TP Hồ Chí Minh: Tháo gỡ đầu tư xử lý bùn thải

Quá nhiều nguồn phát sinh bùn thải
TP Hồ Chí Minh: Tháo gỡ đầu tư xử lý bùn thải

Để đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, sản xuất sản phẩm đáp ứng nhu cầu cuộc sống người dân, mỗi ngày các doanh nghiệp tại TPHCM đang thải vào môi trường hàng chục ngàn tấn chất thải các loại. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến chất lượng môi trường sống đang giảm sút và sự phát triển thiếu bền vững.

Xử lý và chế biến bùn hầm cầu thành phân hữu cơ tại Nhà máy Hòa Bình, Khu liên hợp Đa Phước (Bình Chánh, TPHCM).

Xử lý và chế biến bùn hầm cầu thành phân hữu cơ tại Nhà máy Hòa Bình, Khu liên hợp Đa Phước (Bình Chánh, TPHCM).

Quá nhiều nguồn phát sinh bùn thải

Ông Nguyễn Trung Việt, Trưởng Văn phòng biến đổi khí hậu TPHCM cho biết, nhận thức thực trạng trên, từ năm 2003, TPHCM đã tập trung vào việc đầu tư và kêu gọi đầu tư hạ tầng xử lý chất thải. Cho đến nay, chất thải rắn đô thị cơ bản tạm ổn khi có 5 nhà đầu tư đang cùng thu gom và xử lý. Về chất thải nguy hại, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM vừa đưa vào vận hành lò đốt với công suất 21 tấn/ngày. Duy chỉ có bùn thải hiện vẫn chưa có bất kỳ nhà đầu tư nào tham gia. Trong khi đó, các loại bùn thải lại là loại chất thải được đánh giá có khả năng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hơn do thành phần phức tạp và nguồn gốc phát sinh đa dạng hơn.

Cụ thể, chỉ tính riêng lượng bùn thải phát sinh từ hoạt động nạo vét của 9.800km kênh rạch với 65.000 hố ga các loại đã là khoảng 1.200 - 1.500m3/ngày. Còn lượng bùn thải sinh từ hoạt động sản xuất của hơn 14.000 doanh nghiệp, 15 khu chế xuất - công nghiệp tập trung và 30 cụm công nghiệp là khoảng 300 - 400m3/ngày. Chưa kể, lượng bùn thải từ bể tự hoại của gần 1,4 triệu hộ gia đình và 400.000 hộ chung cư, nhà máy xử lý nước thải và các dự án cải thiện môi trường Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé, kênh Đôi - kênh Tẻ, Tân Hóa - Ông Buông - Lò Gốm, Tham Lương - Bến Cát - Vàm Thuật, hầm Thủ Thiêm, Metro… có thể lên đến hàng triệu mét khối năm.

Sở KH-CN TPHCM khẳng định, trong các loại bùn thải trên, đáng ngại nhất là lượng bùn thải phát sinh từ hệ thống kênh rạch. Loại bùn này thường chứa cát, plastic, vải, lon đồ hộp, và cả các chất thải nguy hại là kim loại nặng, dầu mỡ... Ngoài ra, loại bùn này chứa lượng lớn các loại ký sinh trùng gây bệnh. Trong đó, có những loại ký sinh trùng nguy hiểm và rất khó điều trị nếu như người mắc phải. Tuy nhiên, một vấn đề được đặt ra là hiện bùn thải của TPHCM đang được xử lý như thế nào?

Hiện chỉ có bùn thải từ hệ thống thoát nước công nghiệp của các công ty đầu tư và kinh doanh khu công nghiệp hoặc các chủ nhà máy, cơ sở sản xuất được ký hợp đồng chuyển giao và xử lý bằng phương pháp đốt kết hợp hóa rắn tro sau đốt. Một số ít bùn hầm cầu được thu gom và xử lý làm nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ tại Nhà máy xử lý bùn Hòa Bình, Khu liên hợp xử lý chất thải và Nghĩa trang Đa Phước (huyện Bình Chánh). Và một phần rất nhỏ bùn của nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung được sử dụng để chế biến phân hữu cơ.

Tuy nhiên, công nghệ chế biến phân hữu cơ của Nhật Bản áp dụng tại Nhà máy Bình Hưng (bùn phối trộn với trấu và ủ hiếu khí bằng quá trình đảo trộn) chưa hoàn thiện, gây mùi hôi thối nặng nề đến môi trường xung quanh. Lượng bùn còn lại như bùn thải từ các trạm xử lý nước thải sinh hoạt, bùn thải từ nhà máy cấp nước, nạo vét kênh rạch, các dự án xây dựng hạ tầng được chở bỏ ở những địa điểm không xác định, phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của tài xế.

Không dự trù kinh phí

Một vấn đề lớn, hiện TPHCM không dự trù bất cứ khoản kinh phí nào để xử lý các loại bùn thải phát sinh từ dịch vụ công (bùn thải từ hệ thống thoát nước và bùn thải hoạt động nạo vét kênh rạch). Vì vậy, bùn thải các loại trên thường được đem đổ bậy để có chi phí thấp nhất mà không xử lý. Ước tính, chi phí xử lý các loại bùn trên vào khoảng 300.000 VNĐ/tấn và trên dưới 1.000 tỷ VNĐ/năm, thậm chí còn cao hơn. Ông Lê Trung Tuấn Anh, Phó phòng Quản lý chất thải rắn Sở TN-MT TP cho rằng, các cơ quan chức năng còn hết sức lúng túng khi xử lý loại bùn thải này.

Từ năm 2008, Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị được UBND TPHCM giao chuẩn bị dự án đầu tư xây dựng trạm tiếp nhận, chế biến và xử lý bùn Đa Phước với công suất 3.000 m3/ngày đêm tại diện tích rộng 42,02ha ở Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước. Thế nhưng cho đến nay dự án vẫn chưa được thực hiện. Và cao điểm của hệ qủa thiếu nhà đầu tư xử lý bùn thải là 4.000 tấn bùn thải tại Nhà máy Xử lý bùn thải Bình Hưng không biết đổ đi đâu, phát sinh ô nhiễm nghiêm trọng cho toàn bộ khu vực dân cư lân cận.

Để tháo gỡ những khó khăn trên, Sở TN-MT đang kêu gọi đầu tư theo hình thức BOO (Xây dựng - Vận hành - Sở hữu). TP đang xây dựng chính sách trả chi phí xử lý cho chủ đầu tư với các loại bùn thải từ các công trình công cộng như bùn thải từ hệ thống thoát nước sinh hoạt, đô thị, hệ thống cấp nước, công trường xây dựng cơ sở hạ tầng và công cộng (cầu, đường, metro,…) qua thu phí các đối tượng sử dụng dịch vụ. Trước tiên, TP sẽ dành khoảng 20ha đất tại Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Đa Phước ưu tiên hỗ trợ đất cho nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, cùng với tiến độ trên, phải mất ít nhất 3 - 5 năm nữa mới mong có thể đưa một phần lượng bùn thải này vào xử lý. Và trong thời gian này, bùn thải tại TPHCM vẫn chịu cảnh đổ tràn lan ra môi trường.

Ái Vân

Tin cùng chuyên mục