Xác định lại mốc cao độ và dữ liệu nền
Tình trạng sụt lún nền đất tại TPHCM kéo dài với mức độ khá nghiêm trọng. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu tổng thể để xác định nguyên nhân và đề ra giải pháp cụ thể cho các vùng sụt lún, cũng như khuyến cáo về việc phát triển ở các khu vực này.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TPHCM, cho biết phương pháp quan trắc biến dạng mặt đất bằng kỹ thuật Insar vi phân có độ chính xác không cao, nên không thể dùng để xác định mức độ lún. Vì thế, sở đã kiến nghị Bộ TN-MT cho đo đạc kiểm tra, cung cấp các giá trị mốc cao độ mới và bộ dữ liệu nền địa lý tỷ lệ 1/2000, 1/5000, 1/10.000 khu vực TPHCM. Trên cơ sở kết quả kiểm tra mốc độ cao khu vực TPHCM do Bộ TN-MT cung cấp, sở đã xây dựng dự án “Xác định lại cao độ trên hệ thống mốc độ cao đã bị sụt lún trên địa bàn TPHCM”, với mục đích tăng dày các điểm mốc độ cao trên địa bàn thành phố. Sau khi UBND TPHCM phê duyệt thiết kế kỹ thuật - dự toán của dự án, sở sẽ chọn nhà thầu thiết kế, thi công. Về dữ liệu nền địa hình, do được Bộ TN-MT cung cấp từ năm 2006 nên đến nay đã lạc hậu, đòi hỏi cần phải được bổ sung các yếu tố địa hình, địa vật theo hiện trạng. Sở TN-MT đã lập lại báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án, trình UBND TP và đã được HĐND TPHCM thông qua; dự kiến sẽ hoàn thành bước chuẩn bị đầu tư trong năm 2017 và hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2018.
Hạn chế “rút ruột” nước ngầm
Theo PGS-TS Lê Văn Trung, Trường Đại học Bách Khoa TPHCM, chương trình quan trắc lún được thực hiện từ năm 2010 bằng phương pháp Insar vi phân (kết hợp sử dụng ảnh vệ tinh và số liệu từ 2 trạm quan trắc lún Bình Hưng và Tân Tạo), theo “đặt hàng” của Sở TN-MT. Nếu từ năm 2010 trở về trước, hiện tượng lún xuất hiện chủ yếu ở nội thành, thì từ năm 2010 về sau có sự dịch chuyển ra vùng ven và ngoại thành. Xu thế này tương quan với khả năng phủ kín mạng lưới cấp nước sạch của thành phố. “Thời gian trước, do thành phố chưa phủ kín mạng lưới cấp nước sạch ở nội thành, người dân khai thác nước ngầm tràn lan, làm hạ phễu nước ngầm, gây ra tình trạng lún đất. Nhưng thời gian gần đây, nguồn nước cấp đã phủ 100%, việc khai thác nước ngầm ở nội thành đã giảm, mực nước ngầm được bù lại, tốc độ lún vì thế cũng giảm. Ngược lại, ở vùng ven và ngoại thành vẫn còn hiện tượng khai thác nước ngầm để sử dụng cho mục đích sản xuất của các khu công nghiệp và nhu cầu nông nghiệp. Nền địa chất tiếp tục bị “rút ruột” nước ngầm, từ đó dẫn đến hiện tượng lún sụt mặt đất. Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác gây ra tình trạng lún, như hiện tượng xây dựng chất tải trên nền đất yếu…”, ông Trung diễn giải.
Kết quả khảo sát, đánh giá trữ lượng nước ngầm của Liên đoàn Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước miền Nam (Bộ TN-MT) cũng cho thấy mực nước ngầm tại TPHCM sụt giảm đáng kể. Chẳng hạn, đối với tầng chứa nước Pleistocen giữa - trên, mực nước giảm từ 0,9m - 13,45m; mức độ suy giảm mạnh nhất là tại quận 12 - lên tới 13,45m. Tầng chứa nước Pleistocen dưới, mực nước giảm từ 1,63m (huyện Cần Giờ) đến 10,03m (huyện Bình Chánh). Tầng chứa nước Pleistocen giữa, mực nước giảm từ 1,06m (huyện Cần Giờ) đến 8,85m (quận 12)… Trữ lượng khai thác hiện nay vào khoảng 680.000m3/ngày, gần chạm đến trữ lượng an toàn là khoảng 800.000m³/ngày.
PGS-TS Lê Văn Trung khuyến nghị, xây dựng thêm trạm quan trắc tại các phễu hạ tầng mực nước ngầm để thu thập thêm số liệu, tăng tính chính xác cho chương trình quan trắc. Trong chính sách phát triển đô thị cũng cần quy định các khu dân cư mới phải xây dựng và vận hành hệ thống giữ nước mưa, điều tiết nước thải, tránh xả thải vào lúc nước triều đang lên hay mưa lớn để không gây ngập và ô nhiễm nguồn nước. Động thái cần thực hiện đầu tiên và khẩn trương là xây dựng kế hoạch khai thác nước ngầm: vùng nào được phép khai thác, vùng nào phải hạn chế và vùng nào cần cấm hoàn toàn để mực nước ngầm dâng lên trở lại…
Đề xuất vùng cấm khai thác nước ngầm
Từ năm 2012, Liên đoàn Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước miền Nam, với vai trò tư vấn trong hợp đồng với Sở TN-MT, đã lập bản đồ phân vùng cấm và hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn TPHCM. Trong đó đề xuất: vùng cấm khai thác nước dưới đất gồm một phần của quận 1, quận 2, quận 3, quận 4, quận 5, quận 6, quận 7, quận 10, quận 11 và huyện Nhà Bè, tổng diện tích 195km2. Đây là vùng có mực nước ngầm hạ thấp lớn, đang khai thác với trữ lượng 148.000m3/ngày nên nguy cơ lún mặt đất xảy ra mạnh hơn các vùng khác, gần ranh mặn và có một bãi rác lớn. Nếu thực hiện cấm khai thác vùng này thì mực nước ngầm sẽ dâng lên và do đó tình trạng lún mặt đất, xâm nhập mặn, ô nhiễm sẽ giảm, đặc biệt là có thể đẩy ranh mặn ra xa, hoặc là giữ nguyên vị trí cũ. Từ năm 2020-2025, hạn chế xây dựng mới công trình khai thác nước dưới đất đối với các tầng chứa nước Pleistocen giữa - trên, Pleistocen dưới, Pliocen giữa và Pliocen dưới. Đến năm 2025 sẽ giảm lượng nước ngầm khai thác còn 100.000m3/ngày.