Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD-ĐT) cho biết, phương pháp Reggio Emilia đã được triển khai thực hiện ở 140 quốc gia trên thế giới. Những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm hỗ trợ các cơ sở giáo dục mầm non tiếp cận các mô hình tiên tiến trên thế giới, phù hợp với điều kiện nhà trường và khả năng, nhu cầu của trẻ, qua đó nâng cao chất lượng giáo dục mầm non và tăng cường hội nhập quốc tế.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non đánh giá, phương pháp giáo dục Reggio Emilia là hướng tiếp cận tiến bộ, sáng tạo, phù hợp với điều kiện giáo dục Việt Nam, đặc biệt phù hợp với quan điểm “xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” đang được triển khai trong các cơ sở giáo dục Việt Nam.
Trong đó, môi trường học tập đóng vai trò là người thầy thứ ba, sau giáo viên và phụ huynh, mở ra cơ hội cho trẻ trải nghiệm và phát huy năng lực sáng tạo.
So với phương pháp giảng dạy theo hình thức lớp học truyền thống (giáo viên giảng – học sinh thụ động tiếp thu, tất cả học sinh trong cùng một lớp đều tiếp thu kiến thức theo cách thức giống nhau), phương pháp giáo dục Reggio Emilia tạo không gian cho trẻ tiếp thu kiến thức bằng nhiều hình thức khác nhau thông qua trải nghiệm, trao đổi, vận động và hợp tác.
Ở đó, giáo viên từ vai trò người truyền thụ kiến thức trở thành người có vai trò gợi mở, đặt ra những câu hỏi Tại sao? Như thế nào? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu?, kích thích trẻ vận động trí não và áp dụng kiến thức thu nhận được vào thực tế cuộc sống, rèn luyện thói quen suy nghĩ, phân tích và tìm câu trả lời trước những vấn đề đặt ra trong cuộc sống.
Thông qua hình thức học tập chủ động đó, học sinh sẽ được phát triển tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, khả năng hợp tác, giao tiếp và tư duy sáng tạo, qua đó hình thành trách nhiệm xã hội và nhận thức công dân toàn cầu.
Đại diện Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, trên cơ sở những điểm tiến bộ của phương pháp giáo dục mới, các trường học sẽ vận dụng để tổ chức thực hiện một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp điều kiện dạy học thực tế tại địa phương.