TPHCM nỗ lực chống ngập. Bài 1: Nhiều nơi đã hết ngập

LTS:
TPHCM nỗ lực chống ngập. Bài 1: Nhiều nơi đã hết ngập

LTS: Do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan,  những năm gần đây nhiều đô thị lớn trong khu vực, trong đó có Hà Nội và TPHCM thường xuyên bị ngập nặng khi trời mưa kết hợp với triều cường. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực chống ngập và bước đầu đã hạn chế tình trạng ngập tại khu vực trung tâm nhưng TPHCM còn đối diện với nguy cơ tái ngập trong tương lai. Để giải quyết vấn nạn này, bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan chức năng, rất cần sự chung tay góp sức của cả cộng đồng.

Dự án cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Bến Nghé - Tàu Hủ góp phần giải quyết tình trạng ngập nước tại TPHCM.

Dự án cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Bến Nghé - Tàu Hủ góp phần giải quyết tình trạng ngập nước tại TPHCM.

Nhiều nơi giảm ngập

Trước đây, mỗi lần có mưa hay triều cường, tại khu vực phường 21, 22 quận Bình Thạnh TPHCM, nhiều tuyến đường cũng như hẻm tràn ngập nước, nhiều nơi ngập rất sâu. Hai năm qua, diện mạo đời sống người dân tại khu vực trên đã thay đổi hẳn nhờ sự đầu tư mạnh mẽ của TP xây dựng, cải tạo các hệ thống cống thoát nước. Đường sá khô ráo sạch đẹp dù mưa lớn hay khi có triều cường. Bà Huỳnh Thị Cảnh, nhà phường 21, quận Bình Thạnh cho biết, bà con giờ đi lại không còn cảnh xắn quần lội nước như cách đây 2 năm nên ai cũng vui mừng. Đường phố khô ráo, người dân sửa chữa nâng cấp nhà lên sạch đẹp, cuộc sống thay đổi hẳn. Cái được lớn nhất là không còn cảnh hôi thối hay ruồi muỗi mỗi khi triều cường hay có mưa. Dịch bệnh cũng không còn phát sinh như trước đây.

Cách đây gần 2 năm, cứ mưa hay triều cường, khu vực ngã tư Lê Hồng Phong và đường 3 Tháng 2 thuộc phường 12 quận 10 nước ngập gần hết bánh xe gắn máy. Nước tràn vào nhà dân, nhiều nhà phải mua máy bơm để bơm nước ra ngoài. Anh Phan Thạch Bình, nhà đối diện Nhà hát Hòa Bình, phấn khởi cho biết: “Không chỉ có gia đình tôi mà người dân ở khu vực này cảm ơn TP đã nỗ lực trong nhiều năm qua để xây dựng hệ thống thoát nước, đem lại cuộc sống bình yên cho người dân. Đường sá khô ráo người dân tự tin kinh doanh mà không phải lo nơm nớp mỗi khi đến đợt triều cường hay trời mưa như những năm trước”.

Ký ức của người dân Sài Gòn vào những thập niên 80 - 90, đối với dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là ngập rác và bốc mùi hôi thối gây ô nhiễm trầm trọng. Mùa mưa hay mỗi khi có triều cường, nhiều khu dân cư dọc theo tuyến kênh này nước ngập đến đầu gối. Thời điểm đó toàn bộ tuyến kênh này nhà nằm trên rác, nước lưu thông rất yếu. Khu vực này có nhiều con rạch nhỏ nằm trên phường 15, 17, 25 của quận Bình Thạnh thông ra kênh, các con rạch chằng chịt nằm sâu bên trong, cứ mưa hay triều cường là nước ngập vào nhà cùng với rác. Dòng nước đen kịt đầy rác, nhà sàn cơi nới lấn chiếm rạch mọc lô nhô, mất trật tự và người dân lúc đó cứ vô tư xả rác và nước thải sinh hoạt xuống rạch.

Còn hiện nay, cô Trần Thị Hoa, ở hẻm 126 đường Hoàng Sa, phấn khởi nói: “Tuyệt vời! Hai bên đường cây xanh mơn mởn, con đường thì uốn lượn như hình bản đồ Việt Nam. Lòng kênh được mở rộng, nạo vét sâu hơn, hệ thống cống hộp được làm mới hoàn toàn, lan can được lắp dọc hai bên bờ, ô nhiễm giảm đi rất nhiều. Dòng kênh gần như xanh trở lại, môi trường sống được cải thiện. Không khí trong lành, đời sống người dân được nâng lên”.

Đường Bà Hom đã thoát ngập. Ảnh: PHẠM KIM NGÂN

Đường Bà Hom đã thoát ngập. Ảnh: PHẠM KIM NGÂN

Xóa ngập vùng ven

Thời gian qua, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP đã hạn chế được nhiều điểm ngập thường xuyên. Cụ thể, đường Gò Dưa, Quang Trung, Đỗ Xuân Hợp, Nguyễn Hữu Cảnh, Lê Đức Thọ, Quốc lộ 1A (Thủ Đức), Lê Văn Sỹ, Tôn Đức Thắng (quận 1), hàng loạt tuyến đường ở quận 5, An Dương Vương nối dài (quận 6), Quang Trung (Gò Vấp), Đỗ Xuân Hợp (quận 9), Phan Văn Hớn (quận 12), Huỳnh Tấn Phát (quận 7), Tân Quý - Tân Hương (quận Tân Phú), Phạm Thế Hiển (quận 8) đã được đặt cống, nâng đường...

Song song đó, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm ngập cấp bách kết hợp với lâu dài tại 60 vị trí, trong đó có 20 vị trí đấu nối mở hướng thoát nước cho các điểm ngập, đã phát huy hiệu quả trên nhiều tuyến; đưa vào vận hành 123/172 tuyến cống thoát nước với chiều dài 235/289km cống…

Quan trọng không kém là hiệu quả mang lại từ việc vận động nhân dân tham gia nạo vét, khơi thông các dòng kênh, góp phần tạo thông thoáng dòng chảy, cải thiện cảnh quan, vệ sinh môi trường. Không để các điểm ngập đã được xử lý bị tái ngập, hạn chế tình trạng phát sinh điểm ngập mới, kéo giảm số lần ngập, chiều sâu ngập và thời gian ngập của các điểm ngập hiện hữu là công tác trọng tâm. Nhờ đó, tình trạng ngập ở một số nơi trên địa bàn TPHCM đã được cải thiện đáng kể.

Nhiều dự án thoát nước đã góp phần giải quyết tình trạng ngập như: Dự án Vệ sinh môi trường nước lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè; Dự án cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Bến Nghé - Tàu Hủ - kênh Đôi - kênh Tẻ giai đoạn 1 và 2; Dự án đê bao bờ hữu sông Sài Gòn (đoạn từ Vàm Thuật đến Nam Rạch Tra)…

––––––––

Bài 2: Nguy cơ tái ngập

QUỐC HÙNG

Tin cùng chuyên mục