TP Hồ Chí Minh phát triển vận tải hành khách công cộng xanh

Tuần qua, tại TPHCM có hai sự kiện quan trọng trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng, phản ánh một sự đổi mới cơ bản trong hoạt động này của TP: hướng tới vận tải công cộng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đó là Sở GTVT TPHCM trình UBND TPHCM đề án “Thí điểm sử dụng xe điện vận tải hành khách trong khu vực trung tâm thành phố” và Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco) - doanh nghiệp nhà nước được giao trọng trách sản xuất xe buýt sử dụng khí CNG cho TP - lần đầu tiên ra mắt mẫu xe này…
TP Hồ Chí Minh phát triển vận tải hành khách công cộng xanh

Tuần qua, tại TPHCM có hai sự kiện quan trọng trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng, phản ánh một sự đổi mới cơ bản trong hoạt động này của TP: hướng tới vận tải công cộng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đó là Sở GTVT TPHCM trình UBND TPHCM đề án “Thí điểm sử dụng xe điện vận tải hành khách trong khu vực trung tâm thành phố” và Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco) - doanh nghiệp nhà nước được giao trọng trách sản xuất xe buýt sử dụng khí CNG cho TP - lần đầu tiên ra mắt mẫu xe này…

  • Bắt đầu từ xe buýt sử dụng khí CNG

Thực ra, TPHCM đã bắt đầu hướng mạnh mẽ tới vận tải xanh từ khi quyết định kiến nghị Chính phủ cho miễn, giảm thuế nhập khẩu đối với hơn 20 chiếc xe buýt sử dụng khí CNG để hoạt động của Công ty Xe khách Sài Gòn, cách nay hơn một năm. Kiến nghị của TPHCM đã nhận được sự đồng tình và ủng hộ của Chính phủ. Kết quả là hơn 20 chiếc xe buýt đã được nhập về TPHCM và đang hoạt động rất thành công tại các tuyến xe buýt đi từ trung tâm tới các khu vực nằm ở hướng Tây TP. Sau hơn 20 chiếc xe buýt này, TPHCM cũng đã tạo điều kiện cho Liên hiệp HTX xe buýt TPHCM nhập về gần 10 chiếc xe buýt sử dụng khí CNG để hoạt động. Những chiếc xe buýt sử dụng khí CNG của Liên hiệp HTX xe buýt cũng hoạt động rất thành công tại các tuyến đưa và đón hành khách từ trung tâm tới các khu vực ở cửa ngõ phía Đông Bắc TP.

Hành khách sử dụng xe buýt CNG tuyến Bến xe An Sương - Đại học Nông Lâm. Ảnh: PHẠM KIM NGÂN

Hành khách sử dụng xe buýt CNG tuyến Bến xe An Sương - Đại học Nông Lâm. Ảnh: PHẠM KIM NGÂN

Không dừng lại ở đó, sau động thái ủng hộ các đơn vị vận tải nhập khẩu xe buýt sử dụng khí CNG, TPHCM đã giao nhiệm vụ cho Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco) sản xuất 300 xe buýt loại này và giao cho Sở GTVT TPHCM làm việc với Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam để cùng tiến hành xây dựng nhiều trạm cung cấp khí CNG cho xe buýt… Tuần qua, Samco đã trình diện chiếc xe buýt đầu tiên sử dụng khí CNG và một cam kết sẽ hoàn thành sản xuất 300 chiếc xe buýt được giao vào tháng 4-2014. Theo Sở GTVT TPHCM, xe buýt sử dụng khí CNG làm nhiên liệu sẽ giúp người sử dụng xe tiết kiệm được khoảng 20%-25% chi phí nhiên liệu so với xe cùng loại sử dụng xăng, dầu. Đặc biệt, khí thải của loại xe này sẽ không có các chất độc hại cho môi trường, xe hoạt động gần như không có tiếng ồn...

Đồng hành cùng xe buýt sử dụng khí CNG, TPHCM đang nỗ lực đầu tư đổi mới xe buýt cũ kỹ, hoạt động không đạt các tiêu chuẩn về khí thải, sang loại xe buýt mới với khí thải đạt tiêu chuẩn Euro 3. Hiện nay các tuyến xe buýt vòng quanh trung tâm quận 1 và một số tuyến xe buýt đi từ trung tâm TP lên huyện Củ Chi, quận Thủ Đức… đã có nhiều xe buýt mới hoạt động. Samco cũng đã được giao nhiệm vụ sản xuất xe buýt mới với tiêu chuẩn khí thải đạt chuẩn Euro 3 để phục vụ cho việc đối mới xe buýt của TP. Tuần qua, Samco cũng đã trình diện mấy mẫu xe mới, đáp ứng được yêu cầu của UBND TPHCM. Sở GTVT TPHCM đã trình UBND TPHCM đề án đổi mới 1.678 xe buýt cho TP. Một khi đề án này được triển khai, toàn bộ xe buýt cũ kỹ, không có tiêu chuẩn về khí thải sẽ được thay bằng xe buýt mới đáp ứng được các tiêu chí về bảo vệ môi trường.

  • ... Đến xe điện

Đề án “Thí điểm sử dụng xe điện vận tải hành khách công cộng trong khu vực trung tâm thành phố” đã được Sở GTVT chuẩn bị từ nhiều tháng trước và mới chính thức thống nhất trình UBND TPHCM trong tuần qua. Theo đề án này, Sở GTVT dự kiến đầu tư 50 xe buýt điện loại 4 chỗ đến 8 chỗ ngồi từ nguồn xã hội hóa để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong khu vực trung tâm TP, đặc biệt hướng tới du khách trong và ngoài nước. Các xe này sẽ dừng, đậu ở các điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn để đón khách 24/24 giờ mỗi ngày. Tất nhiên, khi người dân TP có nhu cầu, có thể gọi điện thoại đến tổng đài để yêu cầu xe đến phục vụ. Dự kiến giá vé sẽ khoảng 40.000 đồng/chuyến cho một xe 4 chỗ ngồi đi trong cự ly trung bình 5km và 50.000 đồng/chuyến/xe 8 chỗ ngồi đi trong cự ly trung bình 5km.

Sở GTVT còn tính đến môt phương án khác cho những chiếc xe buýt điện này. Đó là chúng sẽ hoạt động theo tuyến như những loại xe buýt khác. Thế nhưng, phương án ấy đang được cân nhắc vì hiện nay tại khu vực trung tâm TP đã có tuyến vòng trung tâm quận 1 phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Hoạt động trên tuyến này đều là những xe buýt mới với khí thải đạt tiêu chuẩn Euro 3. Số lượng hành khách trung bình đi trên tuyến vòng trung tâm quận 1 đã đạt khoảng 20 người/xe/chuyến (xe buýt trên tuyến này có 40 ghế). Ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết, cho đến thời điểm này, phương án đầu vẫn là phương án được sở chọn và đề xuất UBND TPHCM thông qua.

Trước khi nghiên cứu đề án “Thí điểm sử dụng xe điện vận tải hành khách công cộng trong khu vực trung tâm TP”, UBND TPHCM đã yêu cầu Sở GTVT nghiên cứu xây dựng một tuyến xe điện dọc đường Võ Văn Kiệt nối trung tâm TPHCM với khu vực Chợ Lớn và Bến xe miền Tây. Dự án này cũng đang được triển khai nghiên cứu…Và đây cũng một trong những minh chứng cho việc TPHCM đang tập trung mạnh phát triển vận tải xanh.

AN NHIÊN

TPHCM hiện có 2.869 xe buýt với mức tiêu thụ bình quân 30 triệu lít xăng dầu/năm. Đây là mức tiêu thụ khổng lồ trong bối cảnh các nguồn năng lượng từ hóa thạch đang cạn kiệt dần. Do vậy, chuyển sang sử dụng xe buýt chạy bằng điện trong thời điểm này là một trong những giải pháp khả thi trong việc tiết kiệm năng lượng từ hóa thạch.

Theo TS Nguyễn Trung Việt, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Thích ứng với biến đổi khí hậu TPHCM, hiện tượng đảo nhiệt trong các TP lớn như TPHCM có thể tạo ra nhiều mối nguy cho môi trường sống và sự an toàn của người dân. Hiện tượng đảo nhiệt được hình thành chủ yếu từ hoạt động của các phương tiện giao thông. Khí thải không được kiểm soát của các phương tiện giao thông làm cho bầu không khí TP nóng lên và khí nóng sẽ bốc lên cao. Khí lạnh từ các nơi khác sẽ tràn về gây mưa to cùng gió lớn. Không phải ngẫu nhiên mà thời gian qua tại TPHCM ngày càng có nhiều những cơn mưa lớn với gió to, gây ngập úng trên diện rộng… Cũng theo TS Nguyễn Trung Việt, nếu như càng tiết giảm được lượng khí thải độc hại từ các phương tiện giao thông thì TPHCM càng có thêm cơ hội bảo vệ môi trường sống trong lành cho người dân và hạn chế được hiện tượng đảo nhiệt. Hiện tượng đảo nhiệt cùng với sự nóng lên của trái đất đang làm cho các thành phố ven biển như TPHCM gặp mưa, bão và thiên tai nhiều hơn.

NGUYỄN HOÀNG

Tin cùng chuyên mục