- ĐBSCL: Nhiều thiệt hại do úng ngập
(SGGP).- Cơn mưa kéo dài nhiều giờ trên diện rộng vào chiều 7-10, khiến nhiều tuyến đường, khu dân cư, nhà ở… tại các quận 7, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh (TPHCM) bị ngập sâu, hàng trăm phương tiện bị chết máy, nhiều hoạt động sinh hoạt, kinh doanh của người dân bị đảo lộn.
Một giờ sau cơn mưa, tuyến đường An Dương Vương (đoạn qua phường An Lạc, quận Bình Tân) có 4 điểm ngập sâu hơn nửa mét, mỗi điểm kéo dài gần 200m. Nước ngập sâu cùng với sóng nước do xe tải, ô tô chạy qua khiến nhiều công nhân tan ca, trên đường về nhà bằng xe đạp liên tục té ngã. Hàng loạt quán ăn hai bên đường phải đóng cửa do nước tràn vào.
Theo Trung tâm Chống ngập nước TPHCM, đường An Dương Vương bị ngập sâu do cao độ mặt đường thấp, khiến nước mưa từ các tuyến đường lân cận như: đại lộ Đông Tây, Lý Chiêu Hoàng, Ngô Y Linh, đường số 41… chảy dồn về, mặt khác do hệ thống cống thoát nước của tuyến đường này chưa được lắp đặt.
Nhiều tuyến đường khác như: Kinh Dương Vương, Hồ Học Lãm (quận Bình Tân), Hòa Bình (quận Tân Phú), cụm đường Bàu Cát (quận Tân Bình), Huỳnh Tấn Phát (quận 7), Lương Định Của (quận 2)… cũng bị ngập sâu 0,3 - 0,4m, khiến nhiều xe bị chết máy.
Mưa lớn còn làm hàng chục nhà dân trong các khu dân cư Bình Đăng (quận 8), khu dân cư Bình Hưng (Bình Chánh) bị cô lập do tuyến đường nội bộ bị ngập nặng. Cũng trong chiều 7-10, lợi dụng lúc trời mưa lớn, chủ một trại heo trong hẻm 242/101 An Dương Vương (phường 16, quận 8) mở van, xả nước thải từ hồ chứa phân heo ra rạch Nhảy, khiến mùi hôi thối tỏa ra cả khu vực. Nhiều hộ dân sống trên đường Vành Đai bức xúc đến lớn tiếng với chủ trại heo, gây cảnh hỗn loạn.
* Những ngày qua, mưa lớn trên diện rộng liên tiếp diễn ra trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp gây nhiều thiệt hại nông nghiệp. Tại huyện Tân Hồng, nhiều diện tích hoa màu bị ngập úng. Đặc biệt, thị trấn Sa Rài (trong đê bao Sa Rài) bị ngập nước sâu, nước tràn vào nhiều nhà dân, nhấn chìm 16ha dưa hấu và ớt từ 10 - 30 ngày tuổi. Mưa lớn còn làm thất thoát cá tra, cá 1óc, cá trê và các loại cá khác trong ao nuôi của các hộ dân, ước tính thiệt hại ban đầu trên 100 tấn cá. Người dân sống lâu năm tại đây cho biết, có những cơn mưa lớn nhất trong vòng 40 năm qua.
Trước tình hình trên, UBND thị trấn Sa Rài đã thành lập đoàn khảo sát thiệt hại; sử dụng hết công suất trạm bơm và huy động máy bơm trong dân để tiếp sức bơm tháo nước chống ngập úng cho thị trấn Sa Rài. Tương tự, hàng ngàn hécta lúa thu đông ở huyện Tháp Mười, Cao Lãnh, Thanh Bình... cũng bị ngập úng, đổ ngã; nhiều diện tích lúa chín phải ngưng thu hoạch, nhiều diện tích hoa màu bị thiệt hại.
Tại Cà Mau, ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau cho biết: Mưa lớn cục bộ kéo dài nhiều ngày liền gây ngập úng trên 10.600ha lúa, hoa màu, cây ăn trái… tại các vùng ngọt hóa phía Bắc Cà Mau như huyện U Minh, Thới Bình và Trần Văn Thời. Tại xã Khánh Thuận, huyện U Minh, khoảng 5ha keo lai mới trồng (thuộc Công ty Sông Tiền, đơn vị thuê đất rừng trồng keo lai) bị chết trắng và gần 100ha keo lai 8 tháng tuổi bị úa lá. Nếu tình trạng ngập úng không được cải thiện, những cánh rừng keo lai có tuổi từ 1 - 2 năm nguy cơ bị thiệt hại nặng.
Ngày 7-10, ông Dương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã kiểm tra tình hình chống ngập úng tại huyện U Minh. Tổng hợp cho thấy, đợt mưa kéo dài đầu tháng 10 vừa qua làm ngập cục bộ trên 10.000ha lúa ở U Minh, trong đó trên 1.000ha bị thiệt hại hoàn toàn, nhất là ở các xã Nguyễn Phích, Khánh Lâm.
Ông Dương Tiến Dũng chỉ đạo ngành thủy lợi chủ động sửa chữa hệ thống cống tiêu thoát nước, các địa phương tích cực hỗ trợ người dân tiếp tục sản xuất, đặc biệt là hộ bị thiệt hại trong vụ ngập úng vừa qua.
| |
T.Vũ - V.Thi - X.Hạ