TPHCM họp mặt cơ quan báo chí mừng Đảng - mừng Xuân Quý Mão

Thông qua công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động báo chí, xuất bản năm 2022, Ban Tuyên giáo Thành ủy đánh giá, báo chí có nhiều bài viết đề xuất, hiến kế những giải pháp phục hồi kinh tế và phát triển thành phố, đất nước mang tính khả thi, với tinh thần trách nhiệm cao.

Sáng 7-2, Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức họp mặt lãnh đạo, biên tập viên, phóng viên tiêu biểu các cơ quan báo chí, xuất bản mừng Đảng - mừng Xuân Quý Mão 2023.

Các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Trần Kim Yến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, chủ trì buổi họp mặt.

Họp mặt cơ quan báo chí mừng Đảng - mừng Xuân Quý Mão. Ảnh: VIỆT DŨNG

Họp mặt cơ quan báo chí mừng Đảng - mừng Xuân Quý Mão. Ảnh: VIỆT DŨNG

Trăn trở chuyển mình trong chuyển đổi số

Tại buổi họp mặt, chuyển đổi số báo chí là chủ đề được đại diện nhiều cơ quan báo chí nêu lên, khẳng định đây là xu thế không thể đảo ngược của thời đại. Nhà báo Cao Anh Minh, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình TPHCM (HTV) mong muốn có hành lang pháp lý về chuyển đổi số, cho phép các cơ quan báo chí thúc đẩy xã hội hóa, hợp tác liên danh liên kết để thu hút nguồn lực xã hội đầu tư vào chuyển đổi số, để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nhanh hơn và đảm bảo cơ chế tài chính cho cơ quan báo chí.

Trong khi đó, Giám đốc Nhà xuất bản (NXB) Tổng hợp TPHCM Đinh Thị Thanh Thủy cho hay, trong bối cảnh sách điện tử đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới và nhiều công ty chuyên kinh doanh sản phẩm này hoạt động tốt thì các nhà xuất bản lại vướng về nhân lực, về công nghệ thông tin và bị lạc hậu hạ tầng công nghệ; nguyên do là các NXB thiếu vốn để đầu tư nhân lực và nền tảng công nghệ hiện đại. Giám đốc NXB Tổng hợp TPHCM mong muốn Thành ủy TPHCM ủng hộ, có hướng hỗ trợ nguồn kinh phí để thực hiện Dự án nâng cấp và phát triển hệ thống xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử của NXB Tổng hợp.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ cùng với lãnh đạo và phóng viên Báo SGGP. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ cùng với lãnh đạo và phóng viên Báo SGGP. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Đề cập sự sụt giảm nghiêm trọng của doanh thu quảng cáo trên báo in, nhà báo Lê Thế Chữ, Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ nêu một số giải pháp mà báo đã thực hiện để vượt qua khó khăn này. Cụ thể, quảng cáo trên báo in năm 2022 đã giảm 25% so với năm 2021. Nhờ sự chuyển mình, năm 2022, doanh thu báo Tuổi Trẻ tăng 10%. Nguồn thu này phần lớn đến từ các sản phẩm kỹ thuật số và các sự kiện truyền thông.

Về mảng kỹ thuật số, Báo Tuổi Trẻ đã có chương trình chuyển đổi số và tầm nhìn dài hạn, xác định chủ lực là Tuổi Trẻ Online, hiện báo có khoảng 10 triệu user đăng ký sử dụng trên các nền tảng mạng xã hội. Báo cũng tập trung rất nhiều cho tổ chức truyền thông sự kiện, thể hiện tâm huyết, trách nhiệm, tình cảm với sự phát triển của thành phố, như: Diễn đàn về hiến kế phát triển sông Sài Gòn; TPHCM vươn tầm quốc tế; đầu tư xây dựng đường Vành đai 3…

Nhà báo Lê Thế Chữ nhắc lại những kiến nghị trước đây, như cơ chế vay vốn ưu đãi để báo có thể tập trung cho chuyển đổi số; mong muốn TPHCM tiếp tục tăng cường cơ chế đặt hàng với báo chí những vấn đề lớn, trọng tâm của thành phố. Trong đó, Nghị quyết 31 có rất nhiều vấn đề mà thành phố có thể đặt hàng cho các cơ quan, như chính quyền đô thị, liên kết vùng, trung tâm tài chính, phát triển hạ tầng...

Các đồng chí lãnh đạo TPHCM chụp hình cùng đội ngũ phóng viên báo đài. Ảnh: VIỆT DŨNG

Các đồng chí lãnh đạo TPHCM chụp hình cùng đội ngũ phóng viên báo đài. Ảnh: VIỆT DŨNG

Liên quan vấn đề truyền thông chính sách, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình TPHCM Cao Anh Minh đề nghị các cơ quan chức năng có hành lang pháp lý để các cơ quan báo chí tiếp cận các nguồn dữ liệu chung của thành phố. Việc này nhằm kịp thời nắm bắt các chủ trương chính sách, chỉ đạo điều hành của Thành ủy, HĐND, UBND, sở ngành, quận huyện… để từ đó có kế hoạch truyền thông chính sách chiến lược cho thành phố và các đơn vị. Giám đốc Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TPHCM Từ Lương cũng đề cập vai trò của công tác này và góp ý để truyền thông chính sách đạt hiệu quả hơn.

Báo chí vẫn đang chạy theo mạng xã hội

Trước đó, thông tin tại buổi họp mặt, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Lê Hồng Sơn cho biết, dưới sự chỉ đạo trực tiếp và thường xuyên của Thường trực Thành ủy, Ban Tuyên giáo Thành ủy, hoạt động báo chí thành phố năm 2022 có nhiều khởi sắc.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Lê Hồng Sơn thông tin tại buổi họp mặt. Ảnh: VIỆT DŨNG

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Lê Hồng Sơn thông tin tại buổi họp mặt. Ảnh: VIỆT DŨNG

Báo chí thành phố tiếp tục thông tin đậm nét, đầy đủ, kịp thời các hoạt động, chỉ đạo của lãnh đạo Thành ủy, UBND TPHCM, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế thành phố cũng như ghi nhận nỗ lực của các cấp chính quyền, tổ chức, đoàn thể trong công tác phòng chống dịch bệnh. Nhiều tin bài tuyên truyền, thông tin về sự cần thiết, quá trình chuẩn bị dự án đường Vành đai 3 TPHCM, về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội, về xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên địa bàn thành phố...

Báo chí thành phố tiếp tục xây dựng các tuyến bài tuyên truyền về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Đồng thời, tổ chức nhiều loạt bài tuyên truyền việc tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị. Trong đó, báo chí nêu rõ vai trò của chính quyền thành phố quyết tâm đổi mới phương pháp làm việc của cơ quan hành chính nhà nước theo tinh thần phục vụ, góp phần tham gia sâu hơn vào việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách cho thành phố.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên trao đổi cùng Tổng Biên tập Báo SGGP Tăng Hữu Phong. Ảnh: VIỆT DŨNG

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên trao đổi cùng Tổng Biên tập Báo SGGP Tăng Hữu Phong. Ảnh: VIỆT DŨNG

Các cơ quan báo chí tổ chức tuyến tin, bài, diễn đàn tham gia đánh giá kết quả thực hiện các nghị quyết của Trung ương dành cho TPHCM; làm rõ các cơ sở để thành phố tiếp tục đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù trong thời gian tới để phát triển TPHCM “vì cả nước, cùng cả nước”. Đồng thời, nhanh chóng tổ chức các tuyến tin, bài về thực hiện Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thông qua công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động báo chí, xuất bản năm 2022, Ban Tuyên giáo Thành ủy đánh giá, báo chí có nhiều bài viết đề xuất, hiến kế những giải pháp phục hồi kinh tế và phát triển thành phố, đất nước mang tính khả thi với tinh thần trách nhiệm cao. Các ấn phẩm Xuân Quý Mão, ban biên tập các báo, tạp chí thực hiện công phu, bài vở đặc sắc, hình ảnh đẹp, trình bày bắt mắt với những bài viết chuyên sâu phân tích tình hình thời sự, vấn đề “nóng” trong nước và quốc tế được đông đảo người dân quan tâm.

Dù vậy, đồng chí Lê Hồng Sơn cho rằng, số bài viết về thành tựu trong công tác xây dựng Đảng trên báo chí thành phố còn ít. Vẫn còn tình trạng cơ quan báo chí có biểu hiện “chạy” theo mạng xã hội, khai thác quá đà thông tin, đặt tít câu view, sử dụng thông tin và hình ảnh chưa phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục Việt Nam. Một số cơ quan báo chí chưa thực hiện nghiêm chỉ đạo, định hướng về thông tin của các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí gây tác động tiêu cực trong dư luận.

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê chụp hình cùng đội ngũ phóng viên báo đài. Ảnh: VIỆT DŨNG

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê chụp hình cùng đội ngũ phóng viên báo đài. Ảnh: VIỆT DŨNG

Xuất bản phẩm điện tử phát triển còn chậm do khả năng ứng dụng công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Hoạt động xuất bản, in và phát hành chưa có bước phát triển mang tính đột phá…

TPHCM đặt ra 7 giải pháp trọng tâm nhằm cải thiện tình hình báo chí, xuất bản trên địa bàn thành phố. Trong đó, tăng cường phối hợp thực hiện công tác lãnh đạo, quản lý; đẩy mạnh chuyển đổi số. Cùng với đó, tạo cơ chế để cơ quan báo chí, xuất bản có điều kiện nâng cấp, kiện toàn cơ sở vật chất; các cơ quan báo chí, xuất bản phải đảm bảo tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về báo chí, xuất bản. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan báo chí về mọi hoạt động của cơ quan báo chí trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn, nhất là việc chấn chỉnh các sai phạm của cơ quan, phóng viên báo chí.

Nhà báo Phạm Hoài Nam, phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng, nhiều lần đoạt giải Búa Liềm Vàng, tâm huyết với mảng đề tài khó là bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Theo nhà báo Phạm Hoài Nam, cần phải có quá trình nhận diện đúng bản chất, ý đồ của các thế lực thù địch hiện nay. Để đấu tranh, phải có bài viết của các chuyên gia am tường lĩnh vực, có thực tiễn, đưa lên mạng xã hội để người dân tiếp cận. Cùng với đó là bài viết của phóng viên, phối hợp với thông tin của các cơ quan chức năng, một cách dễ hiểu, dễ nhận diện. Nhà báo Phạm Hoài Nam cũng đề xuất cần tập huấn ngắn ngày và thường xuyên cho các phóng viên chính trị - xã hội có kinh nghiệm ở các cơ quan báo chí, phối hợp chặt chẽ giữa báo chí với cơ quan chuyên ngành và các tổ chức chính trị - xã hội về lĩnh vực này.

Tin cùng chuyên mục