TPHCM ngập lụt tăng - Do biến đổi khí hậu hay thiếu đầu tư hạ tầng?

Ngày 24-6, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TPHCM phối hợp với Đại học Quốc gia TPHCM, Viện Khoa học-Công nghệ Việt Nam và Hội Nghiên cứu thủy lực quốc tế tổ chức hội thảo khoa học quốc tế về tác động biến đổi khí hậu đến sự ngập lụt của Việt Nam. Tại hội thảo, nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế cho rằng, nguyên nhân khiến cho tình trạng ngập lụt Việt Nam gia tăng thời gian qua không hẳn là do ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu mà là tốc độ đô thị hóa chưa đồng bộ với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng thoát nước.
TPHCM ngập lụt tăng - Do biến đổi khí hậu hay thiếu đầu tư hạ tầng?

Ngày 24-6, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TPHCM phối hợp với Đại học Quốc gia TPHCM, Viện Khoa học-Công nghệ Việt Nam và Hội Nghiên cứu thủy lực quốc tế tổ chức hội thảo khoa học quốc tế về tác động biến đổi khí hậu đến sự ngập lụt của Việt Nam.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế cho rằng, nguyên nhân khiến cho tình trạng ngập lụt Việt Nam gia tăng thời gian qua không hẳn là do ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu mà là tốc độ đô thị hóa chưa đồng bộ với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng thoát nước.

Gần 90% diện tích TPHCM bị ngập

Tình trạng ngập nước thường xuyên sau khi mưa tại TPHCM. Ảnh: TRẦN THANH

Tình trạng ngập nước thường xuyên sau khi mưa tại TPHCM. Ảnh: TRẦN THANH

Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Văn Đức, chỉ trong khoảng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình nước ta tăng khoảng 0,7°C; mực nước biển đã dâng khoảng 20cm. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Trung Tín cũng cho biết thêm, riêng TPHCM hiện nhiệt độ đã tăng hơn 2°C.

Còn ông Nguyễn Phước Thảo, Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM nhấn mạnh, hiện mực nước các sông, kênh rạch của TPHCM đo được ở Phú An tăng đến 1,5cm/năm. Những cơn mưa lớn ngày một dày đặc hơn với vũ lượng trung bình năm sau cao hơn năm trước. Nếu trước đây cứ 5 năm mới có những cơn mưa có vũ lượng khoảng 120mm thì nay chỉ 3 năm đã thấy xuất hiện.

Còn những cơn mưa có vũ lượng khoảng 100mm thì năm nào cũng xuất hiện. Đặc biệt, trận mưa xảy ra vào ngày 7-3-2009, tại trạm Mạc Đĩnh Chi quận 1 TPHCM đo được vũ lượng là 117mm. Đây là trận mưa lớn hiếm thấy trong tuần lễ đầu tháng 3, vì trong lịch sử tháng 3 chỉ có hai trận mưa lớn nhưng đều xảy ra vào cuối tháng, đó là năm 1993 (lượng mưa 132mm) và năm 1999 (60mm).

Mực nước thủy triều của TPHCM từ năm 1999 đến nay cũng liên tục tăng nhanh từ mức 1,22m đến 1,55m. Và đây cũng là nguyên nhân khiến cho tình trạng ngập lụt tại các thành phố Việt Nam ngày càng tăng.

ThS Hoàng Phi Long, Đại học Bách khoa TPHCM cho biết, chỉ tính riêng tại TPHCM, năm 1990 chỉ có 10 điểm ngập. Đến năm 2003, số điểm ngập đã tăng lên 80 điểm và hiện là 100 điểm ngập. Nếu mức thủy triều đỉnh chỉ cần tăng lên 50cm nữa thì gần như 90% diện tích đất của TPHCM đều bị ngập.

Tác nhân là do đô thị hóa

TPHCM ngập lụt tăng - Do biến đổi khí hậu hay thiếu đầu tư hạ tầng? ảnh 2
Ngập do triều cường ngày càng lan ra nhiều khu vực ở TPHCM. Ảnh: ĐỨC TRÍ

PGS-TS Trần Thục, đại diện Ban chỉ đạo Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu cho biết, hệ quả của biến đổi khí hậu là do tình trạng sử dụng nhiên liệu hóa thạch tăng làm khí hậu ấm và kéo theo là sự dâng lên của mực nước biển. Tuy nhiên, còn một nguyên nhân khác là do tốc độ đô thị hóa tăng nhanh nhưng thiếu sự đầu tư đồng bộ trong xây dựng cơ sở hạ tầng; sự sụt lún của địa tầng do khai thác nước ngầm quá mức.

Tại TPHCM, chỉ trong 5 năm lại đây, hàng loạt các nhà cao tầng mọc lên trong khi 5 dự án đầu tư mới, cải tạo lại hệ thống thoát nước với tổng vốn đầu tư gần 1 tỷ USD vẫn chưa có dự án nào hoạt động. Hơn nữa, cho đến khi dự án này đi vào hoạt động, dự kiến 2015 thì có thể đã lạc hậu so với tình hình thực tế và tình trạng ngập có thể tiếp tục lặp lại.

Mặt khác, với hiện trạng gấp khúc trong hệ thống thoát nước đang là nguyên nhân khiến cho tình trạng ùn ứ cát và bùn trong cống thoát nước, làm giảm tốc độ thoát nước.

Do đó, theo ThS Hoàng Phi Long, để có thể giải quyết bài toán ngập nước tại TPHCM nói riêng và cả nước nói chung, trước mắt các tỉnh thành cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống thoát nước tại các đô thị. Ngoài ra, để tránh tình trạng khi dự án thoát nước đi vào hoạt động đã lạc hậu so với thực tế, cần xây dựng thêm những hồ điều tiết nước để giảm áp lực nước cho cống thoát nước trong trường hợp mưa lớn hoặc thủy triều dâng cao.

Về lâu dài, ông Lobo-Ferrira, Viện trưởng Viện Tài nguyên nước ngầm Bồ Đào Nha cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần phải xác định rõ khu vực sẽ phải chịu ảnh hưởng bởi ngập lụt và mức độ ngập. Từ đó, thông qua các phương tiện truyền thông đưa ý kiến của các nhà khoa học đến với từng người dân – người trực tiếp tham gia chống biến đổi khí hậu để họ nhận thấy rõ tác hại và những biện pháp thực hiện phòng chống.

Ngoài ra, sự phá rừng ở thượng nguồn có thể gây ra lũ lụt trầm trọng hơn khu vực đồng bằng. Do dó, không thể giải quyết vấn đề bằng cách khu trú trong một địa phương mà phải có sự liên thông giữa các tỉnh. Vấn đề kế tiếp rất quan trọng, đó là sớm có kế hoạch dài hơi cho việc tái định cư và di dân ra khỏi những vùng có nguy cơ ngập lụt. Bởi vì đó là những vùng tiềm tàng, trước sau cũng xảy ra ngập lụt.

Ông Nabiul Islam, Giám đốc Viện Nghiên cứu khoa học và phát triển Bangladesh nhấn mạnh thêm, cũng cần xây dựng những giải pháp thích nghi, sống chung với ngập lụt. Cụ thể như những vùng hiện và sẽ có nguy cơ bị ngập do mực nước biển dâng cần phát triển nuôi trồng thủy sản, trồng rừng ngập mặn và quy hoạch các khu bảo tồn sinh thái; xây dựng những công trình đê bảo vệ khu vực thị trấn, cảng, khu di tích… ven biển; không quy hoạch những khu dân cư gần bờ biển, cửa sông…

Có như vậy thì những thiệt hại và tác động từ việc ngập lụt do tốc độ đô thị hóa tăng hay do biến đổi khí hậu gây nên sẽ được giảm nhẹ hơn rất nhiều.

Ái Vân

Tin cùng chuyên mục