Tại cuộc họp, lãnh đạo các sở, ngành và doanh nghiệp của tỉnh Lâm Đồng khẳng định, công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ thị trường tết nói chung và TPHCM năm nay đang thực hiện đúng kế hoạch và tiến độ. Hàng tết rất dồi dào, phong phú, không để xảy ra tình trạng nguồn cung thiếu hụt khiến giá bán tăng bất thường.
Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng Bùi Thế cho biết, để phục vụ cho thị trường tết, các địa bàn chuyên canh cây rau của tỉnh Lâm Đồng (gồm TP Đà Lạt, huyện Đơn Dương, huyện Đức Trọng, Lạc Dương và một phần huyện Lâm Hà) đã gieo trồng hơn 24.000ha rau các loại, sản lượng đạt khoảng 780.000 tấn, tăng khoảng 5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó có nhiều loại rau củ tăng mạnh cả về diện tích và sản lượng như cải thảo, hành tây, khoai tây, xà lách, cà chua, bắp cải, củ cải, hành lá tăng từ 5%-19%, tùy mặt hàng. Sản phẩm rau củ quả của tỉnh Lâm Đồng chủ yếu tiêu thụ nội địa chiếm hơn 90%, trong đó TPHCM chiếm hơn 60%… Đối với mặt hàng hoa tươi các loại cũng được các DN và nông dân sản xuất tăng cả về diện tích và sản lượng. Theo ông Bùi Thế, điểm khác biệt của việc sản xuất hoa tại Lâm Đồng cho mùa tết năm nay là các nhà vuờn tập trung cho nhiều loại hoa đẹp, có giá trị gia tăng cao và chất lượng tốt hơn những năm trước. Sản phẩm hoa cắt cành cũng được tiêu thụ tại TPHCM, chiếm 60%-70% lượng tiêu thụ nội địa. Thời gian dự kiến thu hoạch rau, hoa để phục vụ cho cuối năm và dịp Tết Tân Sửu là từ ngày 24-1 đến 8-3, tức từ ngày 12 tháng Chạp đến 25 tháng Giêng năm Tân Sửu.
Về sức mua, theo dự báo của ngành công thương Lâm Đồng, đối với 2 mặt hàng rau củ quả và hoa tươi sẽ tăng từ 5%-20%, tùy chủng loại. Tùy vào nhu cầu thị trường, giá có thể tăng nhẹ hoặc giảm nhưng sẽ không có tình trạng tăng bất thường đối với các mặt hàng phục vụ nhu cầu tết.
Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Lê Huỳnh Minh Tú đánh giá, Lâm Đồng là địa bàn quan trọng trong việc cung ứng hàng hóa cho TPHCM, do vậy việc tăng sản lượng gieo trồng các mặt hàng rau và hoa sẽ góp phần ổn định về giá cả các mặt hàng. Do dịch Covid-19 còn phức tạp nên tết năm nay nhiều khả năng có đến 70% số công nhân không về quê mà ở lại TPHCM đón tết, do vậy việc chuẩn bị nguồn hàng thực phẩm thiết yếu cung ứng cho thị trường với hơn 10 triệu dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng.
Về các khó khăn mà doanh nghiệp đặt ra tại nhiều buổi làm việc liên quan đến việc đưa hàng bình ổn thị trường (BOTT) vào các hệ thống phân phối tại TPHCM, Phó Giám đốc Lê Huỳnh Minh Tú cho hay, sở sẽ có buổi làm việc thật cụ thể với từng hệ thống để đánh giá lại khả năng cung cầu, tạo điều kiện tốt nhất cho DN tăng sản lượng hàng thiết yếu tham gia BOTT, góp phần ổn định sản xuất. Bên cạnh đó, TPHCM sẽ siết chặt việc truy xuất nguồn gốc đối với hàng nông sản nhằm loại trừ tình trạng hàng nông sản Trung Quốc đội lốt hàng Lâm Đồng gây bức xúc và thiệt hại cho các DN sản xuất chân chính.
Tại cuộc họp, lãnh đạo ngành công thương và các sở, ngành chức năng của 2 địa phương thống nhất các nội dung về tăng cường liên kết, trao đổi thông tin để kịp thời điều tiết khả năng cung cầu và giá cả tốt hơn trong những ngày cao điểm tới.