Nếu chỉ dựa vào tiêu chí thu nhập để đánh giá chuẩn nghèo thì chưa hợp lý. Bởi lẽ, khi nhìn dưới góc độ đa chiều, người nghèo gặp nhiều khó khăn để vươn lên thoát nghèo nhanh, bền vững, bởi họ không có tay nghề, không có khả năng chuyển đổi nghề, không vốn, không khả năng tiếp cận các dịch vụ công và họ phải sống trong môi trường ô nhiễm, thiếu an toàn. Vì vậy, việc đổi mới phương pháp tiếp cận đi kèm theo giải pháp giúp hộ nghèo từ đơn chiều sang đa chiều (công việc, nhà ở, y tế, giáo dục…) là một tất yếu khách quan, phù hợp với xu hướng phát triển chung của xã hội.
Vì sao phải giảm nghèo đa chiều?
Chị Đinh Thị Trang (44 tuổi, ngụ 320/3/11 Gò Dầu, quận Tân Phú) vừa thoát nghèo cho hay, chồng làm thợ hồ, còn chị may gia công. Thu nhập ít ỏi nên cháu bé thứ 3 đã 4 tuổi chưa được đi học mẫu giáo. Nhưng chị cũng chỉ cố gắng được hết năm nay, sang năm, cháu bé cần được ra lớp để còn vào lớp 1. Và chi phí cả triệu đồng mỗi tháng để gửi bé đang khiến chị lo lắng. Theo thạc sĩ Lê Văn Thành (Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM), dù được nhận học bổng, hộ nghèo vẫn phải chi rất nhiều khoản khác cho con em đến trường. Biết học vấn là chìa khóa có khả năng tạo cơ hội kiếm việc làm và tăng thêm thu nhập của hộ gia đình nhưng chi phí học vấn - chi phí mua cơ hội - là gánh nặng đối với người nghèo. Ít có điều kiện theo học lên cao, tình trạng nghèo truyền kiếp có nguy cơ nối dài.
Ông Nguyễn Văn Cảnh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Cần Giờ, nói: “Người nghèo chỉ biết làm thuê thôi. Tiếng là đất đai rộng rãi, song chỉ có 1/7 diện tích đất của huyện là người dân có thể nuôi trồng”. Ông Trần Văn Phương, Phó Bí thư Đảng ủy phường Long Phước (quận Thủ Đức), lo lắng: “Đất đai chẳng còn, số đất còn lại cũng không đủ trồng trọt chăn nuôi”. Trong khi thiếu việc làm tại chỗ và không còn đất đai sinh kế, người dân, đặc biệt là lao động đứng tuổi, lại không mặn mà học nghề để có việc làm phi nông nghiệp ổn định. Khoảng 50% người nghèo làm việc ở khu vực phi chính thức, không có bảo hiểm xã hội. 9 tháng đầu năm 2013, toàn TP chỉ đưa được 7 người nghèo đi làm việc ở nước ngoài.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, một hạn chế khác của người nghèo TP là vốn xã hội. Người nghèo thường sống trong những khu vực nghèo, có họ hàng nghèo, bạn bè nghèo, vì vậy khả năng có sự giúp đỡ bên ngoài ít. Khoảng 3/4 chủ hộ nghèo không tham gia hoạt động các đoàn thể, phản ánh mối quan hệ xã hội không rộng rãi của hộ nghèo. Hầu hết người nghèo sở hữu nhà của mình song kết cấu tạm bợ, nhỏ hẹp. “Nghèo ở TPHCM mới chỉ dựa trên duy nhất yếu tố thu nhập. Nếu các yếu tố phi tiền tệ (việc làm, nhà ở, y tế, giáo dục…) được xem xét một cách xác đáng trong đánh giá về tình trạng nghèo thì bức tranh nghèo ở TP có thể thay đổi một cách đáng kể. Sự thay đổi càng lớn hơn nếu TP tính đến những người tạm trú”, thạc sĩ Lê Văn Thành nhận xét.
Các chính sách bao phủ
Ông Trương Văn Lương, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Chương trình giảm nghèo - tăng hộ khá TPHCM cho biết, song song với nâng chuẩn nghèo (dự kiến 16 triệu đồng/người/năm), giai đoạn 2014 - 2015, TP bắt đầu thí điểm giảm nghèo đa chiều tại các quận 6, 11, Tân Phú và huyện Bình Chánh. Điều quan trọng trong thời gian tới, TP cần xây dựng phương pháp đo lường chuẩn nghèo đa chiều, cách đánh giá, giám sát vấn đề nghèo đa chiều. 4 quận, huyện trên sẽ rà soát danh sách hộ nghèo, cận nghèo về các mặt: thu nhập, việc làm, giáo dục, y tế, nhà ở, mối quan hệ xã hội…
Trên cơ sở đời sống và nhu cầu của người nghèo, cận nghèo, TP sẽ đánh giá toàn diện và quyết định chọn các chiều nghèo, chuẩn nghèo chung (giáo dục, y tế, nhà ở…) để chăm lo, bên cạnh chuẩn nghèo theo thu nhập. Từ năm 2016, công tác giảm nghèo đa chiều được nhân rộng trên toàn địa bàn TP. Theo ông Nguyễn Văn Xê, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, thời gian tới, TP tiếp tục tạo cơ hội để người nghèo, cận nghèo tổ chức sản xuất làm ăn thông qua các biện pháp hỗ trợ về cho vay vốn gắn với tư vấn hướng dẫn sản xuất kinh doanh; đào tạo nghề theo hướng chọn lọc các ngành nghề có hiệu quả, phù hợp với người nghèo. TP thúc đẩy hỗ trợ liên kết giữa hộ nghèo, cận nghèo với doanh nghiệp thông qua hoạt động cung cấp nguyên liệu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhằm tăng thu nhập có tích lũy cho người nghèo.
Sở LĐTB-XH TPHCM đề nghị Trung ương có chính sách miễn, giảm thuế hợp lý cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp có dự án hỗ trợ tạo việc làm cho người nghèo, hộ nghèo. Với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của hộ nghèo, đề nghị được miễn thuế 2 năm và giảm 50% cho từ 1-2 năm tiếp theo.
Tình hình tăng dân số cơ học ở TP đang phát sinh một bộ phận người nghèo nhập cư nhưng chương trình giảm nghèo TP chưa có điều kiện theo dõi quản lý và hỗ trợ trực tiếp, do chỗ ở không ổn định. Theo Cục Thống kê TPHCM, người tạm trú chi ít cho giáo dục và y tế nhưng lại tốn một phần lớn tiền cho việc thuê nhà và hơn 62% đang phải sống trong căn nhà chật chội. Đáng chú ý, người không hộ khẩu có khoảng cách lớn trong việc tham gia các tổ chức chính trị - xã hội và hoạt động xã hội. Điều này cho thấy, họ chưa được hòa nhập với cộng đồng xung quanh hoặc chưa được chú ý nhiều trong các hoạt động xã hội.
Theo Ban Chỉ đạo Chương trình Giảm nghèo, tăng hộ khá TPHCM, người nghèo tạm trú (KT3) từ 6 tháng trở lên theo quy định sẽ được đưa vào danh sách chăm lo của chương trình giảm nghèo. Tuy nhiên, thực tế các quận, huyện cho biết, gần như không có hoặc rất ít người diện KT3 được thụ hưởng các chính sách. Vì thế, trong chương trình Giảm nghèo, đa chiều, điểm nổi bật là TPHCM sẽ có các chính sách bao phủ cả diện tạm trú và người lao động ở khu vực phi chính thức, nhằm đảm bảo sự tiếp cận các dịch vụ cơ bản bình đẳng giữa các nhóm dân cư, góp phần giảm nghèo bền vững.
| |
ĐƯỜNG LOAN
- Bài 1: Còn nhiều việc phải làm