TPHCM: Bùn thải kênh rạch: đổ đâu?

Công ty thoát nước: mắc kẹt!
TPHCM: Bùn thải kênh rạch: đổ đâu?

Đổ khắp nơi có thể! Đó là khẳng định của Công ty Thoát nước đô thị TPHCM. Trung bình mỗi ngày Công ty Dịch vụ công ích các quận huyện, Công ty Thoát nước đô thị TPHCM nạo vét khoảng 3.000 tấn bùn thải từ hệ thống kênh rạch, nhưng cho đến nay chưa có nhà máy nào xử lý loại bùn này. Còn những bãi tập kết bùn thải do thành phố quy định hiện đang trong tình trạng quá tải.

Nạo vét bùn trên kênh Nhiêu Lộc. Ảnh: ĐỨC THÀNH

Nạo vét bùn trên kênh Nhiêu Lộc. Ảnh: ĐỨC THÀNH

Công ty thoát nước: mắc kẹt!

Trao đổi về vấn đề này, đại diện Công ty Thoát nước đô thị cho biết, TPHCM đang quy hoạch khu đổ bùn tại khu xử lý chất thải Đa Phước, Bình Chánh với quy mô 42ha. Thế nhưng, hiện khu này chưa được hoàn chỉnh vì vướng giải tỏa đền bù.

Để giải quyết cấp bách về địa điểm đổ bùn, phục vụ cho hoạt động của 3 dự án lớn của thành phố là dự án Đại lộ Đông Tây, dự án cải thiện môi trường nước kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hoặc dự án tuyến tàu điện Suối Tiên – Bến Thành, công ty buộc khoanh vùng sử dụng trước phần đất đã giải tỏa xong. Số đất còn chưa giải tỏa được để lại làm quỹ đất dự trữ. Điều đáng nói là cho dù có giải tỏa xong phần đất còn lại thì cũng không phục vụ đủ nhu cầu đổ bùn thải của 3 dự án trên.

Bà Trần Thị Cẩm Vân, Phó ban Quản lý dự án Công ty Thoát nước đô thị TP cho biết thêm, chỉ tính lượng bùn thải phát sinh từ 3 dự án lớn trên của thành phố thì tổng lượng bùn thải khoảng 3 triệu m³. Vậy thì lấy chỗ nào để đổ cho hết? Chỉ riêng bùn thải nạo vét từ dự án Đại lộ Đông Tây đang được công ty bố trí đổ tại huyện Cần Giờ nhưng mới đây từ phía huyện thông báo lên cũng đã hết chỗ đổ bùn.

Đó là chưa kể còn khoảng 1.500 tấn bùn thải/ngày phát sinh từ hoạt động duy tu, nạo vét tuyến cống thoát nước và kênh rạch chính của thành phố. Hiện công ty đang phải đổ khắp nơi – nơi có thể thương lượng được với chính quyền, người dân hay các chủ đầu tư công trình có nhu cầu cần san lấp.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tấc đất, tấc vàng hiện nay thì rất khó tìm ra địa điểm đổ bùn. Hiện công ty đang đứng trước nguy cơ không thể thực hiện nạo vét kênh rạch vì không thể giải quyết được khâu đổ bùn ở đâu.

Bùn thải chứa chất nguy hại: phát tán khắp nơi

Ông Nguyễn Trung Việt, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn - Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, ngoài lượng bùn mà công ty thoát nước đang nạo vét, ước tính các quận huyện mỗi ngày nạo vét khoảng 1.500 tấn bùn thải. Nhưng do thành phố chưa có quy hoạch bãi tập kết cộng với việc chưa có nhà máy xử lý nên họ đổ bất cứ nơi nào có thể, chủ yếu tập trung các quận huyện ngoại thành như Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, quận 9 và Thủ Đức. Cách làm này rất đáng lo ngại cho môi trường vì bùn thải chứa nhiều chất nguy hại.

Chi cục Bảo vệ môi trường TPHCM cho biết thêm, hiện các kênh rạch nội thành của thành phố đều bị ô nhiễm nghiêm trọng. Các chỉ tiêu về chất hữu cơ, chất thải rắn lơ lửng, kim loại, vi sinh luôn trong tình trạng vượt tiêu chuẩn cho phép từ 2 – 9 lần. Điều này cho thấy, trong thành phần bùn thải của kênh rạch chứa rất nhiều chất thải nguy hại.

Nhưng đối chiếu lại với công nghệ xử lý loại bùn này hiện tại thì quả là đáng lo ngại. Vì bùn thải này đang được đổ tràn lan khắp nơi trên địa bàn thành phố mà không hề có bất cứ lớp lót chống thấm nào để bảo vệ chất lượng nguồn nước ngầm.

Thậm chí, hiện khu vực ngoại thành cũng không còn chỗ để đổ bùn thải. Vậy thì khi hàng loạt dự án lớn của thành phố khởi động, cộng với lượng bùn mà các công ty công ích quận huyện và công ty thoát nước phải thực hiện nạo vét kênh rạch thường xuyên, phục vụ công tác tiêu thoát nước cho thành phố sẽ đổ đâu?

Xử lý bùn thải kênh rạch: 10 năm vẫn chờ

Khi tìm đến Công ty Môi trường đô thị TPHCM – một trong những đơn vị xử lý chất thải công ích lớn nhất của TPHCM để tìm hiểu vấn đề này, ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc công ty cho biết, công ty chỉ xử lý chất thải rắn đô thị chứ không xử lý bùn thải nạo vét từ kênh rạch.

Hơn nữa, trong thành phần bùn thải được nạo vét từ kênh rạch có chứa chất thải nguy hại nên nếu muốn xử lý thì không thể xử lý bằng cách chôn lấp. Cần thiết phải được xử lý như chất thải nguy hại là phải đưa vào tách nước rồi chuyển nước ra xử lý riêng. Phần bùn khô còn lại phải được hóa rắn hoặc đốt.

Nhưng cho đến nay, thành phố vẫn chưa có nhà máy xử lý chất thải nguy hại nào dành cho loại chất thải này. Thậm chí, đối với chất thải nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất công nghiệp cũng đang rất khó khăn trong việc xử lý vì thiếu nhà máy. Phần lớn giao cho các công ty tư nhân với quy mô xử lý nhỏ và rất nhỏ.

Công ty Thoát nước đô thị cũng đã xây dựng dự án xử lý bùn thải nạo vét từ cống, kênh rạch. Dự án có tổng quy mô đầu tư khoảng 500 tỷ đồng với công suất xử lý khoảng 3.000 tấn bùn/ngày. Hình thức đầu tư là kêu gọi xã hội hóa. Tuy nhiên, đã gần 10 năm trôi qua, dự án trên vẫn nằm trên giấy. Nguyên nhân cũng được công ty lý giải là do thiếu đất. Công ty đã tìm xin thành phố địa điểm khắp nơi như bãi rác Đông Thạnh, Phước Hiệp huyện Củ Chi nhưng đều không được.

Riêng tại Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Đa Phước thì đến năm 2009 chỉ mới hoàn thành việc xác định ranh giới của 42ha. Thế nhưng cho đến nay phần đất này vẫn chưa giải tỏa xong nên cũng chưa thể thực hiện kêu gọi đầu tư. Nếu việc giải tỏa, di dời các hộ dân trong vùng dự án xong trong năm nay thì ít nhất phải mất 3 năm nữa mới có dự án xử lý bùn thải đi vào hoạt động. Và trong 3 năm này thì không biết bùn thải nạo vét 3.000 kênh rạch của TPHCM sẽ đổ đâu?

Để có thể xử lý loại bùn này cũng là bài toán khó. Trên thực tế, hiện ngân sách thành phố chỉ cấp kinh phí cho các cơ quan chức năng thực hiện nạo vét kênh rạch để phục vụ cho công tác thoát nước, chống ngập. Nhưng kinh phí để xử lý bùn thải này thì chưa có, và nếu thành phố phải chi cho xử lý loại bùn thải này thì kinh phí sẽ đội lên gấp bội. Tuy nhiên, đây là yếu tố cần thiết nhằm đảm bảo sự phát triển nhanh và bền vững cho thành phố.

Việt Tiến

Tin cùng chuyên mục