TPHCM 40 năm sau…

Từ năm 1975 - 2015, vừa tròn 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đó là “thời gian qua kẽ tay”, là “cuộc sống coi như tìm thấy”, mà tôi mượn ý thơ của nhạc sĩ - nhà thơ Văn Cao nói về TPHCM sau ngày giải phóng. TP có sự đổi thay kỳ diệu. TP để lại những kỷ niệm đẹp trong tôi…1.
TPHCM 40 năm sau…

Từ năm 1975 - 2015, vừa tròn 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đó là “thời gian qua kẽ tay”, là “cuộc sống coi như tìm thấy”, mà tôi mượn ý thơ của nhạc sĩ - nhà thơ Văn Cao nói về TPHCM sau ngày giải phóng. TP có sự đổi thay kỳ diệu. TP để lại những kỷ niệm đẹp trong tôi…

1.
Nhớ năm 1975, tôi nhớ về mốc son chói lọi: Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hồi đó, tôi còn là sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội. Lúc bấy giờ, tôi chưa có dịp vô thăm TPHCM. Cảm giác trong tôi đối với Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TPHCM chỉ là những câu thơ còn xanh, những bài hát còn xanh. Bây giờ, được sống trong TP mang tên Bác, tôi xúc động, tự hào đến lạ kỳ về chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta. Đó là thắng lợi trọn vẹn, niềm vui trọn vẹn.

Có lần, tôi đứng trên sân thượng Hội trường Thống Nhất để quan sát, hồi tưởng, ngẫm suy, khâm phục, cảm tạ khi nhớ về cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quân và dân ta đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975…

Năm tháng trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc như một trang sử chói lọi, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Phát huy những thành quả đó, TPHCM ngày càng lớn mạnh, luôn giữ vững và ổn định chính trị, không ngừng phát triển kinh tế. Đời sống nhân dân ổn định và cải thiện. Sức mạnh khối đại đoàn kết không ngừng phát huy.

Một trong những thành tựu cơ bản, then chốt đưa TP phát triển mạnh mẽ, bền vững là các công trình xây dựng hạ tầng đô thị, nhất là công trình giao thông quy mô lớn. Như đại lộ Nguyễn Văn Linh, đường Rừng Sác - Cần Giờ, xa lộ Hà Nội, cầu Phú Mỹ, cầu Rạch Chiếc, đại lộ Võ Văn Kiệt. Trong đó có hầm Thủ Thiêm, xây dựng đường hầm giao thông dưới đáy sông Sài Gòn. Và TPHCM có tòa nhà Bitexco cao 68 tầng. Ngoài ra, ta còn xây dựng dự án vệ sinh môi trường TP trên lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè với tổng số tiền 8.600 tỷ đồng đã cải tạo trở thành dòng kênh xanh mát.

Hai con đường Hoàng Sa, Trường Sa ven kênh đang xanh trở lại, uốn lượn giữa lòng Sài Gòn và trỗi mình trước sự vui mừng của người dân TP. Tôi có nhiều dịp đi lại qua dòng kênh, ngắm dòng kênh ăm ắp nước, ngắm hoa cỏ đâm chồi nảy lộc, lại nhớ đến những ngôi nhà ổ chuột thời xa xưa, giật mình về sự đổi mới kỳ diệu hôm nay.

Nhiều cao ốc đang mọc lên ở trung tâm TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

2. Nhân kỷ niệm 39 năm giải phóng miền Nam năm 2014, tôi tìm đọc diễn văn của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ tại lễ mừng chiến thắng vào ngày 15-5-1975, và càng tự hào và cảm động. Tự hào vì đây là thắng lợi vĩ đại mà nhân dân ta đã giành được, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc. Từ nay, hòa bình vĩnh viễn được thiết lập. Từ nay non sông giàu đẹp từ Lạng Sơn đến Cà Mau liền một dải. Từ nay không thế lực phản động nào ngăn cản nhân dân ta sống trong hòa bình, độc lập, tự do. Đó là ý chí dân tộc ta không gì lay chuyển nổi.

Tôi xúc động vì qua 20 năm chiến tranh chống Mỹ, 15 triệu tấn bom đạn, hàng chục vạn tấn chất độc hóa học, tàn phá cả hai miền Nam - Bắc. Sự mất mát, hy sinh của dân tộc là quá lớn. Từ thực tế đó, tôi chợt nhớ lại bài thơ Vòng trắng của nhà thơ Phạm Tiến Duật ra đời tháng 8-1974. Tôi và bạn tôi đi trong im lặng/ Cái lặng im lạ kỳ đêm sau chiến tranh/ Cái mất mát nào lớn hơn cái chết/ Vòng trắng trên đầu thành một số không. Đó là sự mất mát đến tận cùng, có thể nói là không còn gì để mất. Nhà thơ khẳng định một cách rõ ràng: Nhưng tôi biết ở trong vòng trắng ấy/ Là cái đầu bốc lửa ở bên trong. Ý nghĩa tư tưởng, nghệ thuật vang lên ở câu kết đó.

Tôi càng xót xa về sự hy sinh, mất mát của dân tộc ta; đồng thời, càng tự hào về dân tộc Việt Nam anh hùng, tự hào về miền Nam thành đồng Tổ quốc, về TPHCM anh hùng. Tôi có dịp về Địa đạo Củ Chi và đến Rừng Sác Cần Giờ mới biết 860 chiến sĩ đặc công nước đã hy sinh quên mình ở đó. Tôi thăm Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, viếng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Nghĩa trang Tân Biên, về thành cổ Quảng Trị, đến Phú Quốc…, tôi càng thấu hiểu lời nhận định của Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Dân tộc ta đã trải qua thời kỳ: “Khổ nhục nhưng vĩ đại”. Khổ nhục vì bị vong quốc nô. Vĩ đại vì chúng ta thắng hai đế quốc Pháp và Mỹ. Vĩ đại vì chúng ta chính nghĩa”.

Cũng năm 1975, tại Sài Gòn, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã tuyên bố hùng hồn, sảng khoái như sau: “Chúng ta kiên quyết cùng đồng bào cả nước Việt Nam ta tiến lên, biến sức mạnh chiến thắng đế quốc Mỹ thành sức mạnh chiến thắng trên mặt trận lao động, tạo những thành quả mới to lớn, thực hiện di chúc thiêng liêng của Hồ Chủ tịch, làm cho nhân dân ta ai cũng có cơm no, áo ấm, ai cũng được học hành, thực hiện một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh”.

Lời tuyên bố ấy còn mãi đến bây giờ. Vì vậy, tôi rất tự hào về biểu tượng TPHCM khi sau những năm giải phóng, đã xây dựng Tượng đài Bác Hồ thể hiện trí tuệ, tâm hồn Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.

Đến năm 2015, TPHCM sau 40 năm giải phóng vẫn vững vàng kế tiếp những ngày mới đi lên. Nếu tính tròn 40 năm, TP có 14.800 ngày mới, đêm mới để thay da đổi thịt. Đó là sự đổi mới về con người, về cơ sở vật chất, về phạm vi quy hoạch TP được mở rộng. TPHCM có 24 quận, huyện; 47 tổ chức đoàn thể, chính quyền… Với cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ, TPHCM chuyển mình nhanh chóng, vững bước đi lên. Đặc biệt con người ở đây được đổi mới về tư tưởng, nhận thức, hành động, một lòng trung với Đảng, hiếu với dân. Ở đó sinh ra và lớn lên những con người viết nên những trang sử vẻ vang của TP và của dân tộc.

3. TPHCM hiện đại, có vẻ đẹp êm đềm, hiền hòa của người phụ nữ trong lao động. Sau một ngày làm việc, họ lại hối hả trở về gia đình hạnh phúc của mình. Không thiếu những vẻ đẹp tâm hồn như Kiều Nguyệt Nga trong Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu đi ra cuộc đời. Họ xứng đáng với tám chữ vàng truyền thống “Anh hùng bất khuất, trung hậu, đảm đang”.

Còn giới trẻ TP có chí tiến thủ, lập thân, lập nghiệp. Nhiều người thông thạo ngoại ngữ và muốn vươn xa. Đây là lực lượng rất quan trọng cho sự nghiệp phát triển TP. Đó là điều đáng tự hào. Nhưng cũng không thể tránh khỏi: lại có một số người nhậu tối ngày. Sáng cà phê. Trưa cà phê. Chiều cà phê. Và còn một số tệ nạn khác xảy ra. Nhưng chúng ta kiên quyết thuyết phục, xử lý kịp thời, dứt điểm để xây dựng TP ngày càng tốt đẹp hơn.

Trong sự đổi mới chung đó, tôi lại nhớ tới hoạt động của Liên hiệp Các hội Văn học nghệ thuật TP do GS Ca Lê Thuần làm chủ tịch. Tôi nhớ nhà nghiên cứu phê bình, nhà thơ Lê Quang Trang, Chủ tịch Hội Nhà văn TP với bài thơ Dự cảm qua hầm Thủ Thiêm: “Quá khứ, tương lai chan hòa cộng hưởng/ Để hai phút qua hầm cho ta bao dự cảm lớn lao”.

Tôi thảng thốt với câu thơ: “Thành phố như con tàu chở đầy thuốc nổ, cuốn đi số phận mỗi con người” (Đào Trọng Khánh). Tôi không quên nhà thơ Lê Anh Xuân với Dáng đứng Việt Nam. Tôi nhớ nhà văn Hoài Anh với Đuốc lá dừa; nhớ nhà văn Nguyễn Khải, nhà thơ Chim Trắng… Và gần đây, tôi đọc lại Đất lửa, Cánh đồng hoang của Nguyễn Quang Sáng - nhà văn vừa mới đi xa. Tôi nhớ các nhà thơ, nhà văn đang độ chín như: Văn Lê, Trần Văn Tuấn, Phạm Sĩ Sáu, Trương Nam Hương, Nguyễn Vũ Tiềm, Từ Quốc Hoài, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Thị Ánh Huỳnh, Kao Sơn, Hoàng Phương Nhâm….

Tôi còn nhớ về nhà thơ Phan Hoàng mới nhận giải thưởng. Khi nói về cà phê, anh có bài thơ Chất vấn thói quen tựa như tự vấn lòng mình với cuộc đời. Khi nói về lòng người, anh lại có Cơn bão thiên nhiên không lo bằng cơn bão trong lòng người… Hóa ra, giới văn nghệ sĩ TPHCM, nhiều người đã trở thành chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng, góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Đó là những ký ức không thể nào quên. TPHCM 40 năm sau. TP thực sự sôi nổi, năng động, hừng hực sức sống, luôn là điểm tựa tin cậy của nhân dân và được định hình: Thành phố hòa bình, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Có lẽ, tôi như không có chỗ để buồn? Tôi được hít thở không khí leng keng, ríu rít cuộc đời trong những năm tháng ở TP mà reo vui, chợt viết những câu thơ: “Về đây mang nghĩa tình nhân ái/ Chung mái đầu, gồng gánh tâm tư/ Tôi như trẻ lại ngày xưa ấy/ Phải lòng nhau: “Nhất tự vi sư”/ Về đây trường học của đời tôi/ Bay lên từ sức sống nhân tình/ Ơi! Hòn Ngọc Viễn Đông tỏa sáng/ Biết đâu mình lặng lẽ với mình?”.

ĐỖ HUY THANH

Tin cùng chuyên mục