Hệ thống siêu thị tăng mãi lực
Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Nguyễn Huỳnh Trang vừa ký văn bản 1764 báo cáo UBND TP về diễn biến cung cầu hàng hóa thiết yếu và các giải pháp ứng phó khẩn cấp đối với dịch Covid-19. Theo đánh giá sơ bộ, tình hình hoạt động bán lẻ trong quý 1-2020 có xu hướng giảm so với cùng kỳ. Đến tháng 3-2020, dự ước mãi lực tiếp tục có xu hướng giảm nhẹ. Tính đến nay, mãi lực tại hệ thống chợ và trung tâm thương mại giảm khoảng 30%-40% so với ngày thường. Theo đó, người dân có xu hướng thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng lựa chọn các kênh mua sắm hiện đại thay vì kênh truyền thống, do được hỗ trợ nhiều tiện ích (giao hàng, thanh toán không dùng tiền mặt, dịch vụ cộng thêm…).
Mặt khác, do ảnh hưởng tâm lý bởi tình hình dịch bệnh, người dân có xu hướng sử dụng hình thức mua sắm trực tuyến để hạn chế nơi tiếp xúc, tập trung đông người theo khuyến cáo Bộ Y tế. Trong khi đó, hầu hết hệ thống siêu thị hoạt động theo phương thức đa kênh (Omni-channel) nên được hưởng lợi, tăng mãi lực so với cùng kỳ.
Trường hợp dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp hơn thì dự báo tình hình hoạt động kinh doanh của các hệ thống phân phối trong quý 3 và quý 4-2020 tiếp tục gặp khó khăn, trong đó tiểu thương, thương nhân, đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ là những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Không lo thiếu hàng hóa thiết yếu
Để đảm bảo cung - cầu hàng hóa và xây dựng kế hoạch ứng phó khẩn cấp đối với dịch bệnh, Sở Công thương đã tổ chức nhiều buổi làm việc và đi kiểm tra thực tế tại các doanh nghiệp (DN) chủ lực của TP để nắm chắc nguồn hàng. Đối với nhóm hàng lương thực như gạo, các sản phẩm chế biến từ gạo, mì gói, các DN đã quyết định cắt các đơn hàng xuất khẩu để dồn sức cho thị trường nội địa. Ông Trần Ngọc Trung, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Vinh Phát, một trong những đơn vị chủ lực cung ứng mặt hàng gạo cho hay, ngoài 50.000 tấn gạo xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, công ty đã chuẩn bị một sản lượng khá lớn nguyên liệu để đảm bảo cung ứng đầy đủ từ nay đến cuối năm. Nếu không có biến động quá lớn về giá trong nước và thế giới, Vinh Phát sẽ tiếp tục giữ giá bán như hiện nay.
Ở nhóm các mặt hàng thịt gia súc, thịt và trứng gia cầm, các DN cũng khẳng định nguồn cung rất dồi dào, phong phú, giá bán tiếp tục ổn định. Bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty Ba Huân, cho biết, công ty đang phát triển rất bền vững từ nguyên liệu cho tới đầu ra. Hiện mặt hàng thực phẩm chế biến từ thịt gia cầm của Ba Huân đã tăng 100%, đang thực hiện sản xuất 2-3 ca/ngày. Riêng trứng gia cầm, công ty cam kết cung ứng đầy đủ, tăng độ phủ trên diện rộng và giảm giá bán để kích cầu tiêu dùng. Tương tự, Công ty San Hà cũng cho rằng giá thịt gia cầm các loại tiếp tục ổn định đến hết năm 2020 nhờ nguồn cung rất dồi dào, phong phú. Công ty Vissan cũng đang đẩy nhanh tiến độ sản xuất lên 3 ca/ngày, đồng thời chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu cho sản xuất và chế biến đến hết năm 2020.
Tại các DN phân phối cũng đã dự trữ lượng hàng tăng 30%-40% so với cùng kỳ, giá bán tiếp tục ổn định. Để chủ động công tác dự báo tình hình thị trường, tổ chức sản xuất, dự trữ hàng hóa ứng phó khẩn cấp với dịch Covid -19, Sở Công thương TPHCM đã đưa ra nhiều tình huống. Tình huống 1, dịch bệnh diễn biến phức tạp trên thế giới, có nguy cơ xuất hiện trường hợp nhiễm mới trên địa bàn TP, sở bám sát diễn biến thị trường, sẵn sàng phối hợp, điều phối các đơn vị, DN bình ổn thị trường (BOTT), hệ thống phân phối đảm bảo cung ứng hàng hóa kịp thời, đầy đủ, liên tục. Theo đó, các DN sẽ chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa vượt 30%-40% so với ngày thường; sẵn sàng cung ứng kịp thời đến điểm bán BOTT, các hệ thống phân phối. Chuẩn bị nguyên vật liệu, sẵn sàng nâng khả năng cung ứng nguồn hàng tăng 50%-100% trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn.
Tình huống 2, dịch bệnh diễn biến phức tạp trên thế giới, tiếp tục xuất hiện trường hợp mắc Covid-19 trên địa bàn TP, sẽ huy động nguồn lực toàn xã hội, trình UBND TP quyết định phương án hỗ trợ về vốn, chính sách để DN dự trữ nguồn hàng, nguyên vật liệu tại chỗ; đảm bảo hoạt động sản xuất, cung ứng hàng hóa liên tục, không gián đoạn, kể cả trong tình huống dịch bệnh lan rộng, nhiều khu vực bị cách ly. Các DN tiếp tục giải pháp đã thực hiện trong tình huống 1. Chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa vượt 50%-100% so với ngày thường.
Tình huống 3, dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, sở sẽ tiếp tục thực hiện tình huống 1 và 2, căn cứ quy định pháp luật, tình hình diễn biến dịch bệnh; xem xét trình UBND TP quyết định các chính sách huy động và phân phối nguồn hàng theo cơ chế đặc thù, đối phó khẩn cấp với dịch bệnh. Các DN BOTT, hệ thống phân phối và DN tiếp tục các giải pháp đã thực hiện trong tình huống 1, tình huống 2. Tiếp tục phát huy tinh thần cộng đồng, chủ động, nghiêm túc phối hợp Sở Công thương các giải pháp ổn định thị trường, cung ứng hàng hóa kịp thời, không gián đoạn.
Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, trong cả 3 tình huống trên thì thành phố luôn chú trọng phương án bán hàng online, phát huy kênh phân phối thương mại điện tử, nhằm đưa hàng hóa hiệu quả đến tay người tiêu dùng. Để triển khai tốt, bà Nguyễn Huỳnh Trang yêu cầu các DN, các hệ thống phân phối tiếp tục cập nhật tất cả các sản phẩm, thông tin minh bạch về thành phần chất lượng và giá bán lên trang web của mình; tăng cường bán hàng qua điện thoại cũng như qua nhiều hình thức khác để kéo giảm lượng khách đến siêu thị, tránh tình trạng bị lây nhiễm. Nếu các DN tổ chức tốt việc bán hàng online, ngay sau đợt dịch, các DN sẽ có được một lượng khách hàng trung thành, tạo tiền đề để phát triển thương mại điện tử.
“Ngành công thương TP đang tổ chức đồng loạt nhiều giải pháp để giám sát chặt chẽ việc cung ứng các mặt hàng thiết yếu, đồng thời trình UBND TP kế hoạch triển khai Chương trình bình ổn thị trường năm 2020 trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Cùng đó, xây dựng và triển khai kế hoạch cung cấp thực phẩm phục vụ công tác phòng chống dịch trên địa bàn; trình UBND TP về việc cung cấp khẩu trang vải kháng khuẩn không thu phí phục vụ phòng chống dịch Covid-19… |