TPHCM kiên quyết lập lại trật tự giao thông

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua vừa có công văn gửi Ban Cán sự Đảng UBND TP, các quận – huyện ủy, UBMTTQ TP và các đoàn thể về tăng cường lãnh đạo bảo đảm an toàn giao thông, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn.

Công văn nêu rõ, trong năm 2006, tai nạn giao thông trên địa bàn giảm cả 3 mặt (số vụ, số người chết và số người bị thương), tuy nhiên, diễn biến vẫn còn phức tạp và số người chết do tai nạn giao thông vẫn còn cao (hơn 1.000 người, chiếm 10% cả nước).

Nguyên nhân tai nạn chủ yếu là do các cấp, các ngành chưa tập trung chỉ đạo đúng mức công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông; công tác quản lý nhà nước của các sở ngành liên quan còn nhiều yếu kém, thực hiện chưa quyết liệt các giải pháp đề ra; ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn kém, chuyển biến chậm.

Các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể phải củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả của Ban An toàn giao thông các cấp, kiên quyết lập lại trật tự giao thông ở từng địa phương. Ban Cán sự Đảng UBND TPHCM cần chỉ đạo các sở, ngành liên quan, giáo dục ý thức cho người dân, xử lý nghiêm minh các vi phạm Luật Giao thông nhằm kéo giảm tai nạn giao thông trên địa bàn và phải báo cáo định kỳ cho Ban Thường vụ Thành ủy.
H.V.

Dự án Đại lộ Đông - Tây và Môi trường nước chuyển giao chủ đầu tư 3 dự án

UBND TPHCM vừa chấp thuận cho Ban Quản lý dự án Đại lộ Đông - Tây và Môi trường nước TPHCM làm thủ tục chuyển giao chức năng nhiệm vụ chủ đầu tư của 3 dự án cho các khu quản lý giao thông đô thị thuộc Sở Giao thông - Công chính tiếp tục quản lý.

Các dự án được chuyển giao gồm: dự án xây dựng cầu Bình Tiên (quận 6 - quận 8); dự án nâng cấp mở rộng đường Bến Vân Đồn (quận 4); dự án xây dựng đường nối từ đại lộ Đông - Tây thành phố đến đường cao tốc TPHCM - Trung Lương (Bình Chánh).

Theo đó, Giám đốc Sở GTCC giao đơn vị chủ đầu tư mới phù hợp địa bàn quản lý và chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành thủ tục bàn giao - tiếp nhận quản lý, tiếp tục thực hiện các dự án nói trên đúng quy định, không để chậm trễ tiến độ.

Đồng thời, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng, Sở GTCC, Sở Tài chính làm việc với UBND quận 2 và Ban Quản lý dự án Đại lộ Đông - Tây, xem xét tình hình thực hiện, tính chất nguồn vốn, cơ sở pháp lý và ý kiến của Sở GTCC về chuyển giao chủ đầu tư của dự án xây dựng lô J và lô N khu tái định cư 17,3 ha Thủ Thiêm trình UBND TP xem xét.
H.V.

Mới chỉ có 8 đơn vị được cấp phép xử lý và tiêu hủy chất thải nguy hại

Ngày 31-1, tại cuộc họp đánh giá công tác quản lý chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại trên địa bàn, Sở TN-MT TPHCM cho biết, hiện nay trên địa bàn thành phố có 1.000 nhà máy lớn và 12.000 cơ sở sản xuất công nghiệp vừa và nhỏ.

Các nhà máy và cơ sở sản xuất này mỗi ngày thải ra từ 1.200 đến 1.500 tấn chất thải rắn, trong đó có khoảng 20% khối lượng là chất thải nguy hại. TPHCM hiện có 19 đơn vị tư nhân, 1 đơn vị nhà nước tham gia thu gom, vận chuyển, lưu giữ, xử lý và tiêu hủy chất thải nguy hại và hơn 400 cơ sở thu mua, tái chế chất thải phế liệu công nghiệp.

Thế nhưng, đến nay mới chỉ có 12 đơn vị được cấp phép thu gom vận chuyển và tiêu hủy, 8 đơn vị được cấp phép xử lý và tiêu hủy với khối lượng bình quân 2 tấn/ngày.
H.T

Nhà Bè: Nhà nước và nhân dân cùng làm hơn 95.000m đường

Với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, UBND huyện Nhà Bè đã vận động người dân hiến 100.649m2 đất để mở rộng các con hẻm phục vụ việc đi lại ở nông thôn. Đến nay có 338 tuyến hẻm được huyện đầu tư ngân sách bê tông hóa, đan hóa với tổng chiều dài hơn 95.000m.

Hầu hết các tuyến hẻm đều có cắm bảng chỉ giới để người dân tự chủ trong việc xây dựng, mua bán.
T.H.L.

Tin cùng chuyên mục