TP Hồ Chí Minh: Thưởng tết trung bình mỗi người một tháng lương

* Thưởng cao nhất 700 triệu đồng/người

* Thưởng cao nhất 700 triệu đồng/người

(SGGP). - Ngày 26-12, Sở LĐTB-XH TPHCM đã có báo cáo nhanh về mức thưởng Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012. Mặc dù năm nay kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nhưng mức thưởng tết vẫn đạt mức cao.

Theo tổng hợp báo cáo của gần 1.000 doanh nghiệp tại TPHCM, năm nay mức thưởng tết cao nhất thuộc về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), với mức thưởng 700 triệu đồng/người (thưởng Tết Dương lịch). Cũng trong khối này, mức thưởng Tết Dương lịch thấp nhất 611.000 đồng/người, mức bình quân chung gần 3,9 triệu đồng/người.

Đối với doanh nghiệp vốn 100% nhà nước, mức thưởng cao nhất 33,7 triệu đồng/người, mức thưởng bình quân 3 triệu đồng/người. Doanh nghiệp cổ phần có vốn góp nhà nước mức thưởng cao nhất 89 triệu đồng/người và mức bình quân 2,5 triệu đồng/người. Các doanh nghiệp dân doanh mức thưởng cao nhất 88,2 triệu đồng/người, thấp nhất 910.000 đồng/người.

Đối với mức thưởng Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, cao nhất cũng thuộc về doanh nghiệp FDI với mức thưởng 400 triệu đồng/người, mức thưởng bình quân 3,4 triệu đồng/người, mức thấp nhất 2 triệu đồng/người. Đứng hàng thứ 2 là khối doanh nghiệp cổ phần có vốn góp nhà nước, mức thưởng cao nhất 356 triệu đồng/người, mức bình quân 11,2 triệu đồng/người, mức thấp nhất 5,6 triệu đồng/người.

Đối với doanh nghiệp vốn 100% nhà nước, mức thưởng cao nhất 130 triệu đồng/người, mức thưởng bình quân 8,2 triệu đồng/người. Năm nay, mức thưởng của các doanh nghiệp dân doanh thấp hơn năm ngoái, cao nhất 135 triệu đồng/người (năm ngoái 184 triệu đồng/người), mức thưởng bình quân đạt 4,3 triệu đồng/người (tăng 19% so với năm ngoái).

Riêng các doanh nghiệp trong KCX-KCN có mức thưởng tết cao nhất 77,8 triệu đồng - đối với doanh nghiệp FDI (năm ngoái 120 triệu đồng/người) và 99,3 triệu đồng - đối với doanh nghiệp trong nước (năm ngoái 376,8 triệu đồng/người); mức thưởng bình quân xấp xỉ 2,8 - 2,9 triệu đồng/người. Trong đó doanh nghiệp ngành may mặc có mức thưởng bình quân 2,3 triệu đồng/người, cơ khí 3 triệu đồng/người, thực phẩm 2,5 triệu đồng/người, điện - điện tử 2,8 triệu đồng/người…

Về mức tiền lương năm 2011, đối với doanh nghiệp vốn 100% nhà nước, lương cao nhất 56 triệu đồng/người/tháng (tăng 12,4% so với năm ngoái), thấp nhất 3,5 triệu đồng/người/tháng.

Lương bình quân khối trực tiếp sản xuất 6,5 triệu đồng/người; bình quân khối văn phòng 7,4 triệu đồng/người/tháng. Mức lương cao nhất thuộc khối doanh nghiệp cổ phần có vốn góp nhà nước 89 triệu đồng/người/tháng, mức bình quân 5,2 triệu đồng/người/tháng (tăng 12%). Mức lương cao nhất của doanh nghiệp dân doanh 160 triệu đồng/người/tháng, thấp nhất 2,5 triệu đồng/người và bình quân 4,3 triệu đồng/người/tháng.

Mức lương cao nhất trong doanh nghiệp FDI 545,7 triệu đồng/người/tháng, mức bình quân 4,2 triệu đồng/người/tháng. Nhìn chung mức lương năm 2011 tăng so với năm 2010 với tỷ lệ tăng thấp nhất 7% và tăng cao nhất 39%.

Theo ông Lê Thành Tâm, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, mức thưởng cao nhất năm nay thuộc về các ngành ngân hàng, chế tạo thiết bị lạnh, sản xuất sữa, kinh doanh địa ốc… Các doanh nghiệp thâm dụng lao động, quy mô nhỏ như giày da, may mặc tương đối thấp. Tuy nhiên, năm nay nhìn chung người lao động đều được thưởng trong dịp tết năm 2012, mức trung bình là 1 tháng lương.

Trong 958 doanh nghiệp ngoài KCN-KCX, có 148 doanh nghiệp (chiếm 15,44%) trả lời gặp khó khăn trong việc trả lương, thưởng dịp tết. Nguyên nhân do hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn, chi phí tăng cao, thu hồi công nợ chậm…

Và trong 958 doanh nghiệp nói trên, có 88 doanh nghiệp (chiếm 9,18%) bên cạnh việc thưởng tết cho người lao động còn có thêm các hình thức hỗ trợ như tặng quà tết, hỗ trợ vé tàu, xe về quê. Các doanh nghiệp cũng bố trí thời gian nghỉ tết từ 10 - 14 ngày và bố trí nghỉ phép năm cho lao động về quê đón tết cùng gia đình.

H.THU

Tin cùng chuyên mục