TPHCM: Mưa lớn kết hợp triều cường, nhiều tuyến đường chìm trong nước

Cơn mưa lớn và triều cường giữa tháng 10 tiếp tục dâng cao xảy ra vào chiều 16-10 làm nhiều tuyến đường ở TPHCM như Hòa Bình, Khuông Việt, Tôn Thất Hiệp, Lãnh Binh Thăng (quận 11); An Dương Vương (quận 8 và Bình Tân); Võ Văn Kiệt, Chợ Lớn, một số tuyến hẻm trên đường Nguyễn Văn Luông (quận 6); An Bình (quận 5); Ký Con (quận 1)… ngập sâu từ 30 - 50cm.
TPHCM: Mưa lớn kết hợp triều cường, nhiều tuyến đường chìm trong nước
  • ĐBSCL: Đỉnh lũ đạt mức cao nhất trong 1 - 2 ngày tới

(SGGP).- Cơn mưa lớn và triều cường giữa tháng 10 tiếp tục dâng cao xảy ra vào chiều 16-10 làm nhiều tuyến đường ở TPHCM như Hòa Bình, Khuông Việt, Tôn Thất Hiệp, Lãnh Binh Thăng (quận 11); An Dương Vương (quận 8 và Bình Tân); Võ Văn Kiệt, Chợ Lớn, một số tuyến hẻm trên đường Nguyễn Văn Luông (quận 6); An Bình (quận 5); Ký Con (quận 1)… ngập sâu từ 30 - 50cm.

Tại tuyến đường An Bình, dù trời đã tạnh mưa nhiều giờ nhưng vẫn mênh mông nước khiến hàng loạt xe gắn máy phải dắt bộ vì bị chết máy.

Tối qua, đỉnh triều cường dâng cao tiếp tục làm nhiều tuyến đường như: Ung Văn Khiêm, Ngô Tất Tố, quốc lộ 13 (đoạn cổng sau Bến xe miền Đông, Bình Thạnh); Huỳnh Tấn Phát (quận 7); Lương Định Của (quận 2); Kha Vạn Cân (Thủ Đức), Kinh Dương Vương (Bình Tân)… bị ngập sâu trong nước khiến giao thông hỗn loạn, nhiều xe gắn máy bị chết máy phải dắt bộ.

Một số khu vực lâu nay chưa bao giờ ngập nhưng chiều qua lại ngập như đường Nguyễn Chí Thanh, Ngô Quyền (quận 5), khu vực trước cổng Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch nước ngập lênh láng gây kẹt xe nghiêm trọng. Ngoài ra, nhiều nơi ở quận Tân Bình, nước ngập sâu vào giờ tan tầm khiến nhiều tuyến đường bị ùn tắc.

Mưa và triều cường gây ngập trên đường An Bình, quận 5 TPHCM chiều 16-10. Ảnh: Đ.Lý

Mưa và triều cường gây ngập trên đường An Bình, quận 5 TPHCM chiều 16-10. Ảnh: Đ.Lý

Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, mực nước ngày 16-10 tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn là 1,57m (lúc 4 giờ 30). Dự báo mực nước triều trong những ngày tới sẽ vượt đỉnh triều lịch sử năm 2011 (1,59m).

Trước tình hình diễn biến phức tạp của triều cường, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TPHCM đã làm việc với Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa. Qua đó, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa đã có thông báo về việc thay đổi thời gian đóng tràn xả lũ đợt 5 và kế hoạch điều chỉnh lưu lượng xả tràn hồ Dầu Tiếng đợt 6 năm 2012.

Thời gian đóng, mở và điều chỉnh lưu lượng xả tràn hồ Dầu Tiếng như sau: Từ 14 giờ ngày 15-10 đến 14 giờ ngày 17-10 tạm thời đóng tràn xả lũ. Từ 14 giờ ngày 17-10 đến 14 giờ ngày 19-10 xả tràn đợt 6 năm 2012 với lưu lượng 50m³/s. Từ 14 giờ ngày 19-10, tiếp tục xả với lưu lượng 50m³/s và sẽ điều chỉnh lưu lượng xả tràn tùy vào tình hình diễn biến thời tiết, khí tượng thủy văn thực tế.

Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương cho biết, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long biến đổi chậm, vùng hạ lưu đang dao động ở mức đỉnh triều. Mực nước cao nhất vào sáng 16-10, trên sông Tiền tại Cao Lãnh: 2,15m (trên BĐ 2 là 0,05m), tại Mỹ Tho: 1,64m (trên BĐ3 là 0,04m), tại Mỹ Thuận là 1,82m (trên BĐ3 là 0,02m); trên sông Hậu tại Long Xuyên là 2,36m (dưới BĐ3 là 0,14m), tại Cần Thơ 2,01m (trên BĐ3 là 0,11m)... Đây được xem là mức nước đạt đỉnh của lũ năm 2012.

Do nước lũ dâng cao kết hợp cùng triều cường trong 2 ngày qua đã gây ngập nghiêm trọng nhiều tuyến đường ở nội ô thành phố Cần Thơ. Trong đó, nhiều tuyến đường ngập gần 0,5m, gây khó khăn cho sinh hoạt và đời sống người dân. Theo ngành chức năng, hai nguyên nhân chính dẫn đến ngập ở Cần Thơ là do đất sụp lún và xây dựng bê tông hóa đô thị.

Chiều 16-10, Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh An Giang cho biết, từ đầu năm đến nay ở các huyện Tân Châu, An Phú, Chợ Mới, Phú Tân, TP Long Xuyên… xảy ra khoảng 30 vụ sạt lở với chiều dài gần 5.000m, mất 29.150m² đất. Có hơn 421 hộ cần di dời khẩn cấp, trong đó ngành chức năng đã di dời 163 hộ đến nơi an toàn, cứu trợ cho 91 hộ hoàn cảnh khó khăn.

Tại Đồng Tháp, sạt lở mùa lũ diễn ra nghiêm trọng ở nhiều nơi với khoảng 100 điểm, gần 1.200 hộ bị ảnh hưởng. Trong đó, vụ sạt lở mới đây ở xã cù lao Tân Huề, huyện Thanh Bình, làm 2 hộ dân di dời, hàng ngàn hécta lúa vụ 3 bị đe dọa, giao thông ở các xã cù lao Thanh Bình bị ảnh hưởng, buộc ngành chức năng phải gia cố khẩn cấp. Tại xã An Hiệp, huyện Châu Thành vụ sạt lở gần đây làm 6 hộ dân di dời khẩn cấp, cuốn trôi 3,4ha đất, thiệt hại trên 2,6 tỷ đồng. Trước tình hình sạt lở ngày càng nghiêm trọng, UBND tỉnh Đồng Tháp đã công bố tình trạng khẩn cấp về sạt lở ở một số nơi thuộc huyện Châu Thành, Lấp Vò, Thanh Bình và thị xã Sa Đéc.

Tối 16-10, ông Nguyễn Hồng Lâm, Bí thư Huyện ủy Hồng Ngự (Đồng Tháp) cho biết, một vụ sạt lở nghiêm trọng xảy ra vào sáng cùng ngày ở ấp 1, xã Thường Phước 1 với chiều dài hơn 200m, sâu vào đất liền khoảng 30m. Sạt lở nhấn chìm 5 nhà dân, 29 căn nhà khác buộc phải di dời khẩn cấp, một số tài sản của người dân bị nước lũ cuốn trôi. Đa số các hộ bị sạt lở thuộc hộ nghèo, mặc dù ngành chức năng đã nhiều lần đề nghị di dời ra khỏi vùng nguy hiểm nhưng người dân chưa chịu đi. Trước mắt, huyện Hồng Ngự hỗ trợ 5 hộ bị mất nhà về gạo, mì, mùng mền cùng 5 triệu đồng làm nhà tạm. Sau đó, huyện sẽ kiên quyết di dời các hộ bị ảnh hưởng trong phạm vi sạt lở ra tỉnh lộ 841 và xem xét bố trí vào các cụm tuyến dân cư đảm bảo chỗ ở lâu dài.

Nhóm PV

Tin cùng chuyên mục