(SGGPO).- Ngày 21-5, UBND TPHCM chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan chấn chỉnh tình trạng treo sổ hồng nhằm bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người mua nhà.
Hiện nay chủ đầu tư một số dự án trên địa bàn TPHCM “treo” giấy hồng (giấy chủ quyền nhà) của người dân mặc dù tiền đã được người dân thanh toán đầy đủ (vì chủ đầu tư đã thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (giấy đỏ) cho ngân hàng nên người dân không được cấp giấy hồng – PV), do đó, thành phố yêu cầu rà soát, thống kê toàn bộ các trường hợp người mua nhà đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với chủ đầu tư tại các dự án trên địa bàn thành phố nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (gọi chung là GCN).
Bên cạnh đó, thành phố cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và các đơn vị liên quan dự thảo văn bản để thành phố báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết cấp GCN cho người mua nhà ở hợp pháp đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với chủ đầu tư tại các dự án này. Thành phố cũng cho biết sẽ kiến nghị biện pháp chế tài nhằm chấn chỉnh, xử lý mối quan hệ giữa ngân hàng và chủ đầu tư trong trường hợp chủ đầu tư thế chấp GCN của người mua nhà cho ngân hàng; nâng cao trách nhiệm của ngân hàng trong việc theo dõi tiến độ sử dụng vốn vay của chủ đầu tư và đề ra giải pháp thu hồi nợ vay, không làm ảnh hưởng đến quyền lợi người mua nhà.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất thành phố, tại TPHCM có ít nhất 10 dự án với hàng ngàn trường hợp người dân bị rơi vào tình trạng “treo” giấy hồng. Trong đó có khoảng 4 dự án đang thế chấp giấy đỏ trong ngân hàng và chưa tiến hành giải chấp để lấy ra.
Được biết, trước đó, UBND thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chức năng vẫn cấp GCN cho người dân tại các dự án đã bị thế chấp giấy đỏ. Tuy nhiên, Sở Tư pháp cho rằng, khi các chủ đầu tư và ngân hàng đã xác lập giao dịch thế chấp để vay vốn ngân hàng và đăng ký theo quy định, bên thế chấp không được bán tài sản đang thế chấp; đồng thời bên nhận thế chấp có quyền xử lý tài sản này để thu hồi nợ. Do đó, nếu phần tài sản này được cơ quan nhà nước giải quyết cấp GCN cho người mua nhà, cá nhân đó có thể đi thế chấp vay vốn tại các ngân hàng khác thì sẽ ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của ngân hàng và ngân hàng có thể khởi kiện đối với cơ quan cấp GCN. Liên quan đến chỉ đạo này, đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, cơ quan này không thể giao giấy đỏ chủ đầu tư đang thế chấp để cho cơ quan nhà nước cấp GCN cho người dân vì đó là tài sản thế chấp của chủ đầu tư, nếu không có tài sản thế chấp thì không có ngân hàng nào dám cho vay bất động sản.
Nhung Nguyễn