TPHCM: Mạnh tay với các doanh nghiệp gây ô nhiễm

Sau nhiều lần tổ chức tham vấn ý kiến người dân về ô nhiễm môi trường tại các Khu công nghiệp-Khu chế xuất trên địa bàn TPHCM, ngày 7-10, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM, HĐND TP, cùng các ban ngành có buổi giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về xử lý nước thải tại các Khu công nghiệp trên địa bàn TPHCM.

(SGGP).- Sau nhiều lần tổ chức tham vấn ý kiến người dân về ô nhiễm môi trường tại các Khu công nghiệp-Khu chế xuất trên địa bàn TPHCM, ngày 7-10, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM, HĐND TP, cùng các ban ngành có buổi giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về xử lý nước thải tại các Khu công nghiệp trên địa bàn TPHCM.

Tại cuộc họp, nhiều đại biểu cho rằng tình trạng ô nhiễm môi trường như nước thải, khói bụi, tiếng ồn, mùi thuốc nhuộm, thuốc trừ sâu... mà các khu công nghiệp, các nhà máy, xưởng thải ra vẫn còn. Nguyên nhân sâu xa là do năng lực quản lý còn hạn chế mặt dù nhiều nơi đã phạt nhiều lần. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh, xử phạt chưa nghiêm, cấp phép tràn lan nhiều nơi… 

Để quản lý tốt và chặt chẽ hơn, ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên- Môi trường TPHCM kiến nghị Bộ Tài Nguyên- Môi trường có ý kiến về quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ môi trường giữa các ngành nhằm hạn chế tình trạng chồng chéo, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp; sớm ban hành hướng dẫn thủ tục các trường hợp doanh nghiệp đã đi vào hoạt động nhưng chưa thực hiện các thủ tục môi trường; hướng dẫn việc quản lý, xử lý bùn sinh ra từ hệ thống xử lý nước thải. Đề nghị xử lý nước thải Khu công nghiệp ổn định và căn cơ thì công ty hạ tầng phải tính toán, thu gom xử lý cho toàn khu theo ngành nghề đã đăng ký.

Ông Phạm Văn Đông, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM cho rằng, để giải quyết căn cơ vấn đề ô nhiễm không riêng gì các ngành chức năng mà cần sự tham gia tích cực của toàn xã hội. Phải xử lý thật nghiêm các cơ sở sản xuất vi phạm quy định về môi trường và thường xuyên kiểm tra vấn đề môi trường xung quanh Khu công nghiệp. Tạo vành đai xanh cho các Khu công nghiệp và sớm đầu tư hệ thống xử lý chất thải rắn, lỏng, các chất độc hại. Cần có giải pháp giúp đỡ các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ di dời từ nội thành trước đây có thể mua sắm công nghệ hiện đại sản xuất và xử lý ô nhiễm, hoặc sáp nhập những ngành nghề giống nhau nhằm tăng quy mô sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế và hoàn vốn. Tiếp đó, cần sửa đổi, bổ sung các quy định về pháp luật, cụ thể hóa việc xử lý ô nhiễm.

Quốc Hùng

Tin cùng chuyên mục