹ quan đô thị của thành phố thêm phức tạp. Do đó, để lập lại trật tự an toàn giao thông đô thị, Sở GTVT cần sớm chấn chỉnh tình trạng các “bến cóc” hoạt động bất hợp pháp này. Đồng thời, sớm có phương án sắp xếp lại các dịch vụ chuyên chở du khách của các doanh nghiệp lữ hành ở các tuyến đường trung tâm thành phố cho hợp lý hơn. Còn đối với các công ty vận tải hành khách tốc hành liên tỉnh thì dứt khoát phải tập trung về đầu mối là các bến xe để dễ quản lý, kiểm soát, điều phối và tạo sự thông thoáng cho các tuyến đường.
ĐÌNH LÝ