Tái chế rác thải là giải pháp ưu việt nhất hiện nay giúp giảm áp lực xử lý chất thải. TPHCM - một trong những tỉnh thành được xem là có khối lượng rác thải tái chế lớn nhất nước, nhưng con số này vẫn ít so với thực tế. Điều này đã khiến nhu cầu xử lý chất thải tại TPHCM luôn ở trong tình trạng căng thẳng, bức xúc. Vậy đâu là nguyên nhân của vấn đề này?
Nhiều thách thức...
Ông Nguyễn Trung Việt, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết với 9 triệu dân đang sinh sống nên khối lượng cũng như thành phần chất thải hiện rất lớn và phức tạp. Cụ thể, tổng khối lượng chất thải rắn đô thị phát sinh trên địa bàn thành phố ước tính khoảng 7.500 - 8.000 tấn/ngày. Trong đó, khối lượng được thu gom và xử lý bằng cách chôn lấp chiếm khoảng 6.500 - 6.700 tấn/ngày. Số còn lại được tái chế bằng nhiều biện pháp khác nhau phụ thuộc vào các doanh nghiệp xử lý. Còn chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất của hơn 12.000 cơ sở công nghiệp (lớn, vừa và nhỏ) khoảng 1.500 - 2.000 tấn/ngày chất thải công nghiệp và từ 250 - 350 tấn/ngày chất thải nguy hại.
Chất thải y tế ngày một nhiều đang trở thành bài toán khó cho các nhà quản lý. Có thể nhận thấy, nguồn phát sinh chủ yếu thường từ những cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở đào tạo cán bộ y tế và các trung tâm nghiên cứu y dược với khối lượng 11,54 tấn/ngày. Thành phần có chứa yếu tố nguy hại (lây nhiễm) chiếm 22,6% như chai nhựa PVC, PE, PP, bông băng, bơm kim tiêm. Việc xử lý chất thải rắn y tế ở thành phố đến nay vẫn do nhà nước đảm trách với công nghệ đốt tiêu hủy. Bên cạnh đó, thành phố đang phải đối mặt với thách thức rất lớn, xử lý bùn thải được nạo vét từ hệ thống kênh rạch, trung bình, khoảng 500 tấn/ngày. Loại chất thải này có thành phần rất phức tạp và ẩn chứa nhiều mối nguy hại, nhưng công tác thu gom và xử lý bùn thải gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân, do thành phố chưa đầu tư hạ tầng để tiếp nhận và xử lý loại chất thải này. Thông thường các đơn vị thi công chờ phơi khô để sử dụng cho san lấp.
Mặt khác, hệ thống quản lý nhà nước trong lĩnh vực chất thải chưa theo kịp tốc độ phát triển thành phố. Nhiều văn bản hay thông tư hướng dẫn việc xử lý đến nay vẫn chưa đáp ứng nhu cầu. Ngoài ra, việc chồng chéo về luật cũng đang là trở ngại lớn.
Ưu tiên nhà đầu tư có khả năng tái chế
Trên thực tế, từ trước đến nay, thành phố chỉ chủ yếu xử lý chất thải nguy hại bằng biện pháp chôn lấp. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của giải pháp này là chiếm dụng quỹ đất quá lớn, nước rỉ rác gây ô nhiễm đất, nguồn nước, ô nhiễm không khí xung quanh, không tận dụng được các nguồn lợi ích kinh tế vì không được tái chế. Để giải quyết vấn nạn này, theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Quán, Giám đốc Trung tâm an toàn lao động và công nghệ môi trường, phải nhìn nhận rằng lượng chất thải gia tăng nhanh xuất phát từ hành vi tiêu dùng và thải bỏ chất thải của con người. Vì vậy, nếu nhà sản xuất tính toán kỹ lưỡng và người tiêu dùng có nhận thức tốt hơn thì việc phát sinh chất thải sinh hoạt sẽ không còn nguy hiểm như hiện nay.
Ông Ngô Xuân Tiệc, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tâm Sinh Nghĩa cho biết thêm, việc tái chế rác thải thành những sản phẩm hữu ích cũng rất quan trọng. Bởi không chỉ tốt cho môi trường mà còn mang lại lợi ích kinh tế đối với các nhà sản xuất. Hiện dự án do công ty đầu tư hoàn toàn có thể tự phân loại rác để làm phân hữu cơ, tái chế nên không cần thiết phải phân loại rác tại nguồn. Cũng theo ông Tiệc, với điều kiện của thành phố, nếu tiếp tục triển khai đầu tư thực hiện chương trình phân loại rác tại nguồn sẽ rất tốn kém nhưng lại kém hiệu quả. Cách tốt nhất, cần ưu tiên đầu tư các dự án xử lý có công nghệ tự phân loại để đạt hiệu quả cao hơn. Thành phố phải quy hoạch, đầu tư như thế nào cho cụ thể, từ phương tiện vận chuyển đến việc không làm ảnh hưởng đến giao thông và hợp lý về thời gian tiếp nhận của các trạm trung chuyển.
Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết mặc dù những năm gần đây, nhiều công ty môi trường đô thị đã có những tiến bộ đáng kể, phương thức tiêu hủy chất thải sinh hoạt đã được cải tiến, nhưng chất thải vẫn là mối hiểm họa đối với cuộc sống người dân. Chính vì thế, việc quy hoạch định hướng các giải pháp xử lý chất thải phải đảm bảo được các yếu tố bất di bất dịch như bảo vệ môi trường, tránh tác động của biến đổi khí hậu, tái chế ở mức độ cao nhất, phát thải cacbon thấp và tăng trưởng xanh. Đồng thời đáp ứng được các điều kiện cụ thể của thành phố hiện nay như giảm chi phí công, cơ sở dữ liệu chưa đầy đủ, các hoạt động trong lĩnh vực quản lý chất thải ngày càng được xã hội hóa toàn diện và đặc biệt phải hướng đến hệ thống quản lý xanh.
MINH XUÂN – MINH HẢI