TP Hồ Chí Minh: Giải quyết dứt điểm nhiều vấn đề nóng về môi trường

Theo Sở Tài nguyên - Môi  trường, trong năm 2010, tình hình ô nhiễm môi trường đã được cải thiện so với cùng kỳ năm trước. 100% KCX, KCN đã đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành trạm xử lý nước thải tập trung. Không dừng lại đó, toàn bộ rác sinh hoạt khoảng 1,9 triệu tấn và gần 43.000 tấn rác xà bần đều được thu gom, vận chuyển, xử lý triệt để, hợp vệ sinh. Hiện TPHCM có 2 bãi chôn lấp hợp vệ sinh và 1 dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt đang hoạt động, đảm bảo tỷ lệ thu gom chất thải rắn đô thị, công nghiệp nguy hại, y tế đạt 100%.

Theo Sở Tài nguyên - Môi  trường, trong năm 2010, tình hình ô nhiễm môi trường đã được cải thiện so với cùng kỳ năm trước. 100% KCX, KCN đã đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành trạm xử lý nước thải tập trung. Không dừng lại đó, toàn bộ rác sinh hoạt khoảng 1,9 triệu tấn và gần 43.000 tấn rác xà bần đều được thu gom, vận chuyển, xử lý triệt để, hợp vệ sinh. Hiện TPHCM có 2 bãi chôn lấp hợp vệ sinh và 1 dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt đang hoạt động, đảm bảo tỷ lệ thu gom chất thải rắn đô thị, công nghiệp nguy hại, y tế đạt 100%.

Về việc doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm cần phải di dời, cho đến nay trong số 37 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng có 35 cơ sở đã cơ bản thực hiện xong các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để, chiếm tỷ lệ 95%. Sở và UBND các quận, huyện đã phê duyệt, xác nhận 1.652 đề án bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn thành phố; thực hiện các biện pháp kinh tế trong bảo vệ môi trường, triển khai có hiệu quả việc thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, rác thải sinh hoạt; tiếp tục nghiên cứu các chính sách cơ chế về vốn, khuyến khích về thuế, trợ giá đối với các hoạt động bảo vệ môi trường; khuyến khích áp dụng có chế chuyển nhượng, trao đổi quyền phát thải và trách nhiệm xử lý chất thải phù hợp với cơ chế thị trường.

Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường, cho biết để đạt được những kết quả này là do thành phố đã huy động được các nguồn nhân lực, các thành phần kinh tế tham gia vào công tác xử lý chất thải. Theo đó, các đơn vị tham gia đã chủ động tìm kiếm, tiếp cận và từng bước đưa công nghệ xử lý chất thải hiện đại, đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường của thành phố trong giai đoạn 2009-2020.

Ngoài ra, thành phố cũng phối hợp chặt chẽ với các địa phương lân cận (Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu) trong việc giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường liên tỉnh như cải tạo kênh Ba Bò, kiểm soát các nguồn ô nhiễm xả thải ra sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông, kênh Thầy Cai-An Hạ... Đặc biệt là phối hợp giải quyết vấn đề ô nhiễm và bồi thường thiệt hại cho nông dân khu vực sông Thị Vải; xây dựng khu xử lý chất thải rắn chung giữa TPHCM và Long An và xây dựng năng lực ứng phó sự cố tràn dầu ở vùng hạ lưu hệ thống sông Đồng Nai.

Hiện để tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời gian tới, Sở Tài nguyên - Môi trường đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án xử lý chất thải của Công ty Tâm Sinh Nghĩa, Công ty Tasco, đảm bảo các dự án này có thể tiếp nhận rác trong năm 2011; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về môi trường; thực hiện có hiệu quả các dự án quốc tế về môi trường; tham gia nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm tại các diễn đàn, hội nghị, chương trình hợp tác quốc tế về môi trường trong khu vực; phối hợp kiểm tra liên ngành về môi trường đối với các dự án đầu tư, đơn vị sản xuất kinh doanh bị khiếu nại về ô nhiễm môi trường; tiếp tục tổ chức giải thưởng doanh nghiệp xanh… triển khai chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn để chất lượng môi trường trên địa bàn thành phố ngày càng được cải thiện hơn.

MINH HẢI

Tin cùng chuyên mục