80% - 90% cơ sở sản xuất, dịch vụ, thương mại trên địa bàn TPHCM có hệ thống xử lý môi trường đạt tiêu chuẩn và quy chuẩn Việt Nam về môi trường; có nơi lưu chứa chất thải và ký kết hợp đồng với đơn vị chuyên ngành thu gom, xử lý chất thải đúng quy định. Đó là mục tiêu mà TPHCM đặt ra nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường đến năm 2015.
Các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường tại phường Đông Hưng Thuận, quận 12, TPHCM sẽ phải di dời. Ảnh: CAO THĂNG
Đạt 35% thay vì 90%
Thống kê sơ bộ của Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho thấy, toàn thành phố hiện có 3.300 nguồn thải phát sinh từ các cơ sở sản xuất, thương mại, dịch vụ. Trong đó, có khoảng 2.100 nguồn thải lưu lượng từ 10 - 30m³/ngày, 450 nguồn thải lưu lượng từ 30 - 50m³/ngày và 750 nguồn thải lưu lượng từ 50m³/ngày trở lên. Theo mục tiêu đặt ra, đến năm 2015, có 90% cơ sở có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường tương đương khoảng 2.970 cơ sở. Hiện tại, thời hạn phải hoàn thành đã đến rất gần nhưng số lượng doanh nghiệp phải đạt tiêu chuẩn môi trường xem ra còn rất nhiều.
Ông Cao Tung Sơn, Phó chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết, cơ bản đã kiểm soát được các nguồn thải có lưu lượng từ 50m³/ngày đêm trở lên, đạt khoảng 80% (600/750 nguồn thải); lưu lượng từ 30 - 50m³/ngày, đạt khoảng 50% (225/450) và lưu lượng từ 10 - 30m³/ngày, đạt khoảng 30% (315/2100). Như vậy, tính đến nay có 35% cơ sở sản xuất, dịch vụ, thương mại trên địa bàn có hệ thống xử lý môi trường đạt quy chuẩn môi trường, tương đương 1.140/3.300 cơ sở.
Lý giải thực tế trên, về phía chuyên gia môi trường cho rằng, thời gian qua do các cơ quan chức năng chỉ mới tập trung ưu tiên kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm lớn. Vì vậy các nguồn ô nhiễm nhỏ với lưu lượng từ 10 - 30m³/ngày và dưới 10m³/ngày kiểm soát ít hoặc chưa kiểm soát. Việc kiểm soát ô nhiễm còn manh mún, chưa đồng bộ từ các ngành, các cấp. Các số liệu điều tra, thống kê, thanh tra chỉ là những số liệu thô, chưa được số hóa, cập nhật, dẫn đến tình trạng kiểm soát không đầy đủ, toàn diện hết các nguồn thải. Mặt khác, việc kiểm soát các nguồn thải dưới 10m³/ngày đang gặp khó do đây chủ yếu là nước thải sinh hoạt phát sinh từ các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, ăn uống; nước thải thường chỉ được xử lý sơ bộ qua song chắn rác, tách mỡ và qua bể tự hoại rồi xả vào nguồn tiếp nhận là cống thoát nước của thành phố.
Thống kê đầy đủ, xử lý dứt điểm
Để có thể đạt mục tiêu trên, theo các chuyên gia môi trường, cần phải xây dựng chương trình phần mềm nhằm cập nhật toàn diện, đồng bộ dữ liệu của các nguồn thải bao gồm sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ trên địa bàn. Trong đó định kỳ liên tục cập nhật sự biến động môi trường các cơ sở và lập kế hoạch thường xuyên kiểm soát các nguồn thải gây ô nhiễm và có nguy cơ gây ô nhiễm cao.
Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý thật nghiêm các trường hợp vi phạm về môi trường. Trong đó, áp dụng các biện pháp xử lý mạnh như tạm đình chỉ, niêm phong công đoạn sản xuất gây ô nhiễm. Đình chỉ sản xuất, buộc di dời đối với cơ sở tái phạm nhiều lần, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhằm ngăn chặn các cơ sở cố tình gây ô nhiễm môi trường và răn đe các cơ sở khác không dám vi phạm. Bên cạnh đó, thực hiện điều tra, kiểm soát và cập nhật toàn diện các nguồn thải có lưu lượng nước thải từ
10m³/ngày đêm trở lên, số hóa lên bản đồ GIS nhằm phục vụ cho công tác quản lý, giám sát thường xuyên các nguồn thải và kiểm soát các nguồn thải có nguy cơ gây ô nhiễm. Trường hợp các nguồn thải có lưu lượng nước thải trên 1.000m³/ngày đêm, bắt buộc lắp đặt hệ thống quan trắc tự động từ năm 2015 để kết nối vào hệ thống quan trắc, giám sát của thành phố.
Để bổ trợ cho hiệu quả xử lý những doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường trong thời gian tới, UBND TP đã chỉ đạo các quận huyện thống kê danh sách các doanh nghiệp đen đang hoạt động trên địa bàn thành phố. Đồng thời, giao Sở Công thương chủ trì việc di dời những doanh nghiệp này đến những địa điểm an toàn về môi trường. Những địa điểm này sẽ được đầu tư hạ tầng thu gom và xử lý chất thải. Trước hết, sẽ thực hiện di dời đợt một với 24 doanh nghiệp đang hoạt động gây ô nhiễm môi trường tại phường Đông Hưng Thuận, quận 12, TPHCM. Địa điểm mà các công ty này phải đến là Khu công nghiệp Đông Nam. Việc di dời thành công 24 doanh nghiệp này sẽ tạo cơ sở để thực hiện với các doanh nghiệp còn lại. Giải pháp này sẽ tháo gỡ nút thắt chủ chốt nhất về giải quyết thực trạng doanh nghiệp gây ô nhiễm trong suốt thời gian qua tại địa bàn thành phố.
Các chuyên gia môi trường nhận định, việc thực hiện được đồng bộ các giải pháp nêu trên, mục tiêu 80% - 90% cơ sở có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn sẽ thực hiện được.
Minh Xuân