(SGGPO).- Đó là ý kiến chung của các chuyên gia tại Hội thảo “TPHCM – Khát vọng vươn lên” được tổ chức tại TPHCM sáng ngày 19-5. Hội thảo có sự tham dự của Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cùng nhiều lãnh đạo Trung ương và TPHCM, đại diện các ban ngành cùng các chuyên gia.
Toàn cảnh Hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, Phó trưởng ban kinh tế Trung ương Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, TPHCM cần có quy hoạch với tầm nhìn trong 20-30 năm tới, tạo môi trường và điều kiện cho DN tự do cạnh tranh, đặt mục tiêu TPHCM phải nằm trong top 5 TP các chỉ số quản trị. Theo ông Bảo, cần đề xuất với trung ương cho TPHCM các chính sách vượt trội để thực sự trở thành đầu tàu và động lực tăng trưởng của thành phố phía Nam. Muốn TPHCM trở thành động lực tăng trưởng, bắt buộc phải có cơ chế vượt trội. Đó là cơ chế chính sách phân bổ và sử dụng nguồn lực cho phát triển: đất đai tài nguyên, vốn, khoa học công nghệ, đổi mới toàn diện giáo dục, khoa học công nghệ... tạo ra động lực cho sự phát triển.
Nói về việc TPHCM chưa thực sự vươn lên phát triển tương xứng với tầm vóc của trung tâm kinh tế đầu tàu phía Nam, PGS TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, TPHCM đã định hình một tham vọng tiến vượt lên trong bối cảnh và điều kiện phát triển mới. Đó là điều đáng mừng, không chỉ cho TPHCM mà là cho cả vùng Nam bộ và cho cả nước, đơn giản vì TPHCM là đầu tàu phát triển của cả nước. Tuy nhiên, theo ông Thiên, mặc dù 30 năm qua, đất nước đổi thay mạnh mẽ và ngoạn mục là có phần đóng góp to lớn hàng đầu của TPHCM. Nhưng 30 năm qua, đất nước vẫn chưa thoát khỏi tình trạng tụt hậu phát triển, thậm chí tụt hậu xa hơn cũng có trách nhiệm của TPHCM.
Trong lịch sử cận đại- hiện đại, cho đến thập niên 60-70 của thế kỷ trước, TPHCM- Sài Gòn với danh hiệu là “Hòn ngọc Viễn Đông” đã từng có một vị thế nổi bật, có tầm cỡ khu vực và thế giới. Và hiện nay, trải qua những thăng trầm của lịch sử, TPHCM đang nỗ lực khôi phục lại danh tiếng và vị thế đó.
Về việc này, ông Thiên cho rằng trước hết, phải thống nhất nhận diện một cách thực tế rằng, bản thân TPHCM cũng là một thành phố tụt hậu phát triển. Việc tụt hậu này không phải do TPHCM không phát triển, kém phát triển, bị thụt lùi so với chính mình là “hòn ngọc Viễn Đông” trước đây, TPHCM vẫn tiến lên nhiều mặt song có một điều rõ ràng là những bước tiến mà TPHCM đạt được trong thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng, chưa đáp ứng yêu cầu với cuộc đua tranh phát triển của các TP khác, có vị thế và chức năng tương tự trong khu vực và trên thế giới, thậm chí các TP đó có xuất phát điểm còn thua cả Việt Nam nhưng đã tiến vượt lên và vượt qua TPHCM. Cụ thể ở Đông Nam Á có Singapore, Kuala Lumpur, Bangkok... Nhìn rộng hơn ra khu vực Đông Bắc Á có Seoul, Busan (Hà Quốc), Đài Bắc, Cao Hùng (Đài Loan), Phố Đông – Thượng Hải…
Ông Thiên cũng thẳng thắn đặt vấn đề: nguyên nhân dẫn đến sự tụt hậu phát triển của TPHCM là do TPHCM chưa có tầm nhìn vượt trội hay chưa có thể chế cho sự phát triển của TP đầu tàu? Ông Thiên cũng cho rằng, thể chế hiện nay đã trói buộc tính chủ động của địa phương quá nhiều. TPHCM chưa được hành động trên nguồn lực hiện có mà không có cơ chế. Theo ông Thiên, trong thời gian tới, TPHCM cần phải có tầm nhìn và tư duy đột phá cho giai đoạn mới. Đây là điều kiện tiên quyến để xoay chuyển tình thế, chiến lược phát triển trong giai đoạn mới phải tổng thể- hệ thống- bài bản, tức không thể cục bộ, riêng lẻ dựa trên tầm nhìn mới và tư duy phát triển mới, chỉ thực sự bền vững khi dựa trên đổi mới hệ thốnng thể chế kinh tế quốc gia. “TPHCM phải đi đầu cải cách, tiến vượt thể chế là sứ mệnh quốc gia, mang lại lợi ích quốc gia chứ không chỉ riêng TPHCM. Phải chứng minh được TPHCM tiến vượt trước về thể chế, không phải phạm luật mà phải đổi mới, mang lại lợi ích phát triển cho Nhà nước, cho DN, cho người dân và cho cả nước”- ông Thiên nhấn mạnh
Cùng quan điểm, TS Huỳnh Thế Du, Giám đốc đào tạo Chương trình Fullbright cũng cho rằng, TPHCM luôn là TP số 1 của Việt Nam. Khi hỏi người dân Việt Nam muốn sống và làm việc ở đâu thì đa số câu trả lời vẫn là TPHCM. Tuy nhiên, ông Du cũng cho rằng, TPHCM luôn ở vị trí số 1 trong nước nhưng so với các TP trong khu vực thì luôn đứng chót bảng. TPHCM nằm ở vị trí thấp nhất trong bản đồ cạnh tranh khu vực với 12 TP trong khu vực- nhóm có thể xem là đối thủ cạnh tranh hay mục tiêu hướng đến với khoảng cách về trình độ phát triển, khả năng cạnh tranh cũng như môi trường sống vẫn còn rất xa. Mặc dù vậy, ông Du cũng cho rằng, TPHCM vẫn còn tiềm năng để đuổi kịp các TP khác trong vòng 2-3 thập kỷ tới nếu có mục tiêu và tầm nhìn vượt đại dương. TPHCM phải trở thành một đô thị phát triển vào năm 2045. Cụ thể là trở thành một tâm điểm trong khu vực và vươn tầm quốc tế với 2 tiêu chí: có sức cạnh tranh, đáng sống hay môi trường sống tốt.
Hạnh Nhung - Thuý Hải