TPHCM: Nâng đường, hạ đường dân khổ “đủ đường”

Tại TPHCM, nhiều tuyến đường vừa mới xây xong nhìn cao ráo thông thoáng, nhiều tuyến đường vừa được nâng cấp đã thoát khỏi ngập úng, người dân lưu thông qua lại dễ dàng. Tuy nhiên hậu quả của việc nâng cao hay hạ thấp mặt đường đã biến nhà dân 2 bên đường trở thành những “căn hầm” ẩm thấp hoặc những ngôi nhà “sàn” ngay giữa lòng thành phố. Cuộc sống của người dân bỗng chốc bị vây hãm bởi những khó khăn không mời mà đến.
TPHCM: Nâng đường, hạ đường dân khổ “đủ đường”

(SGGPO).- Tại TPHCM, nhiều tuyến đường vừa mới xây xong nhìn cao ráo thông thoáng, nhiều tuyến đường vừa được nâng cấp đã thoát khỏi ngập úng, người dân lưu thông qua lại dễ dàng. Tuy nhiên hậu quả của việc nâng cao hay hạ thấp mặt đường đã biến nhà dân 2 bên đường trở thành những “căn hầm” ẩm thấp hoặc những ngôi nhà “sàn” ngay giữa lòng thành phố. Cuộc sống của người dân bỗng chốc bị vây hãm bởi những khó khăn không mời mà đến.

Người dân không nắm rõ cốt nền của đường khi thành phố triển khai quy hoạch nên xây dựng nhà gặp nhiều khó khăn. Dọc những con đường như Lò Gốm, Kinh Dương Vương, An Dương Vương (quận 6), Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức), Bạch Đằng (quận Tân Bình), dọc tuyến Quốc lộ 50... người đi đường bắt gặp hàng trăm căn nhà kỳ dị.

Nền của nhà xưởng Bình Trị Đông thấp gần 1m so với mặt đường An Dương Vương. Ảnh: QUANG KHOA

Đây là hình ảnh nhìn từ bên trong ra ngoài đường của xưởng sửa xe ô tô có tên là Bình Trị Đông ở đường An Dương Vương, quận 6. “Sau khi tuyến đường được nâng cấp sửa chữa thì xưởng trở thành nơi chứa nước mỗi khi có mưa lớn. Mấy hôm trước trời mưa làm nước bên trong nhà xưởng ngập lên đến trên đầu gối”, một công nhân làm việc trong xưởng cho biết.

Nền nhà của gia đình ông Trần Xuân Hiệp ở đường Kinh Dương Vương, phường 13, quận 6 cũng ở trong tình trạng thấp hơn mặt đường khoảng 0,5m.

Ông Trần Xuân Hiệp năm nay đã ngoài 70 tuổi, ông đang dùng búa để đập bỏ lớp gạch men áp tường để chuẩn bị nâng nền. Đập tường được một lát, ông nghỉ tay nói: “Vừa già, vừa bệnh làm mệt thiệt, nếu mà nhà có tiền mướn thợ về làm thì khỏe biết mấy”. Ảnh: QUANG KHOA

Vợ của ông Hiệp là bà Nguyễn Thị Minh Ánh cho biết,  hai vợ chồng đều tham gia kháng chiến và cả 2  cùng bị nhiễm chất độc màu da cam. Căn nhà này do bà mua vào tháng 10 năm 1975. Đây là lần thứ 4 gia đình bà nâng cấp nền nhà, cộng dồn lại cả 4 lần nâng cấp, nền nhà đã được nâng lên hơn 1m.

Cách nhà ông Hiệp vài căn là nhà của bà Trần Ngọc Buông cũng đang được các thợ hồ nâng nền. Ảnh: QUANG KHOA

Đây là lối vào xưởng gỗ của anh Phạm Thành Danh trên Quốc lộ 50, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh. Ảnh: QUANG KHOA

Sau khi Quốc lộ 50 được nâng lên, nền xưởng gỗ của anh Danh bị thấp xuống hơn 1m so với mặt đường. Việc kinh doanh bỗng chốc trở nên khó khăn, việc vận chuyển gỗ bây giờ phải đi qua 5 bậc tam cấp, xe máy dắt ra dắt vào trở nên khó khăn và nguy hiểm.

Cách xưởng gỗ của anh Danh không xa là quán ăn của chị Phạm Thị Thanh, nền quán ăn của chị cũng thấp hơn mặt đường cả thước. Chị cho biết do nền quá thấp so với mặt đường nên gia đình chị không thể nào dắt xe ra ngoài được, do đó gia đình chị buộc phải trổ một cửa bên hông để thông với con hẻm sát vách nhà chị để dắt xe ra ngoài.

Quán ăn của chị Phạm Thị Thanh. Ảnh: QUANG KHOA

Khi hỏi về việc nâng nền chị cho biết, cách đây mấy năm gia đình chị cũng đã từng nâng nền hơn 0,5m, lúc làm xong nền cao hơn mặt đường cả gan tay, nay nhà nước lại tiếp tục nâng đường làm cho mặt đường cao hơn nền nhà cả thước. “Kinh tế khó khăn, gia đình tôi chỉ bán điểm tâm sáng chay thì lấy tiền đâu mà đổ đất nâng nền hơn cả thước”, chị Thanh rầu rỉ nói.

Đường Phạm Văn Đồng đoạn qua quận Thủ Đức vừa hoàn thành và dự án cống thoát nước đường Tam Bình cũng làm nhiều nhà thấp hơn mặt đường 1-1,7m.

Nhà bà Đồng Thị Nuôi (929 Phạm Văn Đồng, KP5, phường Linh Tây, quận Thủ Đức) sau khi giải tỏa làm đường Phạm Văn Đồng chỉ còn lại gần 25m². Bà Nguyễn Thị Nhất (48 tuổi), con bà Nuôi, kể: “Lúc giải tỏa làm đường người ta không báo cốt nền tăng bao nhiêu. Gia đình xây nhà cao hơn nền cũ là 0,6m vậy mà khi đường Phạm Văn Đồng xây xong, nền nhà vẫn bị thấp hơn gần 1m.

Nhà giờ như cái hầm, có hôm, ban đêm trời mưa nước tràn vào trong nhà. Ban ngày, mình còn chống cự được chứ đêm thì chịu. Bây giờ nâng lên cũng không được, đập ra xây lại cũng không xong vì đâu có tiền để làm. Gia đình tôi có làm đơn xin làm mái tôn che nắng, mưa nhưng ở phường không cho vì sợ mất mỹ quan  đô thị. Không cho thì gia đình phải treo mùng màn vậy chứ không biết cách nào…”.

Nhà bà Đồng Thị Nuôi (929 Phạm Văn Đồng, KP5, phường Linh Tây, quận Thủ Đức) phải che chắn tù túng khi thấp hơn mặt đường gần 1m. Ảnh: TIỂU TÂN

Dự án nâng cấp và cải tạo đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm hoàn thành khiến nơi đây trở thành điểm sáng. Tuy nhiên, đường được nâng lên cao, nhiều gia đình phải đối mặt với tình trạng “nhà biến thành hầm”.

Bà Nguyễn Thị Bé Hai, 53 tuổi (ngụ tại 1060 đường Lò Gốm, phường 7, quận 6) cho biết: “Sau khi cải tạo, khu vực này quá đẹp rồi. Chỉ có điều nhiều nền nhà bỗng dưng bị thấp với mặt đường. Chúng tôi phải ráng xoay sở, mượn kinh phí để lên nền, lên nhà. Hồi đường mới xây xong nước cống lên nhiều lắm, 4-5 hộ dân gần nhau hùn lại, xoay sở làm cái ống chạy ra kênh cho nước thoát… Dù vậy, vì nhà tôi thấp nên nước cống vẫn lên phía sau nhà. Giờ không biết làm sao?”.

Căn nhà của bà Nguyễn Thị Bé Hai dù đã lên nền nhưng vẫn thấp so với đường. Càng đi vào sâu trong, nền nhà càng thấp. Ảnh: TIỂU TÂN

Do nền nhà quá thấp so với mặt đường, người dân không ở được, cũng không bán được đành bỏ hoang trên đường Lò Gốm (quận 6). Ảnh: TIỂU TÂN

Bên cạnh những tuyến đường vừa được nâng cấp biến nhà ở hai bên đường thành những căn hầm thì còn có những tuyến đường bị hạ cốt nền cả thước khiến cho nền nhà bỗng nhiên cao chót vót.

Công trình nâng cấp và mở rộng đường Bạch Đằng và Hồng Hà (quận Tân Bình, TPHCM) do Công ty TNHH MTV phát triển Sài Gòn GS làm chủ đầu tư với thời gian thi công từ tháng 1-2015 đến tháng 2-2016. Tuy nhiên, đến nay, lô cốt, đất đá vẫn chiếm ngổn ngang giữa đường khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Sau khi công trình, hạ cốt nền, nhiều ngôi nhà hai bên đường tự nhiên cao hơn mặt đường cả thước. Một số cửa hàng, cơ sở kinh doanh phải đóng cửa do công trình thi công, không còn lối lên xuống cho khách hàng.

Nhà dân ở đường Bạch Đằng (quận Tân Bình, TPHCM) bỗng cao hơn mặt đường. Ảnh: TIỂU TÂN

Đường Phạm Văn Đồng đoạn qua quận Bình Thạnh lại làm cho nhiều nhà cao hơn mặt đường, người dân phải xây thêm nhiều bậc tam cấp để vào nhà. Ảnh: TIỂU TÂN

Vỉa hè đường Hồng Hà (quận Tân Bình, TPHCM) bị băm nát nhiều tháng nay khiến việc di chuyển người dân khó khăn. Ảnh: TIỂU TÂN

Đường Lê Văn Việt (quận 9) đoạn gần Trường Đại học Giao thông Vận tải cơ sở 2 lại có những ngôi nhà, cửa hàng có nền cao hơn mặt đường rất nhiều. Ảnh: TIỂU TÂN

Những nhà xây trước khi làm đường thì phải chịu khổ vì nhà bỗng nhiên bị biến thành hầm. Nếu nhà nào xây trần cao thì còn có thể nâng nền với điều kiện có tiền, còn những ngôi nhà có trần thấp thì đành phải chịu cảnh sống dưới hầm, ẩm thấp, ngập nước vào mùa mưa, hoặc là phải đập bỏ nhà cũ để xây nhà mới.

Còn những ngôi nhà xây sau khi làm đường xong cũng nơp nớp lo lắng, không biết khi nào đường lại được nâng lên, do vậy họ lại xây nhà có nền cao hơn mặt đường cả thước để chờ đường nâng lên là vừa. Xây như vậy cũng vừa tốn tiền nâng nền, vừa phải chịu vất vả, nguy hiểm khi dắt xe ra vào hàng ngày.

Trong ảnh là một quán ăn trên Quốc lộ 50, huyện Bình Chánh có nền được nâng cao hơn 1m so với mặt đường. Ảnh: QUANG KHOA

Đoạn đường Kinh Dương Vương, quận 6 đang được đổ đất, đá cao hơn 1m so với mặt đường cũ để nâng cấp chống ngập. Ảnh: QUANG KHOA

Những tuyến đường đã xây, đã nâng cấp xong để lại nhiều hệ lụy cho người dân sống ở 2 bên đường, và hiện nay việc nâng đường vẫn còn đang tiếp diễn. Do vậy đơn vị thi công cần phối hợp với cơ quan chuyên môn tính toán kỹ việc nâng cấp, xây dựng các tuyến đường để cho ra một kết quả hợp lý là: Đường nâng cấp hoặc xây mới phải phù hợp với quy hoạch đồng thời không làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân, còn nếu ảnh hưởng thì phải đền bù thỏa đáng.

QUANG KHOA – TIỂU TÂN

Tin cùng chuyên mục