(SGGP).- Trong đêm 16, sáng và chiều 17-2, trên địa bàn TPHCM và các khu vực lân cận liên tục xuất hiện những cơn mưa trái mùa trên diện rộng, kéo dài từ 1 - 2 giờ, lưu lượng từ 10 - 30mm. Cùng với đó, hiện tượng sương mù dày đặc cũng xuất hiện vào các buổi sáng, kéo dài đến trưa mới tan dần.
Theo Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ Nguyễn Minh Giám, nguyên nhân do TPHCM đang chịu ảnh hưởng của một đợt không khí lạnh, gió Đông ở phía Nam biển Đông khiến các tỉnh Nam bộ xuất hiện mưa trái mùa. Hiện tượng sương mù xuất hiện kéo dài có nguyên nhân xuất phát từ không khí lạnh ban đêm làm độ ẩm tăng cao gây ra sương mù vào các buổi sáng.
Chiều 17-2, một cơn mưa lớn đúng vào giờ cao điểm đã gây ngập một số tuyến đường ở khu vực quận Gò Vấp, 12, Tân Bình, Thủ Đức, khiến nhiều phương tiện lưu thông khó khăn, dẫn tới tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ. Các tuyến đường như Trường Chinh, Cách Mạng Tháng Tám, Cộng Hòa (Tân Bình), Xô Viết Nghệ Tĩnh (Bình Thạnh), Quang Trung, Phạm Văn Chiêu (Gò Vấp), cầu vượt Sóng Thần (Thủ Đức), xa lộ Hà Nội (quận 9)… thường ngày tình trạng ùn ứ giao thông đã khá nóng, nay lại gặp mưa nên càng nghiêm trọng hơn.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, chiều ngày 17-2 vùng áp thấp trên khu vực Nam biển Đông mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Hồi 13 giờ ngày 17-2, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 9,3 độ Vĩ Bắc, 116,3 độ Kinh Đông, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9; vùng biển Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 6, cấp 7; biển động mạnh. Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10km và có khả năng mạnh lên thành bão.
PHAN TRUNG