Nước là nguồn tài nguyên quý, tuy nhiên trong những năm qua phần lớn người dân TPHCM và các đơn vị, tổ chức trên địa bàn vẫn chưa nhận thức được trách nhiệm bảo vệ và sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên này. Nhiều doanh nghiệp và cơ sở sản xuất vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải hoàn chỉnh, vẫn vô tư xả ra nguồn nước chất thải chưa được xử lý. Mặt khác, công tác quản lý tài nguyên nước hiện nay vẫn còn nhiều thiếu sót, hạn chế.
Vi phạm nhiều, xử phạt ít
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Ngà, Trưởng phòng Tài nguyên nước thuộc Sở TN-MT TPHCM, nhìn chung công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước tuy đã có những mặt tích cực, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hiệu quả chưa cao, vi phạm pháp luật về tài nguyên nước còn nhiều. Mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước theo quy định tại Nghị định số 34/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Đồng thời, công cụ pháp lý để quản lý và căn cứ xử phạt vi phạm là hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực tài nguyên nước còn thiếu và chưa theo kịp thực tế. Thủ tục hồ sơ cấp phép trong lĩnh vực tài nguyên nước vẫn còn phức tạp, tốn kém.
Bên cạnh đó, công tác quản lý, xử lý nước thải sinh hoạt tại các khu đô thị vẫn chưa được đầu tư đúng mức, dẫn đến việc nước thải sinh hoạt gây ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước tiếp nhận. Hiện toàn thành phố chỉ có 1 nhà máy xử lý nước thải tập trung xử lý nước thải sinh hoạt cho một số ít quận nội thành.
Cần tăng cường công tác quản lý
Có thể thấy, với thực trạng khai thác và sử dụng tài nguyên nước như hiện nay ở Việt Nam nói chung và trên địa bàn TPHCM nói riêng, công tác quản lý tài nguyên nước cần phải được tăng cường cũng như có nhiều giải pháp hợp lý.
Theo Sở TN-MT, hiện nay công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn TPHCM chủ yếu tập trung vào các mảng: thanh tra, kiểm tra và cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, cấp giấy phép xả thải cho các đơn vị, cơ sở sản xuất có nguồn thải; điều tra, nghiên cứu và đánh giá thực trạng tài nguyên nước, lưu lượng sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn thành phố; hỗ trợ UBND TPHCM xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ cho công tác quản lý.
Trong báo cáo về Tình hình quản lý tài nguyên nước trên địa bàn TPHCM năm 2011, Sở TN-MT cũng cho biết, sở đã soạn thảo và trình UBND TPHCM dự thảo Chỉ thị tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn TP.
Về công tác quản lý và hướng dẫn cấp giấy phép khai thác và sử dụng tài nguyên nước, UBND TPHCM đã ban hành quy định quản lý tài nguyên nước trên địa bàn TPHCM, nhằm cụ thể hóa các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương trong công tác quản lý tài nguyên nước và hướng dẫn các đơn vị, tổ chức lập thủ tục, hồ sơ đề nghị cấp phép, đăng ký thực hiện và các nghĩa vụ sau khi được cấp phép thực hiện.
Công tác quản lý khai thác và sử dụng nguồn nước ngầm cũng là một mảng quan trọng trong công tác quản lý tài nguyên nước hiện nay, khi nguồn tài nguyên này đang có dấu hiệu bị ô nhiễm và suy kiệt dần.
Về công tác này, Sở TN-MT cho biết, sở đã thực hiện đề tài “Đánh giá hiệu quả của Quy hoạch nguồn nước ngầm TPHCM năm 2001, đề xuất các biện pháp bổ sung” dựa trên cơ sở quy hoạch sử dụng nguồn nước ngầm TPHCM năm 2001, từ đó xây dựng quy định hạn chế và cấm khai thác nước dưới đất trên địa bàn TPHCM, được UBND TPHCM ban hành theo Quyết định số 69/2007/QĐ-UBND ngày 03/05/2007. Hiện đã xác định có 30 phường thuộc 12 quận (1, 3, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, Phú Nhuận, Tân Bình, Bình Thạnh) nằm trong vùng hạn chế khai thác nước trên địa bàn thành phố.
Để phục vụ tốt cho công tác đánh giá thực trạng nguồn tài nguyên nước, Sở TN-MT cũng đã ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học về tài nguyên nước hiện đang lưu trữ tại Sở KH-CN và một số viện nghiên cứu, chủ động triển khai hoặc đặt hàng nhiều đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, Sở TN-MT cũng đẩy mạnh công tác hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên nước, xây dựng, đồng thời kiện toàn bộ máy quản lý tài nguyên, nâng cao năng lực quản lý của cán bộ trong ngành.
Công tác quản lý nhà nước tài nguyên nước của TPHCM liên quan trực tiếp đến việc bảo vệ, khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên nước trên địa bàn. Do vậy, nếu muốn thực hiện tốt công tác quản lý tài nguyên nước, rất cần phải có sự quy hoạch đồng bộ giữa các bộ phận, ban ngành có liên quan, từ quy hoạch sử dụng nước đến quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Hàng năm, Sở TN-MT đều phối hợp với các sở ngành, phòng TN-MT các quận - huyện, các đơn vị liên quan kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất tình hình khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước của các đơn vị trên địa bàn thành phố. Trong 3 năm qua, số đơn vị bị xử lý là 231 trường hợp, với số tiền phạt gần 1,6 tỷ đồng.
HIẾU THƯỢNG