TPHCM đẩy mạnh phát triển du lịch đường thủy

Mục tiêu có ít nhất từ 5 đến 10 sản phẩm du lịch đường thủy mới, thường kỳ và có hơn 20 phương tiện vận chuyển đường thủy phục vụ khách du lịch. Lượng khách du lịch bằng đường thủy đến TPHCM tăng từ 10% - 12% so với cùng kỳ.

Nhằm phát triển sản phẩm du lịch đường thủy đến năm 2025, thời gian tới, UBND TPHCM tập trung xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, cầu tàu, bến bãi, phương tiện vận chuyển nhằm nâng cao năng lực tiếp cận và khả năng phục vụ khách du lịch đường thủy; tăng cường kết nối với các hoạt động của doanh nghiệp, cộng đồng xã hội... nâng cao số lượng, chất lượng và đa dạng hóa các loại phương tiện thủy vận chuyển khách du lịch, đội ngũ thuyền viên phục vụ phát triển du lịch trong tình hình mới.

Dilich song.jpeg
TPHCM phát triển 5 đến 10 sản phẩm du lịch đường thủy. Ảnh: QUỐC HÙNG

Theo đó, mục tiêu có ít nhất từ 5 đến 10 sản phẩm du lịch đường thủy mới, thường kỳ và có hơn 20 phương tiện vận chuyển đường thủy phục vụ khách du lịch. Lượng khách du lịch bằng đường thủy đến TPHCM tăng từ 10%-12% so với cùng kỳ. Đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường tại các tuyến điểm du lịch đường thủy, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp yên tâm, ổn định để hưởng thụ và kinh doanh sản phẩm du lịch. Vận động doanh nghiệp đầu tư thêm nhiều loại hình phương tiện thủy (du thuyền, tàu nhà hàng, tàu lưu trú...) và đầu tư dự án "Thuyền cà phê" trên các tuyến đường thủy phục vụ nhu cầu của người dân, du khách để tạo sự đa dạng, phong phú cho sản phẩm du lịch.

Thanh đa.jpeg
TPHCM đưa vào khai thác hàng chục tuyến du lịch đường sông. Ảnh: QUỐC HÙNG

Các tuyến du lịch đường thủy xuất phát từ bến tàu Ngôi Sao Việt (quận 7) đến huyện Nhà Bè; tuyến từ bến tàu Bạch Đằng (quận 1) đi bán đảo Bình Quới - Thanh Đa, bến tàu Tam Sơn (quận Bình Thạnh); bến tàu Bình Khánh gắn với Làng nghệ sĩ Hàm Long, Khu đô thị Vạn Phúc (TP Thủ Đức); tuyến bến tàu Bạch Đằng (quận 1) đến quận 4, 5, 6, 8 (hướng tuyến từ bến Bạch Đằng - sông Sài Gòn - kênh Tẻ - kênh Tàu Hũ đến bến Bình Đông hoặc tiếp tục theo kênh Đôi - Đình Bình Đông - chợ đầu mối Bình Điền), kết hợp xe điện đi khu phố thuốc bắc Hải Thượng Lãn Ông, chợ vải Soái Kình Lâm, Chợ Lớn... các Hội quán người Hoa; tuyến huyện Nhà Bè (hướng tuyến từ bến tàu Phước Khánh - sông Soài Rạp...). Phát triển tuyến từ bến tàu Ngôi Sao Việt (quận 7) đi huyện Cần Giờ gắn du lịch biển; tuyến từ bến tàu Bạch Đằng (quận 1) đi huyện Cần Giờ và huyện Củ Chi; tuyến từ bến tàu Phước Khánh (huyện Nhà Bè) đến huyện Cần Giờ, liên tuyến đến huyện Cần Giuộc (Long An); tuyến từ bến tàu Ngôi Sao Việt (quận 7) đi huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), có thể liên tuyến đến Bình Dương (Cù lao Thạnh Hội (Cù lao Rùa), Cù lao Bạch Đằng).

dlich đường song.jpeg
Kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển đa dạng phương tiện tàu du lịch đường thủy. Ảnh: QUỐC HÙNG

Song song đó, phát triển các tuyến du lịch đường thủy tầm xa như TPHCM - Bình Dương - Tây Ninh phục vụ khách vãng lai (du lịch tham quan, giải trí…); tuyến TPHCM - Đồng Nai - Bình Dương phục vụ nhu cầu giải trí, thể thao của khách (du lịch golf...); tuyến TPHCM - Côn Đảo (Bà Rịa, Vũng Tàu) du lịch biển, nghỉ dưỡng, tâm linh, về nguồn; TPHCM đến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang đến Campuchia và ngược lại.

Tin cùng chuyên mục