Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM vừa có tờ trình gửi UBND TPHCM, báo cáo kết quả thẩm định và đề xuất UBND TPHCM xem xét phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng thành phố đến năm 2025. Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc, quy hoạch này đạt yêu cầu, đủ điều kiện phê duyệt.
Mạng lưới phù hợp với cấu trúc đô thị
Mạng lưới tuyến vận tải hành khách công cộng TPHCM đến năm 2025 sẽ có khoảng 10 tuyến đường sắt đô thị, 210 tuyến xe buýt với khoảng 8.000 xe và 6 tuyến xe buýt nhanh (BRT). Trong đó, mạng lưới xe buýt sẽ được hình thành từ 3 loại tuyến: tuyến trục chính, tuyến nhánh và tuyến thu gom.
Theo ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM - đơn vị trực tiếp lập quy hoạch phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng thành phố đến năm 2025, TPHCM có rất nhiều hẻm, nhiều khu dân cư có quy mô khác nhau nên việc phân loại như vậy là điều kiện cần thiết để xe buýt có thể tiếp cận đến tất cả các khu vực. Các tuyến trục chính sẽ là các tuyến nằm trên các hành lang vận tải chính yếu của thành phố, giúp kết nối các bến trung chuyển chính, các khu vực và các điểm tiếp chuyển.
Hoạt động ở các tuyến này sẽ là những xe buýt lớn, tương thích với khổ đường lớn của đa số đường ở các tuyến trục. Tuyến nhánh là những tuyến có chức năng kết nối các trung tâm của các khu vực với tuyến chính. Tuyến thu gom đúng như tên gọi của nó, sẽ có chức năng đi sâu vào các tuyến đường hẹp, các hẻm sâu của thành phố để thu gom hành khách. Sự xuất hiện của các tuyến này thể hiện rõ nhất sự phù hợp của mạng lưới vận tải hành khách công cộng với đặc trưng đô thị của thành phố. Tất nhiên, hoạt động trên các tuyến thu gom sẽ chủ yếu là các xe buýt nhỏ, có thể đi lại linh hoạt các tuyến đường nhỏ và hẻm sâu.
Mặc dù nằm trong “tương lai xa” song sự hình thành của 10 tuyến đường sắt đô thị cũng gắn kết rất chặt chẽ với sự phát triển của đô thị. Trong 10 tuyến nêu trên sẽ có 5 tuyến đi xuyên tâm, nghĩa là sẽ xuất phát từ trung tâm thành phố đi đến tất cả các cửa ngõ quan trọng của TPHCM. Tuyến số 1 sẽ tới quận 9, cửa ngõ phía Đông Bắc; tuyến số 2 tới Củ Chi, cửa ngõ phía Tây Bắc; tuyến số 3a đi về phía Tây Nam tới huyện Bình Chánh; tuyến 3b khá đặc biệt, đi xuyên tâm từ phía Đông Bắc tới phía Tây Nam của thành phố và tuyến cuối cùng: tuyến số 4 đi xuyên từ cửa ngõ phía Bắc tới cửa ngõ phía Nam.
Ba tuyến xe điện mặt đất, chủ yếu kết nối các khu vực trong nội thành của thành phố. Đặc biệt, sự phát triển của các tuyến này sẽ được cân nhắc cho phù hợp với thiết kế đô thị của các tuyến đường mà nó đi qua.
Hỗ trợ vận tải hành khách công cộng
Bên cạnh việc tổ chức lại mạng lưới vận tải hành khách công cộng phù hợp hơn với cấu trúc đô thị của thành phố, quy hoạch phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng TPHCM đến 2025 cũng đề xuất một số chính sách hỗ trợ cho xe công cộng phát triển. Nếu việc tổ chức mạng lưới xe công cộng một cách hợp lý là điều kiện cần thì những chính sách này là điều kiện đủ để xe công cộng phát triển và TPHCM có cơ hội hướng tới một nền giao thông xanh: tiết kiệm năng lượng, hạn chế tai nạn giao thông và chống ô nhiễm môi trường.
Theo ông Dương Hồng Thanh, một trong những ưu tiên hàng đầu mà TPHCM nên dành cho xe công cộng là quản lý chặt chẽ quỹ đất dành cho giao thông. Quỹ đất này ước vào khoảng 1.873.000m². Chúng sẽ được dùng xây dựng các bến bãi kỹ thuật chuyên dụng, các đầu mối trung chuyển hành khách, bến xe liên tỉnh, xe buýt, xe taxi…
Ông Nguyễn Hoài Nam cũng đề xuất thêm, đối với những quỹ đất có ý nghĩa quyết định cho phát triển vận tải hành khách công cộng nhưng thành phố chưa có đủ điều kiện tài chính để đầu tư ngay thì cho phép Sở Giao thông Vận tải phối hợp với các sở ngành chức năng cùng các địa phương thực hiện trước việc giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, giao cho các quận, huyện quản lý nhằm giữ đất cho việc thực hiện quy hoạch.
Tiếp tục trợ giá và ban hành nhiều chế độ ưu đãi cho vận tải hành khách công cộng là một đề xuất nữa của những người làm quy hoạch. Sở Giao thông Vận tải TPHCM đang kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải ban hành tiêu chuẩn thiết kế làn đường dành riêng cho xe buýt (đặt ở bên trái, bên phải hay giữa lòng đường) để thành phố có căn cứ nghiên cứu tổ chức các làn đường dành riêng cho xe buýt nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ hành khách của phương tiện này. Bắt đầu nghiên cứu, xây dựng kế hoạch hạn chế sử dụng xe cá nhân dọc theo các tuyến vận tải hành khách công cộng trong tương lai khi kế hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng đã rõ ràng.
Phát triển giao thông thủy nhằm khai thác lợi thế là một đô thị sông nước như TPHCM cũng được đặt ra. Trong tương lai, TPHCM nên có chính sách khai thác hiệu quả loại hình vận tải này nhằm hình thành một hệ thống vận tải hành khách công cộng liên hoàn từ đường bộ đến đường thủy, phục vụ cho việc phát triển nhiều mặt của thành phố.
NGUYỄN KHOA