TPHCM: 60% số đường chưa có tên

Theo thống kê sơ bộ của ngành chức năng, đến nay số lượng các con đường chưa có tên chiếm xấp xỉ… 60% tổng số đường trên địa bàn TPHCM.
TPHCM: 60% số đường chưa có tên

Theo thống kê sơ bộ của ngành chức năng, đến nay số lượng các con đường chưa có tên chiếm xấp xỉ… 60% tổng số đường trên địa bàn TPHCM.

  • Có tên nhưng chưa có đường

Không biết nên cười hay mếu khi biết rằng một đô thị lớn như TPHCM lại đang tồn tại tình cảnh có những con đường có tên trên giấy nhưng thực tế tìm đỏ mắt cũng không thấy. Qua kiểm tra, rà soát trong thực tế thời gian qua, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM phát hiện có những tuyến đường chưa hề được xây dựng hoặc không thể tìm thấy ở địa phương nhưng chẳng hiểu sao đã được đặt tên thật… hoành tráng.

Đường Khổng Tử tại phường Tân Phú, quận 7 được giới thiệu rất chi tiết: dài 1.015m, rộng 21m, trong đó lòng đường 14m còn lại là vỉa hè. Nhưng đó là khai sinh trên… giấy, còn trong thực tế con đường này đang trong quá trình triển khai xây dựng. Dù sao nó vẫn khá hơn những con đường như Bùi Chi Nhuận (quận 10), Đỗ Hành (quận 12), Rạch Dơi (quận 7), Tôn Quang Phiệt (quận Gò Vấp), Lê Hi, Vũ Đình Long, Lan Mê Linh (cùng ở quận Tân Bình) - đều thuộc diện “chưa đẻ đã có giấy khai sinh”.

Tính ra, có ít nhất 14 tuyến đường thuộc loại “thấy chết liền” như thế rải đều các quận 7, 12, Gò Vấp, Tân Bình, huyện Củ Chi…

  • Có đường nhưng chưa có tên

Thế nhưng số đường “chưa thấy mặt đã đặt tên” vẫn chưa đáng là bao so với số đường chưa có tên gọi đàng hoàng, gồm những đường có tên do người dân tại chỗ hoặc do địa phương tự đặt chứ không phải được đặt bài bản, quy củ từ cơ quan quản lý cấp thành phố.

Đường D2 và D3 tại quận Bình Thạnh, TPHCM. Ảnh: Cao Thăng

Đường D2 và D3 tại quận Bình Thạnh, TPHCM. Ảnh: Cao Thăng

Bởi thế mới có những tên đường “tự biên tự diễn” theo kiểu thấy sao kêu vậy. Nào là, “đường dưới chân cầu Sài Gòn” để chỉ tuyến đường nằm bên dưới cầu Sài Gòn, từ Quốc Hương đến Trần Não thuộc quận 2; “đường vào Trung tâm thương mại Bình Điền” thuộc quận 8, đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến sông Cần Giuộc; “đường dọc mương Nhật Bản” để chỉ cung đường từ Nguyễn Kiệm sang Hoàng Minh Giám thuộc phường 9 quận Phú Nhuận; “đường trục phường 13” để chỉ con đường mới mở tại phường 13 quận Bình Thạnh, đoạn từ Nơ Trang Long đến sông Vàm Thuật…

Đó là chưa kể hàng loạt tên đường bằng số như: đường D1, đường D2, đường D5 tại phường 25 quận Bình Thạnh; đường 7A, đường 9A đi qua Bình Hưng huyện Bình Chánh; đường số 26 từ Nguyễn Văn Luông đến An Dương Vương thuộc quận 6…

Để giải quyết gần 30 tuyến đường có tên như thế (thực tế, theo Phó Giám đốc Sở GTVT Lê Toàn, số lượng con đường chưa có tên gọi chiếm khoảng 60% tổng số đường trên toàn địa bàn TP) cách đây không lâu Sở GTVT đã gửi báo cáo đến Sở VH-TT-DL đề xuất đặt lại tên mới cho hợp lý và thống nhất hơn.

  • Gỡ rối

Vào giữa năm 2006, Sở GTVT (lúc đó còn gọi là Sở Giao thông Công chính) đã đốc thúc các khu quản lý giao thông đô thị phối hợp với UBND các quận huyện triển khai công tác chuẩn hóa, đặt tên số hiệu đường bộ theo chỉ đạo của UBND TPHCM và hướng dẫn của Bộ GTVT. Thế nhưng suốt 5 năm qua, công tác này vẫn chưa hoàn tất nên cư dân tại chỗ và chính quyền địa phương cứ đặt tên đường một cách tự phát. Một trong những nguyên nhân là số lượng các tuyến đường được xây dựng, nâng cấp, mở rộng tại các khu dân cư mới ngày càng tăng (và chưa có quy định cụ thể cho việc đặt tên đường tạm thời tại đây) trong khi số đường được đặt tên hàng năm lại rất… hạn chế.

Theo Sở GTVT TPHCM, để giảm thiểu và tiến tới chấm dứt tình trạng đặt tên đường lộn xộn, nên chăng Bộ VH-TT-DL sớm thống nhất lại vấn đề đặt tên đường tạm cho các khu dân cư, khu đô thị mới. Đồng thời, Sở GTVT cũng đề nghị Sở VH-TT-DL phối hợp với UBND các quận huyện và sở ban ngành liên quan điều chỉnh, bổ sung một số nội dung trong quy chế hoạt động của Hội đồng Đặt mới - sửa đổi tên đường, công viên, quảng trường và công trình công cộng tại TPHCM (gọi tắt là Hội đồng Đặt tên đường) phù hợp với tình hình thực tế.

Kiến nghị Hội đồng Đặt tên đường nhanh chóng xem xét các đề xuất đặt tên đường của UBND các quận huyện và xem xét đặt tên, điều chỉnh giới hạn cho một số tuyến đường đã được Sở GTVT thống kê, lập danh sách. Song song đó, UBND các quận huyện sớm rà soát lại các tuyến đường đã được đặt tên để cập nhật tình trạng hiện hữu của các tuyến đường này, liệt kê các tuyến đường chưa được đặt tên chính thức, gồm các tên gọi dân gian hoặc do địa phương đặt…

THIỆN NHÂN

Tin cùng chuyên mục