Tuần qua, hưởng ứng Ngày nước thế giới 22-3, Sở TN-MT TPHCM đã tổ chức Hội thảo “Nước phát triển cho đô thị”. Những thông tin của các nhà khoa học về nguồn nước của TPHCM đã khiến không ít người dù biết rồi nhưng vẫn… giật mình.
Mặn và ô nhiễm: có ở nước ngầm và nước mặt
Nhiều số liệu báo động về chất lượng nguồn nước ở TPHCM không mới nhưng khi chúng được tập hợp và ghép lại thành một bức tranh tổng thể khá ảm đạm về… nước của TP trong buổi hội thảo có sự tham gia của nhiều nhà khoa học, đã làm cho không ít đại biểu lo lắng.
Theo PGS-TS Lê Văn Trung, Trung tâm Địa tin học Đại học Quốc gia TPHCM, các tầng chứa nước ngầm đang ngày một hạ thấp xuống, có nơi đã sụt với tốc độ 2-3m/năm. Sự sụt giảm này đã tạo điều kiện cho ô nhiễm và xâm nhập mặn diễn ra ở nhiều nơi. Hiện nay, hoạt động khai thác nước ngầm ở TPHCM đã vượt mức 600.000m³/ngày, khi trong 10 năm trở lại đây số lượng giếng khoan đã tăng gấp 6,5 lần. TS Nguyễn Văn Ngà, Sở TN-MT TPHCM, cho biết, ở một số khu vực, chất NO3 (gốc axit mạnh) đã cao gấp 4 lần so với quy định. Ở nhiều tầng chứa nước nông trong các khu vực có địa hình cao trên 5 m, hàm lượng sắt (Fe) đã cao gấp 100 lần so với quy chuẩn. Nguy hiểm hơn cả là việc khai thác nước ngầm đang có xu hướng “sâu” hơn, gây nguy cơ biến dạng mặt đất (lún sụt).
Trong khi đó, việc bổ sung nước trở lại cho nguồn nước ngầm không hề đơn giản bởi tình trạng bê tông hóa đã làm giảm đáng kể diện tích đất có thể thấm nước tự nhiên. Theo PGS-TS Nguyễn Văn Kỳ, Đại học Quốc gia TPHCM, chỉ tính riêng việc bù nước cho tầng Policen trên - tầng nước được khai thác nhiều nhất, TP cần tới khoảng 600.000m³/ngày đêm.
Đối với nước mặt, PGS-TS Nguyễn Kỳ Phùng cho biết, chỉ tính riêng khu vực hạ lưu sông Đồng Nai, trung bình mỗi ngày, đêm đã tiếp nhận 38,4 tấn COD, 8,8 tấn BODs, 299kg P tổng, chiếm khoảng 60% tổng lượng COD, 41% lượng BOD, 40% lượng P tổng trong nước thải công nghiệp toàn vùng TPHCM. Hiện nay, sông Đồng Nai lại là nơi lấy nước của 3 nhà máy nước lớn của TPHCM là Nhà máy nước Thủ Đức, Nhà máy nước BOO Thủ Đức và Nhà máy nước BOT Bình An. Hạ lưu sông Sài Gòn là nơi tiếp nhận lượng nước thải sinh hoạt cao nhất khu vực với khoảng 779.910m³/ngày đêm. Sông Sài Gòn là nơi lấy nước của Nhà máy nước Tân Hiệp, nơi cung cấp tới khoảng 300.000m³ nước/ngày đêm cho TPHCM.
Hành động ngay
Đó là lời kêu gọi được các nhà khoa học đưa ra mạnh mẽ trong hội thảo. TS Chế Đình Lý, Phó Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên Đại học Quốc gia TPHCM, đề nghị TPHCM nghiên cứu và đề xuất Chính phủ có kế hoạch bảo vệ nghiêm hệ thống rừng đầu nguồn đồng thời với việc kiểm soát phát triển diện tích trồng cà phê, hồ tiêu, cao su… ở vùng cao nguyên. Sự phát triển quá mức của các loại cây trồng này không những lấn vào diện tích rừng mà còn làm gia tăng nhu cầu khai thác nước tưới tiêu và làm sụt giảm nguồn nước chung cho cả khu vực. Phát triển quá sức chịu đựng của tự nhiên là không nên.
Đặc biệt, đối với lưu vực sông Đồng Nai, cùng với nhiều nhà khoa học tham dự hội thảo, một số nhà khoa học vì bận công tác không đến được cũng gửi thông điệp: triển khai ngay các giải pháp bảo vệ. Mô hình quản lý của Ủy ban Bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai với hình thức chủ tịch UBND mỗi địa phương trong lưu vực thay phiên nhau làm chủ tịch ủy ban là không hiệu quả.
GS-TSKH Lê Huy Bá, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường Đại học Công nghiệp TPHCM, khẳng định: Thực tế đã chứng minh điều ấy. Ủy ban Bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai ra đời khoảng 2 năm qua nhưng tình trạng ô nhiễm của cả lưu vực không hề được cải thiện, thậm chí còn trầm trọng hơn. Nên có một đội ngũ các nhà khoa học và quản lý chuyên trách cho công tác này. Trên địa bàn TPHCM, TS Chế Đình Lý cho rằng nên xây dựng ngay các hồ điều tiết nước để vừa trữ nước cho mùa nắng, vừa điều tiết nước cho mùa mưa; cần có một kế hoạch khai thác nguồn nước ngầm một cách hiệu quả.
Ở góc độ đại diện cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, cho biết, sở sẽ nghiên cứu và đề xuất đưa việc quản lý khai thác sử dụng, bảo vệ nguồn nước tích hợp vào quy hoạch chung phát triển kinh tế - xã hội của TP. Một sự thống nhất như vậy sẽ giúp sở có cái nhìn tổng quan hơn về khả năng cung ứng của nguồn nước và nhu cầu thực sự của người dân để từ đó xây dựng kế hoạch khai thác cũng như bảo tồn và bảo vệ nguồn nước TP một cách hiệu quả.
THU TUYẾT