TPHCM lo thiếu nước sạch

° Quận 7, 8, Nhà Bè, Cần Giờ đang bị xâm nhập mặn nghiêm trọng
TPHCM lo thiếu nước sạch

° Quận 7, 8, Nhà Bè, Cần Giờ đang bị xâm nhập mặn nghiêm trọng

TPHCM thiếu nước sạch là băn khoăn, lo lắng của nhiều đại biểu tham dự cuộc họp góp ý giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu tại TPHCM. Theo đó, nguồn nước sông Đồng Nai và sông Sài Gòn không những đang bị đe dọa bởi những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu mà còn bị đầu độc bởi nước thải công nghiệp.

Người dân huyện Nhà Bè đẩy xe đi mua nước về sử dụng. Ảnh: ĐỨC THÀNH

Người dân huyện Nhà Bè đẩy xe đi mua nước về sử dụng. Ảnh: ĐỨC THÀNH

Mùa khô, nhiễm mặn trên diện rộng

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, mực nước biển đã có xu hướng dâng rõ rệt. Ngoại trừ trạm Vũng Tàu là trạm ven biển, các trạm còn lại Phú An, Nhà Bè, Biên Hòa, Bến Lức… đều nằm ở cửa sông chính cách xa biển nhưng cũng bị ảnh hưởng. Không dừng lại đó, theo nghiên cứu của Trung tâm Quản lý môi trường quốc tế ICEM, hiện thành phố có 154/322 xã phường thường xuyên bị ngập úng, chiếm 110.000ha và gây ảnh hưởng trực tiếp đến gần 1 triệu cư dân, chiếm 12% dân số sống trong khu vực. Dự báo đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên 177 xã phường, chiếm 61% diện tích thành phố. Những quận bị ngập úng nặng là quận 3, 5, 6, 7, 8, 10, Bình Chánh, Nhà Bè…

Ông Nguyễn Văn Ngà, Trưởng phòng Tài nguyên nước và khoáng sản Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, biến đổi khí hậu đã gây ra tình trạng thiếu nước vào mùa khô trong khu vực, thiếu nước cho tưới tiêu, sản xuất và sinh hoạt. Vào mùa khô, xâm nhập mặn lấn sâu vào đất liền tăng khả năng thiếu nước sạch cho sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp. Tình trạng này diễn biến nghiêm trọng hơn tại những khu dân cư như quận 7, 8, huyện Nhà Bè, Cần Giờ, gây khó khăn cho đời sống người dân khu vực này. Không chỉ vậy, tình trạng xâm nhập mặn còn tác động tiêu cực đến chất lượng nước mặt và nước ngầm gây ô nhiễm nguồn nước cấp. Cụ thể, trên sông Sài Gòn, Đồng Nai khả năng nhiễm mặn vào mùa khô sẽ diễn ra trên diện rộng. Nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn, độ mặn tiếp tục tăng cao sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản lượng và chất lượng nước sinh hoạt của nhà máy nước Tân Hiệp, Thủ Đức. Đại diện Công ty Cấp nước thành phố cho biết, trong tháng 3-2010, nhà máy nước Tân Hiệp và Thủ Đức đã phải buộc ngưng lấy nước 3 giờ/ngày vì nguồn nước bị nhiễm mặn. Nếu tình trạng này vẫn không được ngăn chặn thì mùa khô năm 2011 nguy cơ thiếu nước ngọt sẽ rất cao.

Thượng nguồn bị đầu độc

Lo ngại thiếu nước ngọt do nguồn nước ngọt bị xâm mặn là chưa đủ. Theo ông Phạm Khôi Nguyên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn phải lo nguồn nước ngọt đang bị đầu độc bởi chất thải sinh hoạt và công nghiệp. Hiện thống kê của Cục Kiểm soát ô nhiễm cho thấy, dọc sông Đồng Nai còn 70 khu chế xuất, khu công nghiệp chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung. Đó là chưa kể hàng ngàn doanh nghiệp khác chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Hàng ngày vẫn có hàng triệu mét khối nước thải sinh hoạt và công nghiệp chưa qua xử lý thải ra kênh rạch dẫn ra hoặc thải trực tiếp ra sông Sài Gòn, Đồng Nai.

Tại phiên họp Ủy ban bảo vệ lưu vực sông Đồng Nai, ông Võ Quang Châu, Phó Tổng giám đốc Công ty Cấp nước TPHCM khẳng định, nước thải công nghiệp từ cụm tiểu thủ công nghiệp Tân Quy đang đe dọa chất lượng nguồn nước Nhà máy nước Tân Hiệp. Nồng độ các chất thải thường xuyên vượt tiêu chuẩn đối với nước cấp phục vụ sinh hoạt. Công ty đã nhiều lần có công văn kiến nghị vấn đề này, đề nghị các cơ quan chức năng giải quyết triệt để tình trạng doanh nghiệp trong cụm công nghiệp xả thải vượt tiêu chuẩn cho phép. Tuy nhiên, từ năm 2008 đến nay, tình trạng trên không được khắc phục, thậm chí diễn biến ngày càng xấu hơn.

Tương tự, ông Trương Khắc Hoành, Phó Tổng giám đốc Nhà máy nước BOO Thủ Đức cho biết, nhiều doanh nghiệp ở Đồng Nai, Bình Dương đã xả thải ô nhiễm gây chết hàng loạt bè cá nuôi của dân cư trên sông Đồng Nai và ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước cấp của nhà máy. Đặc biệt, từ năm 2009 đến nay, việc xả thải gây ô nhiễm thường xuyên diễn ra. Nếu tình trạng xả thải này kết hợp với xâm nhập mặn nước biển vào mùa khô sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến việc cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.

Quy hoạch lại việc khai thác, sử dụng nguồn nước

Ông Nguyễn Văn Ngà nhấn mạnh, sự suy giảm trữ lượng tài nguyên nước có khả năng nảy sinh mâu thuẫn giữa các địa phương trong việc sử dụng hay phân bổ nguồn nước cấp lưu vực sông Sài Gòn, Đồng Nai trong tương lai gần. Do đó, bảo vệ nguồn nước cần được xem là chiến lược, nhiệm vụ hàng đầu để duy trì hoạt động kinh tế, xã hội của 12 tỉnh thành trọng điểm phía Nam. Theo đó, cần quy hoạch lại nguồn cấp nước cho nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt theo hướng an toàn hơn; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ xử lý nước tiên tiến hơn; triển khai các giải pháp hạn chế những tác động làm thay đổi động thái nguồn nước. Đặc biệt, quy hoạch lại việc khai thác và sử dụng nguồn nước của các tỉnh dọc sông Đồng Nai - Sài Gòn.

Trên thực tế, Sở Công thương TPHCM vừa có công văn kiến nghị Chính phủ ngưng cấp phép xây dựng 20 thủy điện dọc sông Đồng Nai. Nguyên nhân là nếu đưa 20 thủy điện này đi vào hoạt động có thể giải quyết tạm thời nhu cầu sử dụng điện trong tương lai của các tỉnh khu vực phía Nam, ngược lại sẽ hủy hoại môi trường lưu vực sông Đồng Nai, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của 16 triệu dân khu vực này.

Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng khẳng định, trong năm tới quyết liệt xử lý những doanh nghiệp, khu chế xuất - khu công nghiệp chưa đầu tư hệ thống xử lý chất thải; yêu cầu các tỉnh thành hoàn tất việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm vào khu tập trung. Với những doanh nghiệp nào cố tình vi phạm về môi trường sẽ áp dụng biện pháp mạnh như di dời khỏi khu vực sản xuất, buộc ngưng hoạt động hoặc chuyển đổi sang ngành nghề không gây ô nhiễm môi trường.

ÁI VÂN

Tin cùng chuyên mục