Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) được UBND TPHCM giao trọng trách đầu tư nguồn nước và cung cấp nước máy cho sinh hoạt của người dân và phục vụ sản xuất - kinh doanh của các thành phần kinh tế đang hoạt động ở TP.
Có được lượng nước máy hiện nay (trên 1,6 triệu m³/ngày đêm, với 94% nước từ sông rạch, 6% nước ngầm) đáp ứng 70% nước sinh hoạt, 30% nhu cầu sản xuất, dịch vụ ở TPHCM là nhờ sự nỗ lực đầu tư tích cực của Sawaco dưới nhiều hình thức từ vốn ngoài ngân sách với hiệu quả cao và được các đối tác trong và ngoài nước tin tưởng. Đến đầu năm 2012 có hơn 90% trong tổng số hộ dân ở TP có nước máy sử dụng cũng cho thấy sự cố gắng của Sawaco.
Dù vậy, trong chiến lược phát triển, ngành cấp nước đang đứng trước những thách thức về quản lý chất lượng nguồn nước vì tác động của biến đổi khí hậu, nguy cơ về ô nhiễm sông rạch. Sawaco đã cho xúc tiến nghiên cứu và đầu tư nhiều dự án, trong đó có dự án xử lý bùn cho các nhà máy đang vận hành cấp nước ở TPHCM. Theo quy trình xử lý thành nước máy sử dụng cho sinh hoạt, nước sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và nguồn nước khác phải qua công đoạn lắng lọc. Cặn lớn lắng tại hồ lắng, cặn nhỏ tiếp tục đi qua hồ lọc cũng bị lắng lại tại hồ lọc. Bùn lắng ở hồ lắng đó trong thời gian 42-48 giờ xả bùn tại hồ lọc ra suối Cái. Một lượng bùn xả ra như vậy sẽ gây thêm ô nhiễm cho sông rạch nên cần có dự án xử lý bùn lắng này.
Với ý nghĩa đó, Sawaco thuê Công ty tư vấn CDM (Mỹ) nghiên cứu và lập xong dự án xử lý bùn từ tháng 6-2011, nhưng do chưa xác định nguồn vốn đầu tư nên dự án chưa được thông qua. Sau đó, nhờ sự hỗ trợ của Công ty Balteau Bam (Bỉ), Chính phủ Bỉ đồng ý cho vay 13,6 triệu EUR với lãi suất bằng không để đầu tư thiết bị ban đầu cho dự án này.
Theo Sawaco, giai đoạn 1 của dự án từ nay đến năm 2017 với tổng mức đầu tư 45 triệu USD, trong đó có 13,6 triệu EUR của Chính phủ Bỉ và từ nguồn vốn ODA của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng như vốn đối ứng của TP. Giai đoạn 2 của dự án từ năm 2022 đến 2024 với tổng vốn đầu tư 4 triệu USD. Hiện nay UBND TPHCM đã phê chuẩn dự án và giao cho quận Thủ Đức đo đạc, giải phóng mặt bằng xây dựng khu và đường dẫn vào khu xử lý bùn.
Ông Trần Đình Phú, Tổng giám đốc Sawaco, cho biết, theo pháp luật bảo vệ môi trường hiện hành thì không cho phép xả nước thải chưa được xử lý vào sông rạch nên kỹ thuật và quy trình xử lý bùn rất nghiêm ngặt, đòi hỏi phải có những thiết bị, máy móc phù hợp và công nghệ hiện đại làm sao tách lượng bùn ra khỏi nước đúng yêu cầu. Sau đó có thể đưa nước trở lại quy trình xử lý thành nước máy.
Ông Marc Hurbendy, Giám đốc Công ty Balteau Bam, cho rằng, dĩ nhiên công nghệ xử lý bùn sẽ tạo ra quá trình lắng lọc bằng băng tải, xử lý tách bùn ra khỏi nước thế nào để giảm chi phí vận chuyển và chôn lấp mà vẫn bảo đảm các tiêu chí về môi trường. Với kinh nghiệm xử lý bùn của một số dự án ở TPHCM thời gian qua và với nguồn vốn vay hiện nay, Công ty Balteau Bam tin rằng Sawaco sẽ thực hiện thành công dự án xử lý bùn, trước mắt là ở Nhà máy nước Thủ Đức, để nâng cao chất lượng nước máy và góp phần bảo vệ môi trường sông rạch của TPHCM.
NGỌC XUÂN