(SGGPO).- Sáng nay, 17-7, Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Sài Gòn truyền thông phối hợp với Viện nghiên cứu phát triển TPHCM tổ chức buổi tọa đàm “Thực hiện các dự án đối tác công tư: Kinh nghiệm và đề xuất”.
Theo ban tổ chức, hiện nhu cầu đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông ở Việt Nam ngày tăng cao (giai đoạn 2010 - 2020 cả nước cần tới 160 tỉ USD. Riêng TPHCM giai đoạn từ 2011-2025 cần tới 42 tỉ USD để phát triển cơ sở hạ tầng) nhưng nguồn vốn ngân sách nhà nước lại có hạn và nguồn vốn ODA cũng đang ngày càng thu hẹp.
Trong khi đó, trước khi có Quyết định 71/2010/QĐ-TTg ngày 9-11-2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công-tư, Việt Nam đã tiến hành khoảng 100 dự án mang tính chất PPP như BOT (Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao), BT (Xây dựng - Chuyển giao) nhưng chưa thành công về khía cạnh mục tiêu, số lượng cũng như chất lượng. Thậm chí có những dự án bị cho là thất bại như BOT cầu Bình Triệu giai đoạn I. Vì thiếu khuôn khổ pháp lý, nên một số rủi ro phát sinh trong quá trình triển khai mô hình đối tác công tư chưa được xử lý kịp thời, làm giảm hiệu quả dự án và nản lòng nhà đầu tư.
Loại hình đầu tư theo hình thức PPP là mô hình huy động nguồn vốn khu vực tư nhân đầu tư vào lĩnh vực cung cấp dịch vụ và hàng hóa công cộng, đặc biệt trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật và xã hội, xử lý môi trường đã phát triển mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trong vài thập niên qua. Đây là một hình thức xã hội hoá đầu tư nhằm mục đích vừa giảm gánh nặng của ngân sách nhà nước, vừa đẩy nhanh tiến độ cung cấp dịch vụ hạ tầng kỹ thuật và xã hội đáp ứng kịp thời (và kể cả đi trước một bước) yêu cầu phát triển kinh tế và cải thiện dân sinh.
Đ.Lý