TPHCM: Hàng loạt khu công nghiệp gây ô nhiễm môi trường

Theo tin từ Thanh tra Sở TN-MT TPHCM, hiện nay có hàng loạt khu công nghiệp (KCN) xả thải gây ô nhiễm môi trường. Nhưng chuyện xử lý cũng chỉ dừng ở mức phạt tiền. Còn những hình thức phạt bổ sung có tính chất răn đe hơn như buộc tạm ngưng hoạt động, rút giấy phép đầu tư hoặc truy tố hình sự rất khó áp dụng.
TPHCM: Hàng loạt khu công nghiệp gây ô nhiễm môi trường

Theo tin từ Thanh tra Sở TN-MT TPHCM, hiện nay có hàng loạt khu công nghiệp (KCN) xả thải gây ô nhiễm môi trường. Nhưng chuyện xử lý cũng chỉ dừng ở mức phạt tiền. Còn những hình thức phạt bổ sung có tính chất răn đe hơn như buộc tạm ngưng hoạt động, rút giấy phép đầu tư hoặc truy tố hình sự rất khó áp dụng.

  • Kiểm tra đến đâu, vi phạm đến đó

KCN Cát Lái 2 do Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 2 làm chủ đầu tư là một điển hình. Đơn vị này đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung (HTXLNTTT) với công suất 600m³/ngày đêm, nhưng kết quả kiểm tra vừa qua cho thấy nước thải sau xử lý chưa đạt yêu cầu. KCN Hiệp Phước do Công ty cổ phần KCN Hiệp Phước làm chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng cũng đưa vào vận hành HTXLNTTT 3.000 m³/ngày đêm nhưng nước thải sau xử lý vẫn vượt quy chuẩn 1,8 – hơn 3 lần.

Tương tự, KCN Tân Tạo (do Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo làm chủ đầu tư), KCN Tân Thới Hiệp (do Công ty TNHH Xây dựng kinh doanh cơ sở hạ tầng), KCN Tây Bắc Củ Chi (do Công ty CP Đầu tư phát triển Công nghiệp - Thương mại Củ Chi làm chủ đầu tư) và KCN Bình Chiểu (do Tổng Công ty Bến Thành làm chủ đầu tư) cũng liên tục bị phát hiện nước thải sau xử lý đều vượt quy chuẩn cho phép 1 - 7 lần. Điều đáng nói, các đơn vị nêu trên có lưu lượng nước xả thải rất lớn, trên 1.000 m³/ngày đêm nên nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước rất cao.

Đại diện thanh tra sở cho biết, tổng mức phạt tiền các KCN trên là 330 triệu đồng. Trong đó, KCN Hiệp Phước, Cát lái 2 và Bình Chiểu cùng bị mức phạt cao nhất: 75 triệu đồng. Các KCN còn lại đồng bị phạt 35 triệu đồng/đơn vị. Ngoài ra, mức phạt bổ sung áp dụng cho các KCN là trong vòng 30 ngày phải khắc phục hành vi xả thải không đạt quy chuẩn của mình.

Dòng nước kênh đen ngòm sau xử lý tại KCN Tân Tạo. Ảnh: Thành Tâm.

Dòng nước kênh đen ngòm sau xử lý tại KCN Tân Tạo. Ảnh: Thành Tâm.

  • Phạt tiền cao mấy cũng... vẫn lời

Liên quan đến việc làm thế nào để xử lý triệt để những KCN xả thải không đạt quy chuẩn cho phép, bà Nguyễn Thị Dụ, Chánh Thanh tra Sở TN-MT, cho biết rất khó áp dụng biện pháp phạt bổ sung như buộc tạm ngưng hoạt động hoặc rút giấy phép đầu tư. Vì hoạt động của KCN còn liên quan đến hàng trăm, hàng ngàn doanh nghiệp (DN) khác đang hoạt động trong KCN.

Trên thực tế, mỗi KCN được quy định một mức xả thải nhất định. Theo đó, tùy theo khu vực xả thải mà nước thải sau xử lý của KCN phải đạt quy chuẩn loại A hay loại B. Dựa trên mức quy định đó, mỗi DN trong khu sẽ xử lý cục bộ nước thải của mình thấp hơn một cấp, rồi mới chuyển đến HTXLNTTT để xử lý thêm bước nữa trước khi thải ra môi trường. Phần xử lý bước tiếp theo này, DN phải trả tiền cho chủ đầu tư hạ tầng. Đơn cử như tại KCN Hiệp Phước, DN phải xử lý nước thải cục bộ đạt loại C trước khi chuyển về HTXLNTTT để xử lý thêm một bước sang loại B. Mức chi phí mà DN phải trả cho chủ đầu tư hạ tầng tùy theo ngành nghề khoảng 0,1 - 0,3USD/m³ nước thải. Hình thức này cũng được áp dụng tại các khu chế xuất (KCX), KCN còn lại, khoảng 4.000 - 7.000 đồng/m³ nước thải. Trường hợp DN xử lý không đạt yêu cầu sẽ bị chủ đầu tư phạt thêm tiền. Vậy câu hỏi đặt ra là khi chủ đầu tư hạ tầng vi phạm môi trường, các DN có được quyền truy thu lại tiền mình đã đóng hoặc ít ra không phải đóng tiền phạt khi vi phạm quy chuẩn xả thải đã thương lượng giữa DN với chủ đầu tư hạ tầng?

Cũng phải nói thêm rằng, hiện hình thức phạt đối với chủ đầu tư còn nhẹ hơn nhiều so với DN. Trong khi đó, đây lại là những đơn vị có mức độ vi phạm rất nặng. Mặt khác, với những DN đơn lẻ, nếu tái vi phạm với mức độ nghiêm trọng, ngoài việc bị phạt tiền với mức tối đa 500 triệu đồng/hành vi, họ còn có nguy cơ đối mặt với hình thức phạt bổ sung là buộc tạm ngưng hoạt động, rút giấy phép đầu tư, thậm chí bị truy tố hình sự. Còn với chủ đầu tư hạ tầng, cao lắm cũng chỉ bị phạt tiền, mà mức phạt tiền có cao mấy, họ vẫn lời nhờ thu lại được từ các DN trong khu.

ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở TN-MT, khẳng định, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của TPHCM từ nay đến hết 2015 là buộc 15 KCX, KCN phải đầu tư và vận hành hệ thống xử lý nước thải. Toàn bộ nước thải sau xử lý phải đạt tiêu chuẩn môi trường. Hiện 15 KCN, KCX và Khu Công nghệ cao của thành phố đã hoàn tất việc xây dựng và vận hành HTXLNTTT. Vấn đề còn lại là sở sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý những đơn vị vi phạm môi trường. Đồng thời, triển khai lắp đặt trạm quan trắc tự động nước thải tại các KCN. Trước mắt, sẽ lắp đặt cho KCX Tân Thuận và Khu Công nghệ cao, kế đến ứng dụng cho những KCN, KCX còn lại. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần xem xét thêm việc áp dụng hình thức phạt bổ sung hoặc tình tiết tăng nặng mức phạt. Có như vậy mới đủ sức răn đe chủ đầu tư hạ tầng cố tình vi phạm môi trường.

MINH XUÂN

Tin cùng chuyên mục