Trong số các ca mắc sởi có tới 48% là trẻ 18 tháng đến 10 tuổi; 96% bệnh nhân chưa được tiêm chủng và hơn 4% chỉ mới tiêm 1 mũi vaccine phòng bệnh sởi. Bên cạnh đó, còn có 19% bệnh nhi dưới 9 tháng (chưa đến tuổi tiêm chủng) không nhận được kháng thể bảo vệ từ mẹ truyền sang.
Bên cạnh đó, số ca mắc sốt xuất huyết cũng có sự gia tăng nhanh so với cùng kỳ năm 2018 với 10.115 ca mắc từ đầu năm đến nay, tăng 243% so với cùng kỳ năm 2018 (2.960 ca); số ca tay chân miệng là 450 ca, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2018 (369 ca). Theo bác sĩ Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, số ca tay chân miệng có xu hướng tăng và đang trong giai đoạn bắt đầu của mùa dịch hàng năm.
Do vậy, Trung tâm Y tế dự phòng TP khuyến cáo người dân duy trì các biện pháp diệt lăng quăng, diệt muỗi ngay nơi ở, nơi làm việc; phòng tránh muỗi đốt bản thân và người xung quanh; tiêm vaccine phòng bệnh sởi cho người lớn và trẻ; giữ gìn vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng; vệ sinh hàng ngày và khử khuẩn hàng tuần vật dụng đồ chơi của trẻ. Trung tâm đã chỉ đạo và thường xuyên giám sát các trung tâm y tế quận, huyện thực hiện các hoạt động chuyên môn nhằm kiểm soát các bệnh truyền nhiễm.
TPHCM cũng đã triển khai tiêm vaccine ComBE Five cho trẻ từ ngày 11-2. Đến nay có 6.153 trẻ đã được tiêm vaccine này, trong đó 4.909 trẻ tiêm mũi thứ 1; 779 trẻ tiêm mũi thứ 2 ; 465 trẻ tiêm mũi thứ 3 và không có trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng.