(SGGPO).- Chiều 3-1, Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM có báo cáo nhanh về tình hình tiền lương năm 2013 và mức thưởng Tết Giáp Ngọ 2014.
Qua tổng hợp báo cáo của 1.221 doanh nghiệp tại thành phố, năm nay mức thưởng tết Âm lịch cao nhất thuộc về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), với mức thưởng gần 710 triệu đồng/người, tăng gần 40 triệu đồng/người so với mức thưởng tết cao nhất vào tết Quý Tỵ 2013. Cũng trong khối này, mức thưởng thấp nhất là gần 2,8 triệu đồng/người; mức bình quân gần 4,6 triệu đồng/người, tăng 400.000 đồng/người. Trong khối doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước, mức thưởng cao nhất gần 300 triệu đồng/người, tăng 45 triệu đồng/người; mức bình quân hơn 8,1 triệu đồng/người.
Trong khi đó, đối với doanh nghiệp vốn 100% nhà nước, mức thưởng tết cao nhất sụt giảm so với Tết Nguyên đán 2013. Cụ thể, mức thưởng tết cao nhất là gần 53 triệu đồng/người, giảm hơn 200 triệu đồng/người; mức thưởng bình quân hơn 7,3 triệu đồng/người, giảm gần 1,7 triệu đồng/người. Các doanh nghiệp dân doanh có mức thưởng cao nhất 120 triệu đồng/người, giảm 132 triệu đồng/người; thấp nhất là 3,2 triệu đồng/người.
Về mức thưởng Tết Dương lịch 2014, cao nhất cũng thuộc về doanh nghiệp FDI với mức thưởng gần 464 triệu đồng/người, tăng gần 170 triệu đồng/người so với tết Dương lịch 2013; mức thưởng bình quân gần 5,6 triệu đồng/người, mức thấp nhất là 772.000 đồng/người. Doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của nhà nước, mức thưởng cao nhất là 40 triệu đồng/người, tăng 4 triệu đồng; mức bình quân gần 1,2 triệu đồng/người. Còn khối doanh nghiệp dân doanh, mức thưởng cao nhất gần 139 triệu đồng/người, giảm 12 triệu đồng/người; mức thưởng trung bình là 638.000 đồng/người. Đối với doanh nghiệp vốn 100% nhà nước, mức thưởng cao nhất 32 triệu đồng/người, giảm 13 triệu đồng/người; mức thưởng bình quân gần 3,2 triệu đồng/người.
Riêng các doanh nghiệp trong Khu Công nghiệp – Khu Chế xuất, mức thưởng tết cao nhất thuộc về doanh nghiệp trong nước với số tiền 450 triệu đồng/người, thưởng bình quân 3,2 triệu đồng/người. Khối doanh nghiệp FDI có mức thưởng cao nhất gần 245 triệu đồng/người, thưởng bình quân 4,7 triệu đồng/người.
Về mức tiền lương năm 2013, đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, lương cao nhất 81 triệu đồng/người/tháng (giảm gần 77 triệu đồng/người/tháng so với năm 2012), tiền lương bình quân gần 7,7 triệu đồng/người/tháng và thấp nhất là 3,8 triệu đồng/người/tháng. Mức lương cao nhất ở doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của nhà nước là 235 triệu đồng/người/tháng (tăng 35 triệu đồng/người/tháng), mức lương bình quân hơn 6,2 triệu đồng/người/tháng. Mức lương cao nhất của doanh nghiệp dân doanh là 239 triệu đồng/người/tháng (tăng 47 triệu đồng/người/tháng), mức lương bình quân là 5,23 triệu đồng/người/tháng. Mức lương cao nhất trong doanh nghiệp FDI 434 triệu đồng/người/tháng (giảm 26 triệu đồng/người/tháng), mức bình quân 7,8 triệu đồng/người/tháng.
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM Huỳnh Thanh Khiết, các mức thưởng cao thuộc về các doanh nghiệp FDI ở lĩnh vực ngân hàng, tư vấn xây dựng. Các doanh nghiệp sản xuất quy mô nhỏ, các doanh nghiệp thâm dụng lao động giản đơn có các mức thưởng tương đối thấp. Nhìn chung, các doanh nghiệp cố gắng trả thưởng cuối năm cho người lao động với mức thưởng trung bình 1 tháng lương.
Trong 941 doanh nghiệp ngoài Khu Công nghiệp – Khu Chế xuất, có 207 doanh nghiệp (chiếm 22%) phản ánh gặp khó khăn trong việc trả lương, thưởng dịp tết. Nguyên nhân, do hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn, doanh thu giảm, chi phí tăng cao, lợi nhuận thấp… Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn cố gắng trả lương, thưởng cho người lao động đúng hạn. Trong đó, có 442 doanh nghiệp (chiếm gần 47%), bên cạnh việc thưởng tết cho người lao động còn có thêm các hình thức hỗ trợ như tặng quà tết, hỗ trợ vé tàu, xe cho người lao động về quê đón tết.
Thời gian trả thưởng tết cho người lao động được thực hiện từ ngày 15 đến ngày 29-1. Thời gian nghỉ tết trung bình từ 9-11 ngày, một số doanh nghiệp kết hợp bố trí giải quyết phép năm để người lao động có đủ thời gian về quê thăm gia đình.
Đường Loan