
“Công suất xử lý chất thải nguy hại (CTNH) của TPHCM mới chỉ đạt 1/10 khối lượng thực tế phát sinh, khoảng 30/300 tấn. Vậy số còn lại đang đổ ở đâu?”. Đó là câu hỏi được Giám đốc Sở KH-CN TPHCM Phan Minh Tân đưa ra tại cuộc họp bàn về xử lý CTNH do UBND TP chủ trì.

Một góc bãi rác Đa Phước. Ảnh: Đức Trí
Quá tải chất thải
Ông Nguyễn Trung Việt, Trưởng phòng Quản lý Chất thải rắn, Sở TN-MT TPHCM cho biết, việc tăng cường kiểm tra, xử phạt môi trường trong thời gian qua đã buộc các doanh nghiệp (DN) gấp rút hoàn thiện công tác bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, do TP chưa có sự chuẩn bị về hạ tầng tiếp nhận và xử lý chất thải nên phát sinh nhiều bất cập.
Thực tế đến nay, TP vẫn chưa có một bãi chôn lấp an toàn dành cho CTNH, trong khi đầu tư xử lý cũng rất hạn chế. Hiện việc xử lý chủ yếu do 4 công ty tư nhân đảm nhận (Công ty Môi trường đô thị chỉ mới xử lý CTNH trong lĩnh vực y tế), nhưng tổng công suất chỉ mới đáp ứng 1/10 khối lượng chất thải phát sinh.
Từ đầu năm đến nay, trước khối lượng CTNH tăng nhanh, 4 công ty tư nhân tăng cường tiếp nhận lên 70- 100 tấn/ngày, trong khi năng lực xử lý chỉ khoảng 4 tấn/ngày nên tồn lưu lượng chất thải khá lớn. Do vậy, có công ty đã lập kho lưu chứa chất thải ở Bình Dương, nhưng hiện các kho này cũng quá tải nên đoàn kiểm tra của Tổng cục Môi trường buộc ngưng tiếp nhận chất thải. Kết quả là hiện có hàng triệu tấn CTNH đang nằm ở các DN sản xuất.
Không chuyển giao được chất thải, diện tích nhà xưởng của các DN vốn chật hẹp lại càng chật hơn vì phải dành chứa chất thải - chưa kể nhà xưởng thường không được thiết kế để chứa chất thải. Nhiều DN liều lĩnh thuê các công ty không có chức năng thu gom để chở đổ CTNH ra môi trường - tập trung tại quận 9, huyện Bình Chánh và Hóc Môn.
TPHCM phê duyệt đầu tư 3 dự án
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Trung Tín khẳng định, việc đầu tư dự án xử lý CTNH trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết. TP sẽ thực hiện chủ trương kêu gọi xã hội hóa hoạt động đầu tư này.
Trước mắt, TP chấp thuận chủ trương cho đầu tư 3 dự án. Đó là dự án của Công ty Xử lý chất thải rắn Việt Nam tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, huyện Bình Chánh, có tổng vốn đầu tư 30 triệu USD, công suất xử lý tối đa khoảng 500 tấn/ngày; dự án của Công ty cổ phần Kho, vận chuyển, giao nhận ngoại thương Mộc An Châu tại Khu Tây Bắc Củ Chi, có tổng vốn đầu tư 70 triệu USD, công suất 500 tấn/ngày và dự án của Công ty Môi trường Đô thị tại bãi rác Đông Thạnh, Củ Chi, có tổng vốn đầu tư 30 triệu USD với công suất xử lý 80 tấn/ngày.
Vấn đề là dự án của Công ty Xử lý chất thải rắn Việt Nam đang gặp trục trặc do quy hoạch của Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước không có bộ phận xử lý CTNH nên cần được TP xem xét, điều chỉnh. Mặt khác, Sở Công thương, Sở KH-CN, Sở NN-PTNT, Sở KH- ĐT cũng yêu cầu, cả 3 dự án trên đều phải dùng công nghệ đốt hiện đại, không gây ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh việc cho phép đầu tư thêm lò đốt 50 tấn/ngày tại bãi rác Đông Thạnh, TP cũng chấp thuận cho Công ty Môi trường Đô thị xây thêm kho lưu chứa tạm thời, giải quyết tình trạng tồn đọng chất thải ở các DN hiện nay. Khi lò đốt đi vào hoạt động sẽ xử lý toàn bộ chất thải đang lưu kho. Công ty cũng được phép xây thêm bãi chôn lấp an toàn và chỉ được chôn tro chất thải sau khi đã đốt. TP cũng sẽ có chính sách hỗ trợ vốn vay cho Công ty Môi trường đô thị để tạo điều kiện cho đơn vị này hoàn thiện hạ tầng xử lý CTNH ở TP, từng bước quản lý chặt chẽ loại chất thải này.
Mong rằng, trong tương lai không xa, CTNH không còn là nỗi ám ảnh của chính quyền và người dân TPHCM.
Ái Vân