TPHCM nên xây hồ chứa nước thô để đảm bảo cấp nước an toàn

Tại hội thảo chuyên sâu về “Hồ trữ nước đảm bảo cấp nước an toàn cho TPHCM” diễn ra ngày 8-4, nhiều ý kiến các chuyên gia trong nước và quốc tế đã cùng nhau mổ xẻ, hiến kế để người dân thành phố được sử dụng nước sạch, an toàn. Hội thảo do Dự án biến đổi khí hậu - cấp nước ở ĐBSCL và TPHCM, Sở TN-MT TPHCM, Sở GTVT TPHCM cùng Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) tổ chức
TPHCM nên xây hồ chứa nước thô để đảm bảo cấp nước an toàn

Tại hội thảo chuyên sâu về “Hồ trữ nước đảm bảo cấp nước an toàn cho TPHCM” diễn ra ngày 8-4, nhiều ý kiến các chuyên gia trong nước và quốc tế đã cùng nhau mổ xẻ, hiến kế để người dân thành phố được sử dụng nước sạch, an toàn. Hội thảo do Dự án biến đổi khí hậu - cấp nước ở ĐBSCL và TPHCM, Sở TN-MT TPHCM, Sở GTVT TPHCM cùng Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) tổ chức.

Nguồn nước sông rạch ô nhiễm

Trước diễn biến phức tạp về môi trường, xâm nhập mặn… ảnh hưởng đến việc cung cấp nước sinh hoạt cho người dân, ông Trần Cường, đại diện Sawaco cho biết, có ngày nhà máy nước thuộc Sawaco phải ngừng lấy nước 4 - 5 giờ. Theo các chuyên gia, 2 con sông cung cấp nước chính cho TPHCM là Sài Gòn và Đồng Nai hiện đang bị nhiễm mặn, ô nhiễm do nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp từ TPHCM, các tỉnh lân cận. Chất lượng nước của 2 con sông khá thấp do hàm lượng chất hữu cơ như COD, BOD cao cùng với lượng oxy hòa tan (DO) thấp, hầu hết là do các chất thải sinh hoạt, công nghiệp và nông nghiệp gây ra. Ngoài ra, lưu lượng dòng chảy của nước mưa lớn cũng làm ảnh hưởng xấu tới chất lượng nước, như màu sắc, hàm lượng mangan (Mn) cũng như độ đục của nước. Số lượng trực khuẩn, E.coli, độ đục và hàm lượng ammoni (NH3-N), Mn, tất cả đều vượt quá chuẩn cho phép của Việt Nam và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về nước cấp cho cộng đồng.

Độ mặn của sông Đồng Nai và sông Sài Gòn thay đổi rất nhiều, biến động theo thủy triều và mùa. Vào mùa khô, độ mặn của nước vượt quá tiêu chuẩn về nước sạch của Việt Nam (250mg/l chloride Cl-) nhiều lần.

Một trong những phương án được các chuyên gia Việt Nam và Hà Lan tâm đắc nhất là xây hồ trữ nước thô nhằm cải thiện đáng kể việc cấp nước sạch. Lãnh đạo Sawaco cho biết, kỹ thuật xử lý nước do Sawaco đề xuất đều có khả năng loại bỏ những tạp chất thành nước sạch. Tuy nhiên, để phòng tránh sự gia tăng đột ngột của các hàm lượng chất cặn lên các tầng lọc cát trong nhà máy xử lý khi độ đục của nước quá cao, các chuyên gia đề nghị phương án trữ nước sông trong các hồ trữ. Điều này cho phép các công ty cấp nước chọn thời điểm lấy nước thô.

Ông Rik Dierx, Giám đốc dự án Công ty Vitens Evides International tại Việt Nam cho rằng, các hồ trữ nước thô này cũng sẽ rất có ích khi có những sự cố tràn hóa chất công nghiệp hoặc nông nghiệp hay khi hàm lượng chloride tăng cực điểm do triều cường lên vào mùa khô. Hơn nữa, những hồ chứa nước thô cũng sẽ giúp Sawaco ổn định sản xuất cho tất cả những đơn vị xử lý nước trực thuộc.

Cơ quan chức năng cần vào cuộc

Qua tính toán sơ bộ của các chuyên gia, nếu xây dựng hồ trữ đa năng (sản xuất nước sạch, hồ sinh thái…) ven TPHCM, bằng cách lợi dụng các con kênh có sẵn, ít cần sự phối hợp liên tỉnh, đỡ tốn kém. Điều này có thể được xem là thuận lợi khá lớn so với việc dời điểm lấy nước thô từ hồ Trị An và hồ Dầu Tiếng với vốn đầu tư ban đầu rất lớn.

Một hồ chứa nước thô tại quận Thủ Đức, cung ứng nước cho người dân TPHCM sử dụng (Ảnh: CAO THĂNG)

Để có được những hồ trữ nước thô, PGS-TS Ứng Quốc Dũng, Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam, nhận định, vốn đầu tư cho hồ trữ nước thô khá lớn, do vậy cần quan tâm đặc biệt đến khâu giải phóng mặt bằng cùng hàng loạt các phương án kỹ thuật khác… Bên cạnh đó, cần có sự chấp thuận của các cơ quan chức trách chịu trách nhiệm quản lý những hồ trên, cũng như là sự hợp tác của tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương. Ngoài giải pháp xây dựng hồ trữ nước thô cũng nên lưu tâm đến việc khai thác nguồn nước ngầm, nước bề mặt (chẳng hạn như nước mưa); tăng cường tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước sinh hoạt tiết kiệm…

GS-TSKH Nguyễn Ngọc Trân bày tỏ quan điểm, việc quản lý nước nên theo lưu vực sông, chứ không phân ranh giới địa lý kiểu tỉnh nào biết tỉnh đó. Do vậy, vai trò của hội đoàn, của từng địa phương là rất quan trọng. TS Bùi Du Dương, công tác tại Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia (Bộ TN-MT) chia sẻ, cần có quy hoạch cụ thể, lâu dài để bảo vệ nguồn tài nguyên nước. Cần có hệ thống quan trắc, dự báo, đánh giá tác động về môi trường một cách thường xuyên, liên tục. Đó mới là một trong những cách làm bền vững, cung cấp nước an toàn, ổn định cho người dân TPHCM nói riêng, cả nước nói chung.

THI HỒNG

Tin cùng chuyên mục