* Sân bay Tân Sơn Nhất tê liệt vì cúp điện
* Lào Cai: Sương mù giữa mùa hè
(SGGP).- Khoảng hơn 13 giờ chiều 16-6, cơn mưa lớn kèm theo gió lốc làm tốc mái hàng chục căn nhà và phòng trọ ở xã Vĩnh Lộc A huyện Bình Chánh. Gió lớn cũng làm hàng loạt cây xanh gãy đổ ở nhiều nơi, trong đó một cây xanh đường kính khoảng 50cm trồng trước chung cư Mỹ Khánh 1 trên đường Nguyễn Đức Cảnh quận 7 bị trốc gốc. Trên tuyến đại lộ Nguyễn Văn Linh, gió lốc làm nhiều cây ngã chắn cả hai làn đường.
Cơn mưa cùng gió lốc cũng đã làm mất điện toàn bộ hệ thống làm thủ tục của Hãng Hàng không Việt Nam tại 2 nhà ga nội địa và quốc tế tại sân bay Tân Sơn Nhất. Đến gần 14 giờ hệ thống điện chiếu sáng trở lại bình thường, nhưng hệ thống máy tính làm thủ tục lên máy bay của Vietnam Airlines vẫn chưa thể hoạt động. Hàng trăm hành khách phải làm thủ tục lên máy bay bằng viết tay, các chuyến bay đến và đi từ sân bay Tân Sơn Nhất đều bị trễ vì khách không kịp lên máy bay và hành lý bị thất lạc. Hệ thống máy tính của các công ty đảm nhiệm dịch vụ làm thủ tục, hành lý ở sân bay vẫn bị treo cho đến 15 giờ 30 mới hoạt động trở lại.
Theo UBND TPHCM, nếu bão đổ bộ trực tiếp vào TP, công tác di dời, sơ tán dân phải hoàn thành trước 12 giờ so với thời điểm dự báo bão. Đây là yêu cầu bắt buộc về phương án phòng, tránh, ứng phó khi bão đổ bộ trực tiếp vào TP vừa được UBND TP quy định. Trong trường hợp bão trực tiếp đổ bộ vào TP, phương án trên cũng xác định tại 24 quận, huyện có 192 phường, xã, thị trấn có dân cần di dời, sơ tán dân với hơn 245.000 người của hơn 60.000 hộ. Riêng quận 12, huyện Nhà Bè, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ có số người phải di dời, sơ tán theo phương án nêu trên lên đến hàng chục ngàn người.
* Nhiều ngày nay, Lào Cai xảy ra một hiện tượng thiên nhiên kỳ thú chưa từng gặp, đó là xuất hiện sương mù mịt ngay giữa mùa hè oi bức. Sương mù bắt đầu xảy ra từ ngày 12-6, tại nhiều nơi như TP Lào Cai, Sa Pa, Bắc Hà, Mường Khương, Bảo Yên… Nguyên nhân là do vừa qua có không khí lạnh tràn về trái mùa, trời lại quang mây đã gây hiện tượng bức xạ nhiệt, lớp hơi nước ở mặt đất lạnh đột ngột, tạo sương mù vào lúc sáng sớm, chiều và ban đêm.
Theo ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng-thủy văn Trung ương, từ ngày 11-6, mùa mưa đã bắt đầu ở các tỉnh Nam bộ. Hiện nay, mới chính thức bước vào mùa hoạt động mạnh của gió mùa Tây Nam, còn trước đó chỉ là giai đoạn tiền gió mùa. Do ảnh hưởng của đới gió mùa Tây Nam đang có cường độ mạnh nên các vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, từ Cà Mau đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan, khu vực giữa và Nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) đang động mạnh, thời tiết rất xấu.
QUỐC HÙNG - PHÚC VĂN