TP Hồ Chí Minh: Nhiều giải pháp cải thiện môi trường

Để cải thiện chất lượng môi trường, việc đầu tiên cần làm là xác định nguồn thải ô nhiễm và phải cắt đứt nguồn thải này. Theo đó, ngay từ năm 2003, TPHCM đã dồn sức cho việc thống kê, di dời hơn 1.600 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nghiêm trọng. Kế đến đầu tư hạ tầng để cải tạo chất lượng môi trường. Giải pháp cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng chính là vận động cộng đồng góp sức gìn giữ những công trình hạ tầng cải tạo môi trường mà thành phố đã đầu tư.
TP Hồ Chí Minh: Nhiều giải pháp cải thiện môi trường

Để cải thiện chất lượng môi trường, việc đầu tiên cần làm là xác định nguồn thải ô nhiễm và phải cắt đứt nguồn thải này. Theo đó, ngay từ năm 2003, TPHCM đã dồn sức cho việc thống kê, di dời hơn 1.600 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nghiêm trọng. Kế đến đầu tư hạ tầng để cải tạo chất lượng môi trường. Giải pháp cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng chính là vận động cộng đồng góp sức gìn giữ những công trình hạ tầng cải tạo môi trường mà thành phố đã đầu tư.

Cắt nguồn thải ô nhiễm

Theo bà Quách Tố Dung, Phó Giám đốc Thường trực Sở Công thương TPHCM, từ năm 2003 đến hết năm 2006, Ban chỉ đạo di dời các cơ sở ô nhiễm TPHCM được thành lập với nhiệm vụ phải lên danh sách và đưa ra giải pháp hỗ trợ cơ sở sản xuất ô nhiễm di dời vào khu sản xuất tập trung. Hơn 1.600 doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất đã được liệt kê và di dời. Rất nhiều cơ sở đã được đưa vào các khu công nghiệp tập trung như Lê Minh Xuân, Tân Tạo và Hiệp Phước. Số ít không vào khu tập trung cũng đã chuyển đổi sang hoạt động ngành nghề không phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường. Ngoại trừ còn một số DN lớn trực thuộc thành phố và trung ương quản lý vẫn chưa thể di dời được vì nhiều lý do chủ quan và khách quan khác nhau.

Kế tục nhiệm vụ còn để lại của ban chỉ đạo di dời cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng, từ năm 2011, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đã đề xuất đưa chương trình giảm thiểu ô nhiễm môi trường trở thành một trong những chương trình trọng điểm của thành phố. Trong đó, phải quyết liệt di dời những DN gây ô nhiễm nghiêm trọng còn lại trong danh sách DN phải di dời được thống kê trước đây. Cho đến nay, nhiệm vụ trên đã được hoàn thành khi 14 cơ sở còn lại được rút tên vì đã khắc phục và xử lý xong ô nhiễm môi trường theo quy định. 10 cơ sở đã di dời, ngưng hoạt động. 11 cơ sở đã hoàn tất việc xử lý ô nhiễm triệt để.

Ông Trần Nguyên Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường TPHCM, cho biết, những DN cũ đã hoàn thành nhưng phải thừa nhận hiện còn tồn tại nhiều khu dân cư ô nhiễm hoặc cơ sở ô nhiễm mới phát sinh. Tiêu biểu như phường Đông Hưng Thuận, phường Hiệp Thành quận 12 và một số phường khác ở quận Bình Tân, Bình Hưng… Do vậy, trong thời gian tới sở sẽ phối hợp với quận Bình Tân kiểm tra và tìm biện pháp xử lý. Những DN, cơ sở sản xuất kinh doanh ngành nghề nào nằm trong trong 17 ngành nghề có nguy cơ phát sinh ô nhiễm cao sẽ bị tước giấy phép và cấm kinh doanh. Vừa qua sở đã thống kê 450 DN có lưu lượng nước thải lớn từ 50m³/ngày đêm nằm dọc hệ thống kênh rạch thải nước ra sông Sài Gòn. Có đến 60% trong số này có chất lượng nước thải chưa đạt yêu cầu.

Hiện sở đã có kế hoạch tăng cường kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm. Với những đơn vị nào tái vi phạm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thì sẽ kiên quyết xử lý bằng cách buộc tạm ngưng hoạt động.

TP Hồ Chí Minh: Nhiều giải pháp cải thiện môi trường ảnh 1

Kênh Bến Nghé đang được nạo vét bùn. Ảnh: KIM NGÂN

Đa dạng hóa giải pháp

Sau khi thực hiện kiểm soát, tiến tới cắt đứt nguồn thải ô nhiễm sẽ góp phần ngăn chặn nguy cơ tái ô nhiễm chất lượng nước kênh, TP đã tập trung đầu tư hạ tầng để cải thiện chất lượng nước kênh rạch. Hiện trên địa bàn TP có khoảng 3.000km sông, kênh rạch. Việc quản lý các sông, kênh rạch đã được phân cấp rõ cho nhiều cơ quan chức năng trực thuộc Trung ương và TP thực hiện (Bộ Giao thông Vận tải, Sở Giao thông Vận tải, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước, Sở NN-PTNT). Riêng về phía TP đã hoàn thành phần cơ sở hạ tầng ven kênh Tàu Hủ - Bến Nghé và đang tiếp tục triển khai dự án cải thiện môi trường nước tại các lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm, Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ. Khi các dự án này hoàn thành sẽ góp phần rất lớn vào việc cải thiện tình hình ô nhiễm môi trường nước trên địa bàn thành phố, phục hồi cảnh quan ven bờ, đặc biệt là tại các quận nội thành.

Bên cạnh đó, TP đang triển khai thi công dự án tiêu thoát nước và cải thiện ô nhiễm kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên. Việc đưa vào vận hành dự án này sẽ chống ngập úng cho khu vực rộng 14.900ha đất nông nghiệp và khu dân cư, góp phần cải thiện tình hình ô nhiễm, kết hợp giao thông thủy trên các tuyến kênh hiện có. Công tác triển khai nhiều đợt nạo vét, vớt rác bồi lấp gây ô nhiễm môi trường kênh rạch tại một số khu vực được TP thực hiện thường xuyên.

TP còn hợp tác chặt chẽ với các địa phương lân cận Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu trong việc giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường liên tỉnh. Điển hình như cải tạo kênh Ba Bò, kiểm soát các nguồn ô nhiễm xả thải ra sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông, kênh Thầy Cai - An Hạ; giải quyết vấn đề ô nhiễm và bồi thường thiệt hại ở sông Thị Vải, xây dựng khu xử lý chất thải rắn chung giữa TPHCM và Long An, xây dựng năng lực ứng phó sự cố tràn dầu ở vùng hạ lưu hệ thống sông Đồng Nai…

Những nỗ lực cải thiện chất lượng môi trường trong những năm gần đây đã giúp thay đổi đáng kể bộ mặt TP. Việc xử lý dứt điểm nguồn thải ô nhiễm từ hoạt động kinh doanh sản xuất không khó do đã có luật đủ mạnh để xử lý. Cái khó chính là ý thức của một bộ phận người dân. Trong đó, đáng kể nhất là tình trạng xả rác bừa bãi vẫn còn diễn ra tại khắp các khu dân cư. Hầu hết các quận huyện vẫn còn rất nhiều người dân tiện tay vứt rác bừa bãi. Đã đến lúc cộng đồng cần đóng góp sức mình cùng các cơ quan chức năng gìn giữ hiệu quả hạ tầng cải thiện môi trường mà thành phố đã đầu tư. Có như vậy, thế hệ hiện tại cũng như tương lai mới dần tạo nên môi trường sống xanh, sạch, đẹp.

Ái Vân

Tin cùng chuyên mục