TP Hồ Chí Minh: Chạy nước rút cho mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường

TP Hồ Chí Minh: Chạy nước rút cho mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Năm 2015 là kỳ hạn cuối cùng để các đơn vị liên quan thực hiện hoàn thành 6 chương trình trọng điểm của TPHCM giai đoạn 2011 - 2015. Đó là các chương trình về cải cách hành chính, hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế thành phố, giảm ùn tắc giao thông, giảm ngập nước và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Trong đó, riêng chương trình giảm thiểu ô nhiễm môi trường có nguy cơ không đạt một số mục tiêu. Để hiểu rõ hơn, phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng đã trao đổi với ông Cao Tung Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường TPHCM.

* Phóng viên:
Những giải pháp nào đã được TPHCM chọn để thực hiện mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường giai đoạn 2011 - 2015, thưa ông?

* Ông CAO TUNG SƠN: Có 8 mục tiêu được đặt ra nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho thành phố. Cụ thể, có 80% - 90% cơ sở sản xuất, dịch vụ, thương mại trên địa bàn thành phố có hệ thống xử lý nước thải môi trường đạt tiêu chuẩn và quy chuẩn Việt Nam; 100% khu chế xuất - khu công nghiệp, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt yêu cầu; 90% khu đô thị mới và 50% khu đô thị hiện hữu được xử lý nước thải; đạt chỉ tiêu giảm thiểu 80% nước thải kênh rạch khu vực nội thành và 60% nước thải kênh rạch khu vực ngoại thành đang bị ô nhiễm; giảm 70% và 50% mức độ ô nhiễm không khí, tiếng ồn lần lượt cho sản xuất và giao thông. Cuối cùng là 100% người dân được tuyên truyền bảo vệ môi trường.

Vận hành hệ thống xử lý bùn thải sản xuất tại TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

* Vậy với tư cách là đơn vị triển khai thực hiện những giải pháp để đạt mục tiêu trên, ông đánh giá thế nào về hiệu quả công tác đến thời điểm hiện nay?

* Tính đến thời điểm hiện nay, chúng ta đã đạt được mục tiêu 100% khu chế xuất, khu công nghiệp đã đầu tư và vận hành hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường, 90% khu đô thị mới có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Với mục tiêu có 80% - 90% cơ sở sản xuất thương mại phải có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn cũng được thực hiện khá tốt. Trong những năm qua, ngoài việc xử phạt mạnh tay những doanh nghiệp có hành vi vi phạm môi trường, chi cục đã thực hiện khảo sát thống kê nguồn thải. Cho đến nay, có thể nói là đã thống kê và nắm chắc trong tay những doanh nghiệp có khối lượng nước thải 50m3/ngày đêm. Số còn lại dưới mức này cũng đang được gấp rút hoàn thiện.

Riêng đối với cụm công nghiệp thì do cơ chế chính sách thu hút đầu tư và quản lý cụm công nghiệp chưa thực sự rõ ràng nên cho đến nay chỉ có 8/27 cụm công nghiệp có nhà đầu tư hạ tầng. Số còn lại chưa có nhà đầu tư. Thậm chí, nhiều cụm công nghiệp do lịch sử tồn tại, thực chất là khu vực nhà máy nằm xen cài khu dân cư trước khi quy hoạch lại thành cụm công nghiệp. Những trường hợp này rất khó cải thiện được hạ tầng thu gom và xử lý nước thải tập trung theo yêu cầu mới hiện nay. Do vậy, mục tiêu này gần như không thực hiện được.

Với mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước kênh rạch nội thành và ngoại thành, đồng thời tăng khối lượng nước thải đô thị được thu gom và xử lý thì coi như là khó có thể đạt được. Thực trạng người dân xả rác xuống kênh rạch khá phổ biến, doanh nghiệp lén xả thải còn nhiều. Đặc biệt, tình trạng chảy lan nước thải ô nhiễm từ tỉnh thành lân cận về TPHCM ngày càng nghiêm trọng và chưa có hướng giải quyết hiệu quả, bất chấp thành phố đã nhiều lần yêu cầu các tỉnh thành lân cận siết chặt quản lý xả thải. Bên cạnh đó, mục tiêu 100% người dân được tuyên truyền bảo vệ môi trường rất khó đạt được do TPHCM luôn tồn tại lượng lớn dân nhập cư. Họ lại không có chỗ ở ổn định nên không thể tiếp cận.

Còn mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm không khí nói chung rất khó nói vì cho đến nay thành phố không có hệ thống quan trắc không khí tự động. Hệ thống trạm quan trắc khí thải tự động của TPHCM đã bị hư hỏng hoàn toàn từ năm 2003, đến nay vẫn chưa được đầu tư mới. Do vậy rất khó kết luận là không khí của thành phố bị ô nhiễm đến mức nào. Về mục tiêu tăng lượng rác tái chế lên 40% cũng gần như không đạt được khi nhiều nhà máy tái chế chất thải chưa ổn định công suất hoạt động.

* Có ý kiến cho rằng doanh nghiệp xử lý chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất chỉ để đối phó với cơ quan quản lý. Còn thực chất nếu họ xử lý đầy đủ thì chi phí cao hơn mức xử phạt?

* Không hẳn vậy, năm 2014, chi cục đã thực hiện kiểm tra 589 doanh nghiệp, xử phạt 379 doanh nghiệp. Tùy vào tính chất hành vi vi phạm môi trường của mỗi doanh nghiệp mà hình thức phạt tiền có thể lên đến hàng tỷ đồng/lần vi phạm. Ngoài ra, nếu doanh nghiệp nằm trong đối tượng tái vi phạm môi trường nghiêm trọng còn có nguy cơ đối mặt với hình thức phạt là buộc tạm ngưng hoạt động. Như vậy thì không thể nói doanh nghiệp sẽ có lợi hơn khi né tránh xử lý chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất vì mức phạt vi phạm môi trường thấp. Những tổn hại về thương hiệu và doanh thu của doanh nghiệp sẽ lớn hơn rất nhiều nếu bị phát hiện và xử lý vì có hành vi vi phạm môi trường.

* Với những mục tiêu còn dang dở xem ra rất khó để TPHCM đạt được yêu cầu giảm thiểu môi trường trong năm 2015?

* Ở một số giải pháp có thể là không đạt. Tuy nhiên, vẫn còn 1 năm để tăng tốc cho các mục tiêu còn dang dở nhưng với điều kiện các sở, ban ngành liên quan tập trung đẩy mạnh các dự án, đề án nhằm đạt được kết quả đề ra trong chương trình giảm ô nhiễm như Sở Giao thông Vận tải tiến hành triển khai kế hoạch thực hiện giảm ô nhiễm không khí, tiếng ồn; Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước sớm hoàn thành các dự án thu gom và xây dựng các nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung của thành phố. Thành phố cân đối ngân sách, bố trí kinh phí kịp thời để thực hiện các dự án như dự án đầu tư hệ thống quan trắc tự động chất lượng nước thải tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; đầu tư mở rộng, nâng cấp mạng lưới quan trắc chất lượng không khí, nước mặt; không cấp phép mới, gia hạn giấy phép đối với ngành nghề gây ô nhiễm bên ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Khẩn trương triển khai chương trình xử lý, di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và không phù hợp quy hoạch, trước mắt thực hiện thí điểm tại phường Đông Hưng Thuận, quận 12.

Về phía Chi cục Bảo vệ môi trường TPHCM, Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất, xử lý và áp dụng các hình thức tạm ngưng hoạt động hoặc đóng cửa đối với các doanh nghiệp gây ô nhiễm liên tục, kéo dài.

MINH XUÂN

Tin cùng chuyên mục