
Gần 1 tháng nay, nhiều khu vực ở các quận 7, 8, huyện Nhà Bè tình hình thiếu nước sinh hoạt khá trầm trọng. Riêng tại địa bàn huyện Nhà Bè, ban ngày nước sinh hoạt đã không còn chảy giọt nào. Theo nhận định của lãnh đạo các đơn vị cấp nước cho những địa bàn nói trên, dự báo tình hình khan hiếm nước sạch trong những ngày tới càng trầm trọng hơn.
Trắng đêm “chực” nước

Anh Nguyễn Đình Định rửa rau nấu cơm cho con ăn tối nhưng nước máy vặn chỉ nhỏ giọt. Ảnh: Đường Loan
Chiều 24-3, chị Trang (ngụ số 65 đường Chuyên Dùng 9 khu phố 3 phường Phú Mỹ quận 7) cho biết: Hai tuần nay gia đình chị phải dè sẻn từng giọt nước. Mặc dù nhà ngay mặt đường nhưng muốn có nước, chị phải lắp đặt một máy bơm nhỏ đấu nối với đường ống chính để bơm vào bể chứa nước (hơn 1m3) ở nhà.
Cả gia đình phải cắt cử, chầu chực đến khuya để chờ nước. Theo chị Trang, dù phải thức đến khuya nhưng có nước như gia đình chị là sung sướng chán bởi nhiều nhà ở trong hẻm hay ở cuối đường thì “tuyệt vọng” với nước. Còn theo Trần Đình Thắng (ngụ số nhà 181/26 đường Chuyên Dùng 9) vào ban ngày, suốt cả tháng nay gia đình anh khóc dở mếu dở vì nước.
Mặc dù nhà anh chỉ cách mặt đường chính khoảng 60m nhưng muốn nhìn thấy nước thì chỉ còn cách thức đến 23 giờ đêm. Quá bức bối về nước, cả gia đình đã phải chuyển lên quận 2 ở, nhưng anh vẫn phải “chực” ở đây để đợi nước phòng khi có trở về nhà còn có nước mà dùng. Cách nhà anh Thắng một chút, gia đình anh Nguyễn Đình Định (ngụ số nhà 181/16 đường Chuyên Dùng 9) cũng rơi vào cảnh tương tự. 17 giờ chiều 24-3, anh bần thần ngồi bên bể nước khô khốc.
Đã đến giờ nấu cơm chiều cho các con nhỏ nhưng không có nước mà rửa rau, vo gạo. Anh cho biết, vào các đêm của ngày thứ 7, chủ nhật thì may ra nước còn chảy mạnh do các công ty, xí nghiệp trong khu vực nghỉ làm việc. Còn các đêm khác, nước chỉ chảy tậm tịt, lì rì ít một. Để đáp ứng nhu cầu, gia đình anh phải mua thêm nước từ xe bồn của người dân khác chở đến bán với giá 30.000 đồng/m3. Tương tự, các hộ dân nằm hai bên và trong các con hẻm của đường Phạm Hữu Lầu (quận 7) cũng luôn sống trong cảnh… khát nước. Nhiều hộ dân đã đánh liều bằng cách khai thác nguồn nước ngầm qua giếng khoan gia đình.
Tại huyện Nhà Bè, người dân ở ngay thị trấn này cũng phải than trời vì nước. Vợ chồng bác Nguyễn Ngọc Lợi (tổ 18 khu phố 6 thị trấn Nhà Bè) đã hơn 50 tuổi nhưng ngày nào cũng phải cắt cử nhau chờ nước đến 2 giờ sáng. Bác đã bắc một chiếc chõng ngay tại bể nước ở nhà để đêm đêm, cứ khoảng 30 phút bác lại trở dậy vặn thử vòi nước xem có giọt nào chảy không? Nhưng nước máy mà cả gia đình chờ đợi đến rạng sáng hôm sau mới lấy được là thứ nước vừa tanh vừa… không ngọt, nhiều khi lại có váng nhờ nhờ.
Vợ bác Lợi chìa cho PV Báo SGGP xem nồi canh vừa được bà nấu từ nước máy đã chuyển màu vàng khè, xung quanh nồi, một lớp bột trắng xóa, khô khốc bám rịt lấy thành nồi. “Đấy! Các cô xem nước như thế này khách đến nhà có ai dám mời người ta uống không? Tôi đã lọc qua bình lọc nước nhiều lần nhưng tình tình không khá hơn. Đường cùng, chúng tôi cũng phải mua nước với giá 25.000 đồng/m3” - vợ bác Lợi bức xúc.
Tình hình sẽ càng trầm trọng hơn!
Ông Bùi Công Sơn, Giám đốc Công ty CP Cấp nước Nhà Bè nhận định: Tình hình thiếu nước mùa khô ở khu vực cuối nguồn vào thời điểm này tuy mức độ không căng thẳng so với cùng kỳ năm ngoái nhưng cũng ở mức trầm trọng. Trước tết, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn có lắp đặt trạm tăng áp tại ngã tư Phạm Hữu Lầu – Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) để điều tiết áp lực nước từ tuyến ống phi 600 trên đường Nguyễn Văn Linh (nguồn nước của Nhà máy nước Tân Hiệp) về cho khu vực cuối nguồn của quận 7 và Nhà Bè. Nhờ vậy, lượng nước cung cấp cho những khu vực trên đã tăng thêm được hơn 1.000m3/ngày. Tuy nhiên, từ gần 1 tháng nay, đặc biệt là khoảng 10 ngày gần đây, nguồn nước sinh hoạt bắt đầu thiếu trầm trọng, nhất là tại 3 khu dân cư mới trên đường Phạm Hữu Lầu (quận 7). Riêng địa bàn huyện Nhà Bè, nước sinh hoạt hoàn toàn không chảy vào ban ngày. Hiện, mỗi ngày công ty phải chở khoảng 600m3 nước sạch bằng xe bồn nhưng cũng chỉ đủ đáp ứng nhu cầu tối thiểu cho người dân.
Cùng ngày, trao đổi với PV Báo SGGP, ông Phạm Mạnh Đức, Giám đốc Công ty CP Cấp nước Chợ Lớn cho biết: Tại phường 1, 2 (quận 8), nước sinh hoạt đang thiếu 700 – 800m3/ngày. Hiện nay, ngoài lượng xe bồn của công ty, công ty phải hợp đồng thêm xe bồn bên ngoài để vận chuyển nước đến cung cấp cho các khu vực trên.
Theo nhận định của hai đơn vị cấp nước trên, những ngày tới thời tiết nắng nóng hơn, nhu cầu sử dụng nước của người dân ở khu vực đầu nguồn sẽ tăng lên nên lượng nước điều tiết về cho khu vực cuối nguồn sẽ tiếp tục giảm đáng kể. Vì vậy, tình hình khan hiếm nước sẽ gay gắt hơn.
Tuy nhiên, theo ông Đức, bằng mọi cách, công ty sẽ cố gắng đáp ứng nhu cầu nước sạch tương đối đủ cho người dân ở khu vực phường 1 và phường 2 (quận 8). Thế nhưng, lúc ấy việc sử dụng nước của người dân sẽ bất tiện hơn vì nếu thực hiện giải pháp bơm nước trực tiếp vào mạng thì nước chỉ chảy theo giờ. Còn nếu đặt bồn tập trung thì người dân phải đến tận nơi đặt bồn để chở nước.
Nguồn nước cấp cho quận 7, huyện Nhà Bè đang trông chờ vào việc phát nước của Nhà máy BOO nước Thủ Đức. Theo chỉ đạo trước đây của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín, chậm nhất vào tháng 6 năm nay, nhà máy nước này phải phát nước để người dân ở các khu vực cuối nguồn có nước sử dụng. Tuy nhiên, theo lời cam kết mới đây của lãnh đạo Nhà máy BOO nước Thủ Đức thì đến tháng 5 năm nay nhà máy chỉ mới phát được 100.000m3 nước sạch/ngày cho khu vực các quận 2, 9, Thủ Đức. Còn khu vực các quận 7, 8 và huyện Nhà Bè phải đợi đến tháng 9-2008.
ĐƯỜNG LOAN - VÂN ANH